Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Sửa Luật Di sản văn hóa cần tham khảo quốc tế

Khi mọi người đều làm đúng luật nhưng di sản vẫn mai một, thì chúng ta phải nghĩ tới hiệu quả của luật đang có vấn đề. Sự khác biệt giữa Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và quốc tế cũng đang tạo ra sự khó khăn trong việc thực thi bảo tồn di sản thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian bảo vệ di sản cần được mở rộng hơn. Ảnh: QUANG HƯNG
Không gian bảo vệ di sản cần được mở rộng hơn. Ảnh: QUANG HƯNG

Hiện vẫn tồn tại tình trạng luật không theo kịp với yêu cầu của cuộc sống. Hiệu quả thấp của Luật Di sản văn hóa hiện hữu qua sự thiếu tương thích. Có sáu trường hợp thiếu tương thích cần được xem xét. Đó là:

Thiếu tương thích về đối tượng di sản được điều chỉnh và bảo vệ

Nhiều loại hình di sản rất phổ biến đang được gọi khiên cưỡng như di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long) theo tên gọi danh lam thắng cảnh; di sản nông thôn (Làng cổ Đường Lâm) và di sản đô thị (Phố cổ Hội An) theo tên gọi di tích kiến trúc nghệ thuật; di sản đô thị (Phố cổ Hà Nội) theo tên gọi di tích lịch sử. Một số loại hình di sản khác thì không được điều chỉnh và bảo vệ, như cảnh quan văn hóa (đôi bờ sông Hương, Huế), di sản công nghiệp (cầu Long Biên, xí nghiệp Ba Son), di sản kiến trúc các dân tộc thiểu số (nhà rông, nhà dài)… Các di sản quần cư đô thị, di sản quần cư nông thôn, di sản công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp không được nhận diện là những di sản văn hóa cốt lõi, trong khi đây là những nhóm di sản rất quan trọng.

Theo UNESCO các địa điểm di sản (World Heritage Sites) gồm có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản hỗn hợp, cảnh quan văn hóa. Luật nên liệt kê đủ các đối tượng di sản văn hóa phi vật thể; di sản văn hóa vật thể (bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và các nhóm di sản văn hóa vật thể khác); di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; cảnh quan văn hóa; các di sản quần cư tương tự như thông lệ quốc tế.

Thậm chí, cần cân nhắc phân tách thành nhiều bộ luật có tính chuyên sâu hơn như Luật Di tích văn hóa, Luật Di sản văn hóa phi vật thể, Luật Di sản thiên nhiên. Đồng thời, cần có các quy định riêng cho các khu di sản thế giới hoặc rộng lớn, có nhiều đối tượng di sản như Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Tràng An, Hội An, khu Phố cổ Hà Nội.

Thiếu tương thích về xác định các khu vực bảo vệ

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã điều chỉnh những bất cập, khó khăn khi thực thi Luật Di sản văn hóa hiện nay, tiệm cận và tương thích hơn với quy định về khu vực di sản thế giới và vùng đệm của UNESCO. Về vấn đề này, UNESCO đã tiến thêm một bước sát với thực tiễn. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, bảo tồn toàn diện là phổ biến, trong đó quan điểm của UNESCO hiện nay là có thể tạo nhiều hơn một vùng đệm cho một di sản và bổ sung khái niệm về một khu vực ảnh hưởng (an area of influence) nằm bên ngoài cả vùng đệm.

Tại nhiều khu di sản tại Việt Nam, đang có hiện tượng tuy bảo quản, tôn tạo rất tốt nhưng bị thu hẹp vào việc bảo tồn công trình vật thể thay vì bảo tồn cả không gian và các liên kết mang tính hệ thống. Cần bổ sung quy định cho phép các di sản thế giới có thể có cơ chế riêng, thiết lập nhiều hơn một vùng đệm tùy thuộc vào tính chất của di sản và nhu cầu của địa phương.

Thiếu tương thích về không gian của di sản văn hóa phi vật thể

Dự thảo đã liệt kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể một cách hệ thống hóa tại Điều 13. Tuy nhiên, cần lưu ý, di sản văn hóa phi vật thể là nội dung rất rộng lớn và có thể khó liệt kê hết. Theo danh mục này, một số trường hợp di sản văn hóa phi vật thể có thể sẽ vô tình bị loại ra, thí dụ như các môn võ cổ truyền, các lễ hội mang tính chất vui chơi giải trí không mang tính lễ nghi và tâm linh… Nên bổ sung thêm khoản 8 “Các di sản văn hóa phi vật thể khác” như thông lệ của các nước.

Ngoài ra, di sản phi vật thể nào cũng được định hình trên cơ sở không gian, thời gian cụ thể. Vì vậy, bảo tồn di sản phi vật thể cần gắn với một hay nhiều không gian, thời gian (có thể tái tạo) tương thích. Mặc dù không gian văn hóa liên quan, các không gian thực hành đã được nhắc tới trong Luật Di sản văn hóa hiện nay cũng như dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) như một cấu phần không thể thiếu của di sản văn hóa phi vật thể, song chưa có giải pháp hữu hiệu và thiết thực thông qua quy hoạch và dự án để bảo tồn các không gian này.

