Chương trình sản xuất vaccine cho châu Phi

Việc đẩy mạnh hợp tác về vaccine, đặc biệt là ở những khu vực nghèo nhất trên thế giới, có thể mang lại sức khỏe, hạnh phúc lâu dài cho tất cả mọi người, bảo đảm hiện thực hóa mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình tiêm chủng sẽ được triển khai rộng khắp tại châu Phi. Ảnh: WHO
Chương trình tiêm chủng sẽ được triển khai rộng khắp tại châu Phi. Ảnh: WHO

Chiến lược đầy tham vọng

Ngày 20/6 vừa qua, Diễn đàn toàn cầu về đổi mới và chủ quyền vaccine do Pháp, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi) đồng tổ chức đã khai mạc tại Thủ đô Paris (Pháp). Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Đức, Na Uy, Botswana, Ghana, Rwanda và Senegal; đại diện cấp cao một số nước, Ủy ban châu Âu (EC); lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Theo AFP, tại diễn đàn, Gavi đã công bố triển khai Chương trình tăng tốc sản xuất vaccine châu Phi trị giá 1,2 tỷ USD để tài trợ việc đẩy nhanh sản xuất vaccine ở “lục địa đen”. Theo công bố, chương trình sẽ hỗ trợ về kinh phí cho các nhà sản xuất vaccine ở châu Phi, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và giải quyết những rào cản pháp lý liên quan việc sản xuất vaccine, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu được AU đề ra là sản xuất ít nhất 60% lượng vaccine cơ bản mà châu lục này cần vào năm 2040. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đánh giá, chương trình có thể trở thành chất xúc tác để thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm ở châu Phi và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ba phần tư số tiền tài trợ chương trình sẽ do châu Âu đóng góp. Trong thông điệp bằng video gửi tới diễn đàn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo, nước này sẽ đóng góp 318 tỷ USD, trong khi Pháp công bố đầu tư 100 triệu USD, Anh đầu tư 60 triệu USD. Các nhà tài trợ khác bao gồm Mỹ, Canada, Na Uy, Nhật Bản và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Cũng tại diễn đàn, Gavi đã công bố khởi động chiến lược giai đoạn 2026 - 2030, còn được gọi là “Chiến lược Gavi 6.0” với tên gọi “Bảo vệ tương lai của chúng ta”. Chiến lược tập trung vào các sứ mệnh cốt lõi như hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine mới, mở rộng các chương trình vaccine hiện có, tăng cường khả năng tiếp cận và tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em và những cộng đồng hiện không được tiêm vaccine. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra gồm tiêm phòng 4 liều vaccine phòng bệnh sốt rét cho ít nhất 50 triệu trẻ em và vaccine HPV cho 120 triệu trẻ em gái.

Tiến sĩ Sania Nishtar, Giám đốc điều hành Gavi khẳng định, nếu được tài trợ đầy đủ, Chiến lược Gavi 6.0 có thể bảo vệ 500 triệu trẻ em trong giai đoạn 5 năm 2026-2030, cứu sống hơn 8 triệu sinh mạng. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, Gavi 6.0 là chiến lược tham vọng nhất trong lịch sử của Liên minh này, hướng tới mục tiêu bảo vệ nhiều người hơn, chống lại nhiều bệnh tật hơn và triển khai nhanh hơn trước.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Gavi cho hay đang tìm cách huy động khoảng 9 tỷ USD từ các chính phủ và các tổ chức. Ngay tại diễn đàn, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, khu vực tư nhân và các tổ chức từ thiện đã cam kết đóng góp 2,4 tỷ USD.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đối tác quốc tế Jutta Urpilainen đánh giá, Diễn đàn toàn cầu về đổi mới và chủ quyền vaccine là một sự kiện có ý nghĩa “thay đổi cuộc chơi” nhằm nâng cao sức khỏe của người dân trên khắp châu Phi. Nêu bật sự cần thiết phải tăng cường khả năng bảo vệ sức khỏe của châu Phi trong dài hạn, bà Urpilainen khẳng định, EU sẽ hỗ trợ những nỗ lực của châu Phi trong việc sản xuất các sản phẩm y tế tại lục địa này.

Công cụ mạnh mẽ chống lại bệnh dịch

Vào năm 1974, WHO đã khởi động một sáng kiến ​​mang tính đột phá nhằm mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận vaccine mang tên Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet mới đây cho hay, trong giai đoạn từ năm 1974 đến năm 2024, việc tiêm chủng đã cứu mạng 154 triệu người, trong đó có 101 triệu là trẻ em, giúp giảm 40% tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn cầu (tỷ lệ này lên tới 52% ở châu Phi). Tại châu Phi, trong 50 năm qua, vaccine đã cứu sống 51,2 triệu người.

