Tạo nền tảng để thực hiện tốt cơ chế đặc thù

Tròn 1 năm kể từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) có hiệu lực (ngày 1/8/2023), thành phố đã ban hành khối lượng chính sách đáng kể, là tiền đề mở ra triển vọng giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn…
Nhiều dự án được đẩy mạnh đầu tư từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 98.
Nhiều dự án được đẩy mạnh đầu tư từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 98.

Kiện toàn bộ máy

Cuối tháng 7/2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã trao quyết định của Chủ tịch UBND thành phố phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Tuấn Tài, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nhà Bè. Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt là công tác chuẩn bị nhiệm kỳ mới, việc chuẩn bị xây dựng huyện Nhà Bè thành thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh.

Cùng với huyện Nhà Bè, thực hiện Nghị quyết 98, thành phố đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tăng thêm

1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức; tăng 1 Phó Chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn và 51/52 Phó Chủ tịch UBND ở 51/52 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên.

Là “thành phố trong thành phố”, từ Nghị quyết 98, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức cũng cơ bản hoàn thiện với việc thành lập Ban Đô thị HĐND thành phố Thủ Đức, Thanh tra Xây dựng; thí điểm thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội.

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 98 của TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Khoa Luật hành chính - nhà nước (Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98 vẫn còn nhiều vấn đề cần có thêm sự hỗ trợ cả về pháp lý và cả quyết tâm chính trị.

Thực tế, vẫn còn tình trạng TP Hồ Chí Minh phải gửi văn bản hỏi nhiều lần ở nhiều ngành, lĩnh vực lên các bộ, ngành liên quan về những nội dung quản lý ngành, lĩnh vực cụ thể phát sinh trong quá trình triển khai cơ chế đặc thù. Mặt khác, sự chưa đồng bộ tạm thời của cơ chế đặc thù trong cơ chế chung là thực trạng khách quan trong quá trình chuyển đổi.

Do đó, theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, trong bối cảnh hiện nay, Trung ương cần tích cực phân cấp mạnh cho TP Hồ Chí Minh đúng với tinh thần “cái gì phân cấp được thì nên phân cấp” cùng với tâm thế lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia trong hành trình hoàn thiện thể chế pháp lý đặc thù.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý, các quy định thuộc thẩm quyền địa phương. Từ đó, thành phố không còn phải thực hiện cơ chế “xin - cho”. Với Nghị quyết 98, lần đầu tiên thành phố được cho một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong quý III và quý IV/2024, thành phố sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào các dự án theo Nghị quyết 98. Đặc biệt, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, từ đó tiến tới tổng kết Nghị quyết 131 (dự kiến vào cuối năm 2025) để đề xuất một nghị quyết mới là thể chế quản lý đô thị phù hợp hơn với thành phố.

Đời sống người dân không ngừng được nâng cao

Cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy từ thành phố đến phường, xã, thị trấn, một năm qua, TP Hồ Chí Minh vận dụng các chính sách đặc thù để ưu tiên bố trí ngân sách, hỗ trợ hàng chục nghìn người tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao cuộc sống của người dân.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 1 năm thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân 3.794 tỷ đồng cho gần 52.000 lượt người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động vay vốn ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Điều quan trọng từ chính sách này mang lại là còn góp phần gia tăng tiêu dùng và tích lũy thu nhập, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chỉ số phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Cũng với cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính. Cụ thể, thành phố chi thu nhập tăng thêm cao nhất là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Đồng thời, chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi cao nhất là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan T.Ư trên địa bàn thành phố.

Theo tính toán, trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh sẽ chi gần 14.370 tỷ đồng thực hiện chính sách này. Trong đó, quý I, quý II chi hơn 3.123 tỷ đồng/quý và quý III, quý IV căn cứ theo mức lương cơ sở mới (2,34 triệu đồng) để chi thu nhập tăng thêm.

Hiện, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng cơ chế Sandbox (khung thể chế thí điểm) khoa học - công nghệ. Mới đây, Ban cán sự đảng UBND thành phố đã thông qua cơ chế về việc xây dựng Sandbox cho ô-tô không người lái, thiết bị bay không người lái (drone) và tần số wifi. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu cơ chế Sandbox cho Trung tâm Công nghiệp 4.0, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Viện Công nghệ tiên tiến, dự kiến sẽ công bố chậm nhất trong quý IV/2024.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội với số tiền 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất; phấn đấu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án phát triển đường sắt đô thị...

Từ những nỗ lực đó, PGS, TS Trần Hoàng Ngân dẫn chứng về sự đóng GDP cho cả nước của TP Hồ Chí Minh: năm 2021 thành phố đóng góp 15,8%, trong 6 tháng năm 2024 là 16,4%. Bên cạnh đó, thành phố đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước với 21,7%, đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách cả nước.

Một năm thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh đạt được những kết quả nổi bật tiêu biểu như: Thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền trong 5 lĩnh vực là quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mặt khác, ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án; ngành y tế có 6 dự án, hiện nay 2 dự án đang được triển khai…