Sự xáo trộn ở nước Anh

Ngày 20/10 vừa qua, Thủ tướng Anh Liz Truss đã thông báo từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ sau sáu tuần tại vị, đồng thời cho biết,, người kế nhiệm bà sẽ được bầu vào cuối tuần này. Bà Truss là người giữ chức Thủ tướng Anh trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử nước này, chỉ sáu tuần sau khi nhậm chức.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

Những ai theo dõi sát sao diễn biến trên nghị trường nước Anh những ngày qua sẽ dễ dàng nhận thấy guồng máy chính trị của “xứ sương mù” đang gặp trục trặc. Theo BBC, vị trí Thủ tướng Anh của bà Liz Truss đã bị lung lay kể từ khi Bộ trưởng Tài chính là ông Kwasi Kwarteng bị bà sa thải. Sự xáo trộn của Chính phủ Anh diễn ra giữa lúc thị trường phản ứng dữ dội sau khi ông Kwarteng công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (tương đương 50 tỷ USD), song chưa giải thích rõ làm cách nào để bù đắp cho nguồn thu ngân sách sụt giảm vì những biện pháp cắt giảm thuế này. Sau đó, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt ngày 17/10 tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu. Nhiều nghị sĩ đã công khai kêu gọi Thủ tướng Truss từ chức trước những hỗn loạn trong nội bộ đảng và chính phủ, khi bà dường như không còn nắm quyền lực và hoàn toàn mất kiểm soát trong đảng.

Giới quan sát cho rằng, chỉ 45 ngày sau khi nhậm chức là thời gian quá ít ỏi để một Thủ tướng Anh, không riêng gì bà Liz Truss, đủ sức cáng đáng “núi” công việc đối nội, đối ngoại và do đó sai lầm luôn có thể xảy ra. Tuy nhiên, phản ứng thực tế của thị trường đối với kế hoạch giảm thuế, vốn bị các nhà kinh tế gọi là “một thảm họa chính sách và phá hỏng danh tiếng uy tín tài chính của Anh”, đã khiến bà phải rời khỏi số 10 phố Downing.

Đây được xem là cuộc “thay ngựa giữa dòng” của đảng Bảo thủ cầm quyền, song không có gì bảo đảm rằng, người được bầu kế nhiệm sẽ làm tốt hơn bà Liz Truss, bởi áp lực “ghế nóng” vẫn còn đó và việc tìm ra một thủ lĩnh có thể thống nhất đảng, mang lại sự ổn định để đưa nước Anh vượt qua khủng hoảng hiện nay thì phải cần thêm nhiều thời gian cũng như nỗ lực. Trong khi sự xáo trộn nội bộ chưa được giải quyết, thì bất cứ sự vội vàng nào của đảng Bảo thủ cũng dẫn đến một kết cục tương tự.