Tăng đề kháng trước những cú sốc

Vấn đề chuẩn bị tâm thế cũng như nâng cao năng lực cho người lao động và doanh nghiệp ứng phó trước mỗi khó khăn, biến cố là vô cùng quan trọng. Nhưng, đến nay vẫn chưa được chú trọng thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tìm hiểu những ngành nghề cần chuyên môn cao. Ảnh: VĂN HỌC
Người lao động tìm hiểu những ngành nghề cần chuyên môn cao. Ảnh: VĂN HỌC

Giữ chắc "lưới an sinh"

Một năm trước, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người lao động ở những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp phải trở về quê. Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ quan đã tìm cách giữ chân, khích lệ người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Các biện pháp kết nối, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cũng được thực hiện. Hàng vạn người lao động đã tìm được việc làm. Chị Đỗ Thị Hoa, ở Đô Lương (Nghệ An) là người quay trở lại Bình Dương để làm việc sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Đơn hàng nhiều không xuể, chị và đồng nghiệp hăng hái làm việc. "Ai cũng nghĩ đơn hàng về tới tấp, việc ổn, lương sẽ khá. Có ai ngờ, cuối năm lại bị giảm đơn hàng, chúng tôi chỉ được làm việc bốn ngày mỗi tuần", chị Hoa giãi bày.

Song năm nay, được làm việc luân phiên như chị Hoa đã là may, nhiều người còn mất việc làm. Cũng bởi thị trường "phanh gấp" khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch, thu hẹp quy mô sản xuất, có doanh nghiệp phá sản. Đó không chỉ là "cú sốc" của chủ doanh nghiệp, mà còn là cú sốc của hàng chục vạn người lao động. Để giải quyết bài toán khó này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, trước mắt cần phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề gồm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và an sinh cho người lao động. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: "Trong thời điểm hiện tại vẫn rất cần sự bình tĩnh, nhìn thấu đáo vào từng khâu cụ thể để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời có chính sách lâu dài, bền vững. Quan trọng nhất vẫn là ổn định thị trường lao động, giúp cho nhiều người mất việc tìm lại được việc làm, vơi bớt khó khăn".

Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này, có thể cân nhắc miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc cho công nhân. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã kiến nghị trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người mất việc.

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn phối hợp người sử dụng lao động bảo đảm chế độ chính sách theo quy định cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân người lao động, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Đồng quan điểm ấy, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng, không chỉ cần sự hỗ trợ trong dịp cuối năm. Về lâu dài, các chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động. Thực tế, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động về các dịch vụ xã hội hay chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi nhưng vấn đề là cần thực hiện hiệu quả hơn".

Mở rộng đào tạo và tái đào tạo cho người lao động

Năm qua, những biến động trên thị trường lao động đặt ra bài toán dài hơi hơn cho người làm chính sách lao động, việc làm. Cụ thể, việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên, người lao động dôi dư do doanh nghiệp phá sản phải dịch chuyển sang ngành khác hay rút lui khỏi thị trường sẽ tăng lên. Do đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, ngoài những biện pháp hỗ trợ nhóm lao động bị tác động, cần lưu ý những biện pháp căn cơ, có chiều sâu. Đó là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, chuyển dịch cho họ, đặc biệt với nhóm lao động hơn 35 tuổi. TS Lê Duy Bình nhấn mạnh: "Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, người lao động vẫn có thể chuyển đổi công việc. Đào tạo không chỉ nâng cao tay nghề mà họ còn được chuẩn bị về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng".

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vấn đề nâng cao sức đề kháng cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động là vô cùng cần thiết. Về lâu dài nên thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

Vấn đề nâng cao kỹ năng, tăng năng suất lao động cũng được quan tâm trong nhiều năm qua và tiếp tục được bàn thảo trong năm 2022. Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhìn nhận: Thực tế nhiều khu công nghiệp đang đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng. Thêm nữa, có doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, sau khi tuyển chỉ hướng dẫn trong một khoảng thời gian ngắn là đưa lao động vào dây chuyền làm việc. Điều này gây hệ lụy là năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Chưa kể, một thời gian sau, do không qua đào tạo nâng cao, không có kiến thức "nền", người lao động xa lạ với các công nghệ mới. Lúc đó họ rất dễ bị sa thải.

Một vấn đề khác, theo kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng, ngay từ bây giờ phải tính đến việc hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh, thu hút lao động tại chỗ mà không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn. Điều đó sẽ giúp cho người lao động bớt phải đi xa, và dễ dàng tiếp cận sự giúp đỡ của gia đình khi gặp khó khăn.