Trong đó, chỉ riêng vaccine phòng bệnh sởi đã giúp ngăn ngừa gần 94 triệu ca tử vong. “Vào năm 1974, chưa đến 5% trẻ em trên thế giới được tiêm chủng nhưng đến nay, con số này là 83%. Nhờ tiêm chủng, một đứa trẻ sinh ra ngày nay có khả năng được đón sinh nhật đầu tiên cao hơn 40% so một đứa trẻ sinh ra cách đây 50 năm”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus thông tin tại Diễn đàn toàn cầu về đổi mới và chủ quyền vaccine.

Vaccine cũng được đánh giá là công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng kháng sinh, thông qua việc giảm sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Theo ước tính, cứ 1 USD chi cho tiêm chủng trong giai đoạn 2021-2030 sẽ giúp tiết kiệm được 21 USD chi phí chăm sóc sức khỏe, mất lương và mất năng suất lao động do bệnh tật và tử vong.

Năm 2000, Liên minh Gavi, WHO, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Quỹ Bill & Melinda Gates là thành viên sáng lập cốt lõi được thành lập để mở rộng phạm vi của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, giúp các nước nghèo nhất trên thế giới tăng cường độ bao phủ của các loại vaccine mới, mở rộng phạm vi bảo vệ trước các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Hoạt động của Gavi ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đã giúp cứu được nhiều mạng sống hơn và thúc đẩy hơn nữa sự công bằng về vaccine.

Từ năm 2000 đến năm 2020, nhờ hoạt động của Gavi, khoảng 1 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng, hơn 17 triệu sinh mạng được cứu sống. Một báo cáo của Gavi cho hay, vào năm 2022, tỷ lệ trẻ em được tiêm cả 3 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã tăng thêm 3%, lên thành 81% ở 57 quốc gia có triển khai chương trình của liên minh. Trong cùng năm, số trẻ em không được tiêm các vaccine cơ bản là 10,2 triệu, giảm so con số 12,4 triệu vào năm 2021. Khoảng 56% trẻ em ở các quốc gia được Gavi hỗ trợ hiện được bảo vệ chống lại 10 mầm bệnh chính, cao hơn so con số 53% trẻ em ở các quốc gia không được hỗ trợ.

Tại châu Phi, dù đã đạt được tiến bộ nhưng các nước ở đây vẫn phải đối mặt những thách thức để duy trì và mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine. Bên cạnh đó, việc bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine một cách công bằng trên khắp “lục địa đen” cũng là một thách thức trong bối cảnh còn nhiều trẻ em chưa được hoặc mới được tiêm chủng rất ít liều vaccine phòng bệnh, nhất là sau dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy rõ tình trạng phân phối vaccine không đồng đều trên toàn cầu. Ở giai đoạn bùng phát dịch bệnh, các quốc gia giàu có vốn là nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty dược phẩm lớn đã nhanh chóng tiếp cận được vaccine cần thiết, trong khi châu Phi chật vật ở phía sau. Đợt bùng phát trở lại của bệnh tả ở nhiều nơi tại châu Phi gần đây càng cho thấy rõ sự cần thiết phải tự chủ về vaccine của châu lục này. Ước tính, chỉ 2% số vaccine sử dụng ở châu Phi được sản xuất tại lục địa này. Hiện, một số khu vực đây vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu vaccine.

Theo ông Ghebreyesus, việc mở rộng khả năng tiếp cận vaccine cũng đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất vaccine, đặc biệt là ở châu Phi. Do vậy, WHO hoan nghênh việc triển khai Chương trình tăng tốc sản xuất vaccine châu Phi, đồng thời cam kết hỗ trợ mục tiêu về sản xuất vaccine của AU thông qua các Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA ở Nam Phi và Trung tâm đào tạo sản xuất sinh học tại Hàn Quốc, tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức y tế của châu Phi…

Gavi cung cấp các khoản hỗ trợ về tài chính để các nước thu nhập thấp mua vaccine và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp vaccine, bảo vệ người dân trước bệnh dịch. Theo cơ chế hỗ trợ của Gavi, các nước sẽ phải đồng chi trả một phần số liều vaccine cần thiết để bảo đảm tiêm chủng cho người dân và khoản đóng góp này sẽ tăng dần để chuẩn bị cho việc Liên minh ngừng hỗ trợ.