Thiếu tương thích về loại hình di sản và tên gọi

Trường hợp di sản thiên nhiên hiện nay đang được gọi tên là danh lam thắng cảnh. Theo định nghĩa của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), “Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”.

Trong khi đó, trên thực tế, di sản thiên nhiên thường là cả một khu vực rộng lớn với những ý nghĩa rất khác. Theo UNESCO: “Để được ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới, một khu di sản cần phải có những giá trị như hiện tượng tự nhiên xuất sắc; đại diện cho những giai đoạn lớn của lịch sử Trái đất, thể hiện những quá trình sinh thái và sinh học quan trọng và chứa đựng những môi trường sống tự nhiên quan trọng”.

Tương tự, trường hợp không tương thích về tên gọi như đã nêu với di sản đô thị/các phố cổ hay di sản nông thôn/các làng cổ không thể gắn mác “di tích”. Đối với các di sản sống, cần phải nhận định chủ nhân sống trong không gian đó có quyền thay đổi để thích ứng với đời sống.

Thiếu tương thích về phương thức bảo tồn

Việc sử dụng cụm từ “bảo quản, tu bổ, phục hồi” để chỉ toàn bộ công tác bảo tồn là không phù hợp với nội hàm. Theo thông lệ quốc tế, bảo tồn bao gồm toàn bộ các nội dung trên và những giải pháp khác như khôi phục về một thời điểm xác định trong quá khứ, trùng tu sử dụng các chất liệu hoặc phong cách mới, tái sử dụng thích ứng, phục dựng hoặc tái tạo các di sản đã mất, các giải pháp phát huy giá trị kinh tế, xã hội, giáo dục của di sản.

Chúng tôi cho rằng, để bảo tồn bền vững cần 12 hình thái bảo tồn: Bảo tồn trạng thái vật lý (bảo quản, tu bổ, phục hồi và các giải pháp khác); Bảo tồn chức năng; Bảo tồn hình thái cảnh quan văn hóa; Bảo tồn giới hạn, ranh giới khu vực bảo vệ; Bảo tồn quỹ tài chính (bảo trợ); Bảo tồn môi trường tự nhiên (thiên tai, biến đổi khí hậu); Bảo tồn hồ sơ di sản/bảo tàng hóa; Bảo tồn nguồn nguyên liệu, vật liệu; Bảo tồn nguồn nhân lực; Bảo tồn bằng luật pháp/chính sách; Bảo tồn bằng công nghệ; Bảo tồn giá trị và thang giá trị cộng đồng.

Thiếu tương thích về tên gọi và nội hàm của quy hoạch di sản

Theo Luật Di sản văn hóa hiện nay và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), việc đề xuất tên gọi quy hoạch “bảo quản, tu bổ, phục hồi” là khiên cưỡng và là điển hình của sự không tương thích về tên gọi.

Một là, đối tượng quy hoạch bao gồm nhiều loại hình di sản như đã nêu với các đối tượng khác nhau và có thể rất rộng lớn như di sản thiên nhiên, di sản đô thị, di sản nông thôn thì tên gọi với nội hàm cụ thể “bảo quản, tu bổ, phục hồi” hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế, gây khó hiểu và vô lý (Vịnh Hạ Long là thí dụ điển hình).

Hai là, các giải pháp bảo tồn cũng rất đa dạng và luôn biến động với nhu cầu và công nghệ, tên gọi loại hình quy hoạch “bảo quản, tu bổ, phục hồi” không phù hợp với chính đối tượng chủ yếu được hướng tới của tên gọi này là các công trình, di tích kiến trúc, xung đột với thực tiễn kỹ thuật chuyên ngành.

Ba là, với nội hàm của quy hoạch được xác định tại các quy định hiện hành, yêu cầu về các giải pháp phát huy giá trị và tham gia vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm sinh kế cho người dân là xu hướng tất yếu của bảo tồn bền vững di sản theo tôn chỉ của UNESCO, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và mong muốn của cộng đồng dân cư nơi có di tích. Quy hoạch “bảo quản, tu bổ, phục hồi” di tích không thể thực hiện được sứ mệnh này.

Chúng tôi đề xuất đổi tên Quy hoạch “bảo quản, tu bổ, phục hồi” di tích thành Quy hoạch bảo tồn di sản để đúng với nội hàm nêu trên theo thông lệ quốc tế và thuận lợi khi thực thi. Tên gọi chính xác sẽ được cụ thể hóa tại Nhiệm vụ lập quy hoạch phù hợp với từng đối tượng và địa điểm.

Để làm tăng hiệu quả của pháp luật, đưa luật pháp đi vào cuộc sống, thực hành công cuộc bảo tồn di sản cần có sự giác ngộ tập thể về tinh thần đổi mới, trước tiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó là Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia có liên quan trực tiếp trong soạn thảo luật.

Trên hết, việc xây dựng luật cần quán triệt tinh thần hội nhập sâu rộng với quốc tế theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị. Cần thay đổi nhận thức, khi khung pháp luật về di sản của Việt Nam tương đồng với thế giới cũng là một giải pháp tạo ra nguồn lực, trước hết sẽ giảm được những xung đột về hệ thống làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và người dân, sau nữa kế thừa được thành tựu nhân loại để bảo tồn bền vững di sản, chuyển hóa di sản trở thành động lực tăng trưởng mới.