Thận trọng với giao dịch ký quỹ

Nhà đầu tư (NĐT) sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) với tỷ lệ tối đa để mua cổ phiếu (CP) nhằm đạt được suất sinh lời cao nhất là chiến thuật giao dịch khá phổ biến trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng ngay cả với những NĐT dày dạn kinh nghiệm nhất thì margin với tỷ lệ tối đa vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro không thể đoán trước.
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, khi tư vấn cho khách hàng, một môi giới nhiều kinh nghiệm có nói đại ý, margin tối đa vào thời điểm thị trường tạo đáy là rất an toàn và dẫn chứng nếu dùng chiến thuật này vào ngày 18/8, tức là phiên chỉ số này giảm hơn 55 điểm, thì có thể lãi 20-30% sau vài ngày. Theo đó, nếu sử dụng margin với tỷ lệ 1:1 (có 1 đồng vay thêm 1 đồng) bắt đáy trong phiên này và cổ phiếu (CP) tăng giá trở lại từ 10-15% thì tỷ suất lãi/vốn sẽ lên đến 20-30%. Tính đến thời điểm này, chiến thuật đó giúp nhiều NĐT “trúng”, nhưng đầu tư TTCK là một cuộc chơi dài hạn và NĐT thì không thể có lãi hay “nói hay” mãi.

Trở lại với câu chuyện phiên 18/8, nếu đối chiếu với lịch sử, cũng có nhiều lần TTCK giảm mạnh và hồi phục, nhưng trước khi hồi phục thì NĐT cũng lỗ thêm vài phiên, như vậy nếu bắt đáy sớm, mà lại margin tối đa thì có khi CP về đến tài khoản vẫn chưa có lãi, thậm chí lỗ. Nhưng không ai có thể khẳng định chắc chắn lúc nào là đáy, yếu tố may rủi vẫn đi kèm. Khi đã margin tối đa, NĐT cũng nên tính toán phương án nếu có thua lỗ sẽ hành động như thế nào, tiếp tục nắm giữ, cắt lỗ, hay chuyển qua CP khác để tìm cơ hội sinh lãi mới… Khi margin tối đa mà có lãi, tức là “thắng lớn” thì NĐT cũng nên chuẩn bị tâm lý trong trường hợp “thua to”.

Nhưng cũng có khi, NĐT chưa kịp thắng lớn thì đã thua to, nếu giao dịch sai chiến thuật hoặc kém may mắn. Thông thường, trong những giai đoạn mà TTCK hoặc giá CP đi ngang, ít bứt phá, tương ứng với biến động giá CP sẽ thấp, lúc này, NĐT sẽ cố gắng sử dụng margin với tỷ lệ cao để gia tăng suất sinh lời. Chẳng hạn, CP chỉ tăng 1,5-2%, nếu sử dụng margin tỷ lệ 1:1 thì lãi thành 3-4%. Nhưng rủi ro lại nằm ở chỗ, nếu CP quay đầu đột ngột giảm 5-7% thì NĐT lập tức lỗ 10-15%, đây cũng chính là tình trạng tài sản tăng thì như đi bộ nhưng giảm thì nhanh như… thang máy, mà nhiều người vẫn hay ví von. Thực tế, nếu giá trị tài sản giảm dưới 20%, thì việc có thể xoay xở để phục hồi lại không quá khó khăn, nhưng khi đã lên trên mức này thì áp lực sẽ rất lớn. Chẳng hạn, nếu giá trị tài sản giảm khoảng 30%, thì sau đó, NĐT phải tìm cách sinh lời gần 50% giá trị mới trở về ban đầu.

Một sai lầm mà những người sử dụng margin với tỷ lệ cao hay mắc phải là sử dụng nó liên tục và trong thời gian dài. Chưa bàn đến chuyện lãi lỗ thì margin cao có thể khiến một số NĐT rơi vào trạng thái căng thẳng và áp lực, từ áp lực phải có lãi, đến áp lực nếu thua lỗ, trật sóng thì có thể lặp lại liên tục… Như vậy, với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc margin tối đa chỉ nên được áp dụng rất thận trọng và ngay cả NĐT có kinh nghiệm thì cũng chỉ nên sử dụng từng đợt thay vì áp dụng ồ ạt và liên tục.