Tăng hoạt động minh bạch

Những chuyển động trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong một năm qua không chỉ có sự tăng/giảm của VN Index mà còn rất nhiều những thay đổi khác mang tính tích cực, nhất là trong việc củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (NĐT).
0:00 / 0:00
0:00

Một NĐT cá nhân với thâm niên hơn 15 năm tham gia TTCK chia sẻ, năm ngoái do đã từng mua vào một cổ phiếu (CP) của một doanh nghiệp (DN) mà sau này lãnh đạo đã bị xử lý hình sự vì làm giá, về sau anh nhận được cuộc gọi từ cơ quan chức năng để hỏi về những thiệt hại, ảnh hưởng của mình. NĐT này chia sẻ anh rất bất ngờ vì được biết số lượng NĐT tham gia này là rất lớn và không nghĩ rằng cơ quan chức năng có thể hỏi được chi tiết đến từng người như vậy. “Ngoài nghiệp vụ, chuyên môn, tôi nghĩ đây là nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng. Điều này xứng đáng được ghi nhận vì niềm tin của NĐT về mặt dài hạn sẽ được củng cố, nhất là niềm tin, cảm giác an toàn khi tham gia TTCK”, NĐT thâm niên 15 năm nhấn mạnh.

Gần đây, xuất hiện tin đồn về việc một vụ việc làm giá bị phát hiện bởi tố cáo từ phía NĐT. Thông tin chính xác nhất chắc chắn phải từ cơ quan chức năng, nhưng cần bàn đến việc: NĐT có thể tố cáo việc làm giá chứng khoán. Chưa cần nói đến NĐT tổ chức, rất nhiều NĐT cá nhân, bằng kinh nghiệm, các công cụ, nguồn tin của mình, thừa sức phát hiện hoặc đặt ra những nghi vấn có cơ sở liên quan đến hoạt động thao túng giá chứng khoán. Như vậy, nếu cơ quan quản lý có thể tiếp nhận, xử lý nhanh chóng các tố cáo liên quan đến làm giá nhanh chóng thì chính các NĐT cũng có thể là một bộ lọc hữu hiệu để phát hiện những điểm bất thường. Theo một chuyên gia chứng khoán, dấu hiệu làm giá liên quan đến những bất thường về công bố thông tin, bất thường về cung cầu, biến động giá, cộng thêm những ý kiến từ NĐT thì cơ quan quản lý sẽ có thể yêu cầu phía DN giải trình nếu đầy đủ cơ sở.

Kỳ vọng về sự thay đổi suy nghĩ của các NĐT sẽ là một đòn “chí mạng” vào hoạt động làm giá. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ kiểu như CP bị làm giá, nhưng nếu có khả năng tăng, tại sao không… nhảy vào thử vận may rồi bán nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, theo thời gian, những suy nghĩ này nhiều khả năng sẽ giảm đi khi NĐT phát hiện dấu hiệu bất thường và thông báo đến cơ quan quản lý. Một chi tiết đáng lưu ý là lâu nay, công ty chứng khoán (CTCK) cũng phát đi rất nhiều tín hiệu để cảnh báo về CP có dấu hiệu làm giá. Theo đó, những CP dù có thanh khoản lớn, đủ tiêu chuẩn để cấp vốn vay (margin) nhưng nếu nhận thấy những dấu hiệu “bất ổn”, nhiều CTCK sẽ từ chối. Một trường hợp tương đối điển hình là CTCK HSC, vốn nổi tiếng bởi sự cẩn trọng, từ lâu đã nói không với nhiều CP “siêu thanh khoản” nhưng có dấu hiệu làm giá.

Khi mà các giải pháp kiểm soát, cảnh báo hoạt động làm giá ngày một chặt chẽ hơn thì điều kiện cần cuối cùng chính là suy nghĩ nghiêm túc của NĐT về việc kiên quyết nói không. Chỉ cần NĐT tránh xa hoặc lên tiếng mạnh mẽ thì các động thái làm giá sẽ không thể lộ liễu xuất hiện và trục lợi được nữa, qua đó TTCK sẽ có tính chất chọn lọc cao hơn, nền tảng được củng cố về mặt dài hạn.