Hàng đoàn xe cứu trợ tới vùng thiên tai là minh chứng rõ ràng nhất cho một điều. Ấy là người cần giúp đỡ luôn rất nhiều và những “tấm lòng vàng” cũng không hề thiếu. Tuy nhiên thời gian gần đây, các hoạt động thiện nguyện đang vướng phải nhiều điều tiếng không đáng có, xuất phát từ một số tổ chức và cá nhân, trong đó có cả một số người nổi tiếng.
Lấy tâm làm cốt lõi
Trong khi rất nhiều người làm thiện nguyện một cách trong sáng, nhân văn, thì đã xuất hiện những kẻ lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng tên tuổi, làm từ thiện sai cách… Dư luận cũng vì thế mà chia làm nhiều luồng ý kiến khác nhau, khiến cho ý nghĩa của hai chữ “từ thiện” đang vốn rất đáng trân trọng nay lại trở nên “mang tiếng” không đáng có.
Cô Nguyễn Hoàng Lan (Hà Nội) chia sẻ: “Cô cũng quyên góp nhiều lắm, mỗi lần có thông tin lại chuyển khoảng 500 nghìn đồng đến một triệu đồng, sau lần này chẳng biết còn tin được mà chuyển không nữa”. Chú Lê Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Thật không thể chấp nhận được, khi tiền của, lòng tin của chúng tôi lại bị chiếm đoạt như thế, tiền có thể kiếm lại nhưng lòng tin đã mất thì không thể lấy lại”. Rõ ràng, hậu quả lâu dài của những lùm xùm từ thiện gần đây là rất lớn, làm suy giảm niềm tin của công chúng, gây bức xúc trong nhân dân.
Thái độ của dư luận và động thái của cơ quan chức năng cho thấy xã hội không hề làm ngơ, thay vào đó là ngày càng quan tâm, sát sao với các hoạt động thiện nguyện. Lẽ dĩ nhiên, người ta sẽ có cái nhìn cẩn trọng, có trách nhiệm hơn khi trao đi tấm lòng mình. Cũng sau lần “gạn đục khơi trong” này, có lẽ những tổ chức, hội nhóm hay cá nhân từ thiện đích thực xứng đáng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chung tay đóng góp từ công chúng.
Tính từ ngày 1/5 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là 20.646,4 tỷ đồng. Từ số tiền, hiện vật tiếp nhận được đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố và chi mua vaccine phòng Covid-19 là 17.387 tỷ đồng, chiếm 84,2% so tổng nguồn lực tiếp nhận. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phân bổ hơn 3,8 triệu phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh tới tận tay những người gặp khó khăn bởi đại dịch.
Ở quy mô nhỏ hơn, ai cũng sẽ ấm lòng khi nhìn vào những con số ủng hộ công khai trên trang web của quỹ “Trò nghèo vùng cao”. Từ 50 nghìn đồng cho tới những số tiền ủng hộ lớn hơn, đã có đến hơn 11 tỷ đồng gửi gắm về hai quỹ Quyên góp hỗ trợ y tế khẩn cấp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và Trò nghèo vùng cao. Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Quỹ “Trò nghèo vùng cao” chia sẻ: “Tôi còn nhớ có một cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi tháng cháu trích ra 100 nghìn đồng để góp cho quỹ nuôi cơm trò nghèo miền núi. Trước khi mất, cháu bé đã xin cha mẹ trích một năm tiền thuốc không dùng tới để gửi toàn bộ cho các bạn. Đó là tâm nguyện đáng trân trọng”.
Đúng người, đúng lúc và đúng cách
Nếu quy định pháp luật là điều kiện cần để xử lý các đối tượng núp bóng từ thiện hòng tư lợi, thì thông tin chuẩn xác, kịp thời, tin cậy là mấu chốt để hoạt động thiện nguyện minh bạch, có khoa học và lâu bền.
Ngay từ khi mới tổ chức hoạt động chương trình “Cơm có thịt”, các thành viên quỹ “Trò nghèo vùng cao” đã đăng tải công khai tất cả thông tin khoản tiền đóng góp trên trang web. Tiêu chí của quỹ là khi một đồng ra cũng phải có kiểm tra, kiểm soát. “Cách đây hai năm, nhiều thành viên trong hội đồng quản lý quỹ cũng thắc mắc tại sao chưa thể ủng hộ ở miền nam và Tây Nguyên. Tuy nhiên, lý do chính là vì chưa tìm được người đủ tin tưởng làm đại diện trong khu vực đó để quản lý, giám sát nguồn tiền ủng hộ. Cũng may có chị Hoàng Thiên Nga, trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Đắk Lắk, nhiệt tình nhận lời mà hoạt động thiện nguyện bắt đầu mở rộng ở Tây Nguyên. Vấn đề không phải ở nhiều hay ít tiền ủng hộ, mà quan trọng hơn là phải kiểm soát được, tránh làm mất uy tín”, ông Tú chia sẻ.
Tưởng như từ thiện trong thời đại công nghệ thông tin sẽ đơn giản, nhưng thực tế không dễ chút nào vì liên quan rất nhiều phía. Từ nhà tài trợ, đối tượng thụ hưởng cho tới chính quyền các địa phương… Bởi vậy, người thực hiện công tác từ thiện phải có chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xã hội và nhiệt huyết… Nếu chỉ đứng ra kêu gọi, trao tặng ồ ạt theo cảm tính thì rất dễ để lại những sai lầm, gây nhiều hệ lụy, tổn thương các bên liên quan. Anh Nguyễn Thành Trung, Trưởng nhóm từ thiện “Hạnh phúc là sẻ chia” cho rằng, minh bạch luôn luôn là yếu tố hàng đầu của người làm công tác xã hội, từ thiện, nếu minh bạch rõ ràng thì uy tín của người kêu gọi cũng được tăng lên, công tác từ thiện sẽ mang tính lâu dài, bền vững hơn.
Để trao tặng từ thiện đến được đúng người, đúng lúc thì phải có những cách xử lý thông tin phù hợp. Đơn cử như trong những ngày đầu hoạt động chương trình “Cơm có thịt”, các thành viên nòng cốt là những người yêu miền núi, đi nhiều và chia sẻ với nhau thông tin. Sau nhiều năm, họ đã tạo thành mạng lưới, liên kết với các địa phương, phòng giáo dục các trường và cả thầy, cô giáo để nắm rõ mức độ khó khăn của các nơi. “Khi tiếp nhận thông tin mới, chúng tôi phải lên tận nơi khảo sát thực tế. Nếu có những đơn vị muốn làm từ thiện, quỹ sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết để đơn vị đó trực tiếp làm. Ngoài ra, nhóm cũng đang mong muốn thực hiện một bản đồ từ thiện và sớm đưa lên website. Bản đồ này sẽ chỉ rõ thông tin khu vực khó khăn và nhu cầu cấp thiết của người dân, giúp cho những cá nhân và đơn vị muốn làm từ thiện được nhanh chóng, thuận tiện hơn”, ông Tú cho biết thêm.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người làm từ thiện luôn đóng vai trò “cầu nối”, đón nhận trách nhiệm và kỳ vọng to lớn từ cộng đồng giàu tình thương. Bởi vậy, cùng với tâm sáng và ý chí kiên định, mỗi tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ và quyết định con đường phù hợp riêng để sẻ chia với người nghèo khổ, bất hạnh. Khi đã sẵn sàng cho đi mà không cầu nhận lại, hãy trao “trái ngọt” sinh ra từ trái tim lẫn trí tuệ.