Thích ứng với sự thay đổi
Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý và phổ biến phim. Ths Đặng Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nghệ thuật điện ảnh - Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội phân tích: khán giả trẻ hiện nay có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chủ yếu là trên không gian mạng, thứ đến là rạp chiếu còn lại rất ít xem trên truyền hình. Đối tượng khán giả này có nhu cầu, thị hiếu riêng trong cảm thụ và bàn luận, phản hồi về tác phẩm.
Theo TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Điện ảnh, việc phổ biến phim không chỉ còn là “mảnh trời riêng” của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào và cũng không còn bó hẹp chỉ ở rạp, trên sóng truyền hình, hay dưới dạng băng đĩa. Hoạt động phát hành, phổ biến phim gần như tất cả đều có thể thực hiện được trên không gian mạng với số lượng phim khổng lồ, phong phú về thể loại ở các kho phim trên các nền tảng mà người xem có thể tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi, làm cho công tác quản lý quen thuộc trước đây nay nhiều phần trở nên lạc lõng mà trở thành những thách thức không nhỏ. Không gian, thời lượng phổ biến,... cũng không còn nguyên giá trị hay vẹn toàn ý nghĩa khi phim được cung cấp trên nền tảng phổ biến trực tuyến, xuyên biên giới đã làm nhạt nhòa nhiều khái niệm, quy định đã được áp dụng bấy lâu nay mà còn yêu cầu hóa ngược trở lại đối với công tác quản lý. Trong khi nguồn nhân lực quản lý phim chiếu trên không gian mạng còn thiếu và yếu do chưa có sự chuẩn bị tốt, về bản chất chưa có sự đổi mới, thay đổi về mặt căn bản để xử lý hiệu quả những diễn biến nảy sinh trong hoàn cảnh mới này.
Từ đây cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách với việc kiểm soát, quản lý phim chiếu mạng. Sự phát triển như vũ bão của internet đã nhanh chóng biến môi trường mạng thành một “không gian sống” mới của xã hội. Như trong lĩnh vực giải trí, điện ảnh, sự xuất hiện ngày càng nhiều các web drama (phim điện ảnh được phát sóng trực tiếp trên mạng), cùng với đó là nhiều ứng dụng có tính năng phát các đoạn video phim ngắn đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên chất lượng các sản phẩm này đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Hiện, không ít phim chiếu mạng bị cộng đồng mạng lên án vì có quá nhiều cảnh bạo lực hoặc khiêu dâm, dung tục, phản văn hóa.
Nâng cao về quản lý, xử phạt, tiếng nói công chúng
Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Điện ảnh cho rằng, công tác quản lý hiện nay cần lưu ý hai khía cạnh. Đó là: quản lý đối với các tổ chức, cá nhân phát hành phim lên không gian mạng và quản lý nội dung phim phát hành trên không gian mạng. Số lượng phim chiếu mạng quá lớn, đòi hỏi phải có công cụ hỗ trợ để giúp sàng lọc. Đồng thời việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng phải có tính răn đe, ngăn chặn vì nếu chỉ phạt tổ chức, cá nhân vi phạm với mức 15-20 triệu đồng hoặc xóa tài khoản thì không thật sự hiệu quả, nhất là việc lập tài khoản trên mạng hiện nay quá đơn giản.
Chia sẻ về vấn đề này, GS, TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình nhấn mạnh: Cần phải có sự đầu tư về công nghệ để lọc được các sai phạm trong các sản phẩm điện ảnh như phát ngôn dung tục, bản đồ hình lưỡi bò… Trong cơ chế thị trường hiện nay cũng cần sự phân vai rõ ràng. Bên cạnh công tác quản lý phát hành, phổ biến phim, vai trò của người xem cũng hết sức quan trọng. Người xem có quyền khước từ những bộ phim kém hấp dẫn. “Quyền lực” này nếu được mỗi cá nhân ý thức một cách đầy đủ và phát huy tinh thần trách nhiệm sẽ giúp ngăn chặn, loại bỏ sự phát tán các “phim rác”, khiến những bộ phim nhảm nhí bị “văng” ra khỏi màn ảnh.
Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, ông Bùi Huy Cường, Phòng Quản lý dịch vụ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý (quản lý doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình; quản lý doanh nghiệp nước ngoài chuyển từ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình sang dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng). Hai là tăng cường quản lý các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng, tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tuân thủ quy định pháp luật về điện ảnh. Ba là tăng cường xử lý vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng. Cũng cần chủ động giám sát, lắng nghe cộng đồng mạng về nội dung phim trên dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đã thực hiện thủ tục để được phổ biến phim trên không gian mạng, kịp thời xử lý vi phạm về phân loại, giám sát người xem,…
Tán đồng với các giải pháp này, TS Đỗ Quốc Việt đề xuất việc xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động nhiều nguồn lực của xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, có cơ chế phản ánh, kiến nghị hoạt động phổ biến phim vi phạm pháp luật... để tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động phổ biến phim.