Nhạc sĩ Kiên Ninh:

Tâm đắc thể hiện “Người đi tìm hình của nước”

Trong những ngày kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2023), MV ca khúc “Người đi tìm hình của nước” do nhạc sĩ Kiên Ninh sáng tác dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Chế Lan Viên đã được giới thiệu đến rộng rãi khán giả. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh MV ca khúc “Người đi tìm hình của nước”.
Hình ảnh MV ca khúc “Người đi tìm hình của nước”.
Tâm đắc thể hiện “Người đi tìm hình của nước” ảnh 1

Phóng viên (PV): Nguồn cảm hứng nào để anh phổ bài thơ quen thuộc “Người đi tìm hình của nước”?

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Trong quá trình tìm tòi, tôi thấy bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rất hay. Tôi đã lưu bài thơ trong điện thoại và ấp ủ suốt ba năm để có thể phổ nhạc. Khó khăn nhất là làm thế nào xây dựng một câu chuyện, có ý tứ dẫn dắt từ đầu đến cuối thành mạch xuyên suốt như con đường đi tìm đường cứu nước của Bác.

Thơ của nhà thơ Chế Lan Viên có tính tư tưởng. Trong quá trình viết ca khúc, tôi đã cố gắng chắt chiu tối đa những câu từ hay, những hình ảnh “đắt” về mặt cảm xúc của bài thơ. Cùng với đó, ứng biến, sắp đặt và sáng tạo thêm những ý tứ để nối liền mạch cảm xúc. Tôi cũng đưa vào những ý tứ mang tính phát triển thêm về hình tượng của Bác Hồ, để có thể hoàn thành một ca khúc về Bác dễ nghe, dễ thẩm thấu, nhất là với những người trẻ.

PV: Anh cũng từng cho ra mắt nhiều ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước. Anh có thể chia sẻ về ý thức nghề nghiệp này?

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Từ trước đến nay, tôi luôn cảm thấy có hứng thú với mảng ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và luôn mong muốn có dấu ấn về mảng đề tài này. Trước khi học sang âm nhạc, tôi đã từng tốt nghiệp Trường đại học Hàng hải, vì thế tôi đã có quá trình rèn luyện về tính tư tưởng ở các bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Tôi đề cao tính triết lý trong âm nhạc vì vậy trong sáng tác tôi luôn cố gắng khắc ghi và đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Nhưng cũng phải khẳng định, viết về Đảng, về Bác Hồ là một thách thức với các nhạc sĩ. Khi mà gần như tất cả hình tượng về Bác đã được khai thác trong âm nhạc thì mình phải khai thác ở yếu tố nào, hình ảnh ra sao? Khi đặt ra câu hỏi như thế, mình phải tìm tòi xem chủ đề, ý tứ nào về Bác có thể còn chưa nhiều tác phẩm đề cập sâu sắc để “lách” qua “khe cửa hẹp” đó.

PV: Thông thường khi viết ca khúc, các nhạc sĩ hiện nay thường chọn lựa sẵn ca sĩ thể hiện. Còn anh thì sao?

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Bản thân tác phẩm mang màu sắc trữ tình, mang tính chất của khúc chính ca, trong đoạn điệp khúc và phần kết mang hơi hướng tráng ca, chính vì vậy tôi muốn phần thể hiện của ca khúc phải là hai giọng hát opera. NSND Quốc Hưng và ca sĩ Đào Tố Loan là sự lựa chọn của tôi. Cùng với hai giọng ca này, tôi đã sử dụng bè của dàn hợp xướng. Ở phần hòa âm bè cho giọng hát, tôi đã tính toán để sao cho công năng của hai giọng hát này dễ dàng hòa quyện và cộng hưởng với nhau.

PV: Việc ghi hình trong những ngày nắng nóng chắc chắn đã khiến ê-kíp gặp không ít trở ngại?

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Trong MV có nhiều hình ảnh được thực hiện tại các địa điểm quan trọng như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Khu di tích Đá Chông K9… Sau buổi ghi hình ở Phủ Chủ tịch, ca sĩ Đào Tố Loan đã bị ốm, mất giọng một tuần do sốc nhiệt. Còn khi ghi hình ở Đá Chông K9 có một bạn trẻ trong dàn hợp xướng đã bị ngất vì say nắng. Muốn MV có tính hấp dẫn, sinh động hơn, đạo diễn Anh Quân đã yêu cầu dàn hợp xướng ngồi xuống bậc thềm đá biểu diễn. Tuy nhiên, bậc thềm đá nóng rẫy khiến không ai có thể chịu được…

PV: Sau mấy ngày công bố, MV đã nhận được sự phản hồi thế nào của khán giả?

Nhạc sĩ Kiên Ninh: Tôi thật sự hạnh phúc khi nhận được những phản hồi tích cực của khán giả. Có nhiều người nghe nhận xét là cảm thấy nổi da gà, sởn gai ốc vì xúc động. Có người nói tôi đã lan tỏa lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc đến mọi người. Có người lại nói tôi gieo những điều tốt đẹp đến thế hệ hôm nay… Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi tác phẩm mình kính dâng lên Hồ Chủ tịch vào đúng dịp kỷ niệm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đã được khán giả đón nhận, yêu thích.

Là nhà sản xuất âm nhạc, công việc của tôi là phải xây dựng màu sắc, cấu trúc tác phẩm để nó dễ dàng được công chúng đón nhận. Chính vì thế, tôi đã đúc rút cho mình những kinh nghiệm từ các ca khúc, để xem ca khúc đó hay ở đâu và có thể chưa hay ở đâu, từ đó mình kế thừa cái hay của họ để vận dụng vào tác phẩm của mình.

Dự định cuối năm nay, tôi sẽ ra mắt album “Có một Việt Nam như thế” gồm 10 ca khúc, trong đó có một nửa số ca khúc đã được giới thiệu. Trong album này, tôi muốn kể cho người nghe về câu chuyện của đất nước Việt Nam bằng âm nhạc để mỗi người Việt cảm thấy tự hào với những thành quả tươi đẹp mà biết bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, từ đó thôi thúc mỗi người có những cống hiến nhất định cho xã hội.

PV: Xin cảm ơn anh!

“Thuộc thế hệ 7X nhưng nhạc sĩ Kiên Ninh đã mạnh dạn cầm bút viết về Bác Hồ - một đề tài được coi là rất khó. Ca khúc “Người đi tìm hình của nước” với giai điệu trẻ trung, dễ nghe, lời ca trong sáng, gần gũi. Dù mới phát hành được ít ngày nhưng ca khúc đã có sự lan tỏa đến nhiều người và tôi tin trong thời gian tới ca khúc sẽ còn được lan tỏa rộng rãi hơn nữa”, nhạc sĩ Đoàn Bổng.