Khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng

Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nước (GCEW) vừa công bố báo cáo, trong đó đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng thiếu nước trên toàn thế giới. Nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời, hơn một nửa sản lượng lương thực thế giới có thể bị đe dọa nghiêm trọng từ nay đến năm 2050.
Người dân xếp hàng chờ lấy nước tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: CNN
Người dân xếp hàng chờ lấy nước tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: CNN

Nguy cơ khủng hoảng nước

Báo cáo: “Kinh tế của nước: Đánh giá chu trình thủy văn như một tài sản chung toàn cầu” của GCEW nêu thực trạng rằng, gần 3 tỷ người và hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu đang ở nơi tổng lượng nước dự trữ được dự đoán sẽ giảm. Biến đổi khí hậu, với những biểu hiện rõ rệt như hạn hán kéo dài và mưa thất thường, cùng với việc quản lý nguồn nước kém hiệu quả là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Các tác động của cuộc khủng hoảng nước không chỉ dừng lại ở vấn đề an ninh lương thực. Báo cáo dự báo rằng, đến năm 2050, GDP của các nước thu nhập cao có thể giảm trung bình 8%, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp lên tới 15%. Điều này cho thấy thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới nông nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù nước thường được coi là “món quà hào phóng của thiên nhiên”, song GCEW nhấn mạnh nước ngày càng khan hiếm và chi phí vận chuyển tốn kém.

Báo cáo cũng kêu gọi hành động trước cuộc khủng hoảng nước, cần coi nước là “tài sản chung toàn cầu” và sự chuyển đổi quản lý nước hiệu quả ở tất cả cấp độ. GCEW cho biết, nên cân nhắc việc loại bỏ các khoản trợ cấp có hại trong các lĩnh vực sử dụng nhiều nước, hoặc chuyển sang các giải pháp tiết kiệm nước, cũng như cung cấp hỗ trợ cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, cũng là đồng Chủ tịch GCWE, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định giá nước một cách hợp lý và kết hợp các chính sách hỗ trợ người nghèo. Trong khi đó, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, một đồng Chủ tịch khác của GCWE, nêu bật sự cần thiết phải nhìn nhận nước như một vấn đề toàn cầu, thúc đẩy đổi mới và đầu tư nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng và ổn định chu trình thủy văn toàn cầu.

Thúc đẩy sản xuất lương thực tại châu Phi

Trong bối cảnh các quốc gia vốn là vựa sản xuất lương thực thế giới đang ngày càng khó khăn do xung đột, biến đổi khí hậu, LHQ đang nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ châu Phi sản xuất lương thực. Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Somalia vừa phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tổ chức một sự kiện chung tại Thủ đô Mogadishu, để nêu bật cách thức chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm của Somalia theo chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm 2024: “Quyền được tiếp cận thực phẩm để có cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn”.

Đại diện FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt lưu ý với những tác động ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số toàn cầu, việc bảo vệ hành tinh để bảo đảm sản xuất lương thực bền vững ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. FAO cam kết hỗ trợ Chính phủ và người dân Somalia tăng sản lượng nông nghiệp, xây dựng khả năng phục hồi lâu dài và bảo đảm quyền tiếp cận thực phẩm.

Giám đốc kiêm đại diện của WFP tại Somalia, ông El-Khidir Daloum cho biết, nhiều cộng đồng đang phải hứng chịu các cuộc khủng hoảng liên quan khí hậu, đe dọa tính mạng và sinh kế của người dân. Do đó, WFP ngày càng tập trung vào các biện pháp củng cố năng lực phục hồi và xây dựng hệ thống lương thực thông minh, có khả năng thích ứng với khí hậu, bảo đảm tương lai bền vững, tự lực và tươi sáng hơn cho Somalia.

Theo LHQ, những năm gần đây, Somalia đã trải qua một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, bao gồm lũ lụt và hạn hán kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân. Với dự báo 80% khả năng xảy ra hiện tượng La Nina, Somalia đang phải đối mặt một đợt hạn hán khác. Các cơ quan của LHQ cảnh báo 4,4 triệu người Somalia sẽ phải hứng chịu nạn đói nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay.