Tình trạng quá tải du lịch ở châu Âu

Lượng du khách cao kỷ lục trong mùa hè đang dẫn đến làn sóng tẩy chay khách du lịch ở nhiều quốc gia châu Âu. Giới chức “lục địa già” đang đứng trước bài toán giải quyết tình trạng quá tải du lịch và bảo vệ cộng đồng địa phương khỏi những tác động không mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Venice đối mặt tình trạng quá tải du lịch. Ảnh: BLOOMBERG
Venice đối mặt tình trạng quá tải du lịch. Ảnh: BLOOMBERG

Làn sóng “tẩy chay” du khách

Theo The New York Times, trong vài tháng qua, một số khu vực du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha đã dấy lên làn sóng phản đối khách du lịch. Những bức vẽ trên tường thể hiện sự phẫn nộ với du khách xuất hiện khắp các tòa nhà hoặc nơi công cộng. Nhiều người xuống đường kêu gọi chính quyền giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, quá tải và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, được cho là do du lịch đại trà gây nên. Tuần trước, người dân Catalunya đã mang theo súng nước phun vào những du khách đang ăn uống ngoài trời.

Cảnh sát cho biết có khoảng 2.800 người biểu tình, một số người mang theo các biểu ngữ có nội dung như “Khách du lịch hãy về nhà”, “Bạn không được chào đón”... và dội nước vào những gia đình đang ăn uống trong các nhà hàng. Người dân địa phương cho rằng, khách du lịch ở khắp mọi nơi, chen chúc tại các tượng đài, đường phố và nhà hàng gây cảnh mất trật tự, đồng thời lo lắng du lịch đại trà có thể lấn át bản sắc của thành phố. Những điểm du lịch sinh thái khác tại Tây Ban Nha cũng đang chịu cảnh quá tải, chen chúc, ô nhiễm, xả rác bừa bãi…

Theo báo cáo “Xu hướng và triển vọng” của Ủy ban Du lịch châu Âu, lượng khách du lịch đến “lục địa già” vào mùa cao điểm năm 2023 (tháng 5 đến tháng 7) gần như trở lại so trước đại dịch từ cuối năm 2019, trong đó lượng khách lớn nhất đến từ Mỹ. Lục địa này cũng đang phải đối mặt tình trạng quá tải ở những địa danh nổi tiếng. Các thành phố, thị trấn, công viên quốc gia, làng cổ và di sản đông đúc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch.

Giới chức Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây ban hành lệnh cấm các chủ nhà cho thuê nhà trên nền tảng Airbnb và dịch vụ cho thuê ngắn hạn. Thành phố cũng hạn chế các nhóm du lịch vào khu di tích lịch sử La Boquería, đặc biệt là trong thời gian cao điểm. Những trung tâm tổ chức dịch vụ phải giới hạn ở mức nhiều nhất 20 người và hướng dẫn viên không được sử dụng loa phóng thanh. Hội đồng thành phố Barcelona đánh giá, vào năm 2023, lượng khách du lịch đăng ký tại các điểm lưu trú đã giảm 6,9% so thời điểm đạt đỉnh là năm 2019. Tuy nhiên, Barcelona vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những vấn đề quá tải du lịch gây ra, vì du khách tiếp tục quay trở lại khi mùa cao điểm tới.

Ngôi làng nhỏ Hallstatt ở Áo, nơi chỉ có 750 cư dân sinh sống nhưng lại có tới 10.000 du khách mỗi ngày vào mùa cao điểm. Điều này từng dẫn đến tình trạng quá tải khiến dân làng dựng hàng rào chắn tại điểm ngắm cảnh nổi tiếng để ngăn những người thích đến đây chụp ảnh. Sau phản ứng dữ dội của du khách trên mạng xã hội, dân làng đã bỏ hàng rào, nhưng vẫn có biển báo nhắc nhở du khách thăm thú địa điểm này một cách yên tĩnh, tránh làm phiền cuộc sống của dân địa phương. Người dân cũng đạt được một thỏa thuận để giới hạn lượng khách du lịch đến mỗi ngày và cấm xe bus du lịch vào sau 5 giờ chiều.

Không xa Hallstatt, thành phố nổi tiếng với âm nhạc cổ điển Salzburg của Áo cũng đang quan ngại về tình trạng tương tự. Bà Christine Schonhuber, Giám đốc Sở Du lịch của thành phố cho biết: “Chúng tôi mong muốn du khách ở lại lâu hơn để tận hưởng vẻ đẹp, thay vì chỉ đi lướt qua và không lưu trú. Nhưng hiện nay sức chứa của thành phố đã có hạn”. Thành phố phía tây nước Áo vẫn chưa thực hiện biện pháp hạn chế nào, song đã đưa ra ý tưởng như cấm ô-tô đi vào một số tuyến đường và cân nhắc đóng cửa bến xe bus của thành phố. “Chúng tôi dự định không cho các công ty du lịch trong ngày vào bến xe bus, chỉ cho phép những công ty vận chuyển khách qua đêm”, bà Schonhuber lý giải.

Tại Venice (Italy), một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới sắp trở thành “biểu tượng của tình trạng du lịch quá mức”. Đối mặt tình trạng quá tải, cuối tháng 4 vừa qua, giới chức đã bắt đầu tính phí vào cửa với giá vé 5 euro/ngày, đồng thời bố trí thanh tra viên thực hiện soát vé tại các điểm tham quan chính ở Venice.

Theo AFP, để chống lại tình trạng quá tải khách du lịch, một số địa phương đang tìm cách áp dụng thuế và phí vào cửa cao hơn đối với du khách nước ngoài, tuy nhiên động thái này không nhắm tới tăng thu ngân sách mà nhằm cân bằng dòng khách du lịch. Ông Flavio Zappacosta, Giám đốc Cơ quan Du lịch quốc gia Italia (ENIT) cho biết: “Mức phí 5 euro ở Venice không phải là động lực kiếm tiền, mà thay vào đó được thiết kế để cân bằng dòng khách du lịch đến thăm các kênh đào lịch sử của thành phố và tìm sự cân bằng giữa người dân địa phương và du khách”.

Đối với người dân địa phương tại các điểm du lịch nổi tiếng, tình trạng quá tải khách du lịch có thể tác động đến cuộc sống và chất lượng lưu trú, gây áp lực lên hệ thống giao thông, ngập tràn rác thải và ô nhiễm môi trường. Khi chính quyền địa phương không thể giải quyết những vấn đề này, sự bức xúc của người dân đã dẫn đến làn sóng tẩy chay du khách.

Tình trạng quá tải du lịch ở châu Âu ảnh 1

Du khách đi bộ dọc một con phố ở Barcelona. Ảnh: AFP

Hướng tới “du lịch chậm”

Hiện nay, những địa điểm bị quá tải du lịch đang áp dụng một số chiến lược quản lý điểm đến khác nhau như giới hạn số lượng, đánh thuế với khách du lịch, hạn chế thời gian mở cửa và tham quan, yêu cầu khách đặt trước các điểm đến nổi tiếng và quảng bá những địa điểm ít được biết đến. Tuy nhiên, điều này thường chỉ giúp chuyển hướng một phần du khách đến nơi khác. Venice đã chuyển hướng các tàu du lịch đến khu vực Marghera gần đó, song vẫn nằm trong vùng có cảnh báo ô nhiễm và quá tải. Barcelona, ​​cảng du lịch đông đúc nhất châu Âu, vẫn chưa giải quyết được những vấn đề về ô nhiễm không khí do số lượng tàu du lịch quá lớn gây ra.

Ông Zappacosta cho biết thêm: “Các biện pháp khả thi khác bao gồm hạn chế số lượng du khách đến những khu vực có môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ, cũng như hạn chế cho thuê căn hộ nghỉ dưỡng ở trung tâm các thành phố lớn để giúp giảm tải du lịch và ảnh hưởng tới cư dân địa phương”. Một chiến lược khác là tiếp thị “mùa thấp điểm” khi cơ sở hạ tầng cho phép. Điều này giúp thu hút sự chú ý của nhiều du khách đối với những hoạt động “du lịch chậm”, như đi bộ đường dài, nghỉ ngơi trong thành phố và các kỳ nghỉ trước và sau mùa hè là thời điểm lý tưởng.

Trong những năm qua, ENIT đã tích cực thúc đẩy du lịch chậm bằng phương tiện giao thông công cộng khi có thể đến các điểm đến nhỏ hơn, ít người ghé thăm hơn, để giảm bớt áp lực cho các điểm nóng như Rome, Florence, Venice… Trong khi đó, bà Eleni Skarveli, Giám đốc Văn phòng Du lịch quốc gia Hy Lạp (GNTO) chia sẻ: “Santorini chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến về số lượng khách du lịch đến chụp những bức ảnh vào khi hoàng hôn để có thể đăng lên Instagram, đặc biệt là vào tháng 7 và tháng 8. Vào năm 2018, chúng tôi đã cố gắng giới hạn số lượng du khách mỗi ngày là 8.000 người, nhưng cách tiếp cận này đã vấp phải sự phản đối trong cộng đồng địa phương vì làm giảm doanh thu của họ. Điều này cho thấy sự phức tạp của việc xử lý tình trạng quá tải du lịch”.

Theo bà Skarveli, cân bằng các mối quan tâm khác nhau của địa phương và cơ sở hạ tầng du lịch với các hoạt động du lịch bền vững là một thách thức đối với hầu hết các điểm đến. “Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý và các công ty lữ hành là cần suy nghĩ cẩn thận để định hướng và đem lại những yếu tố tích cực cho địa phương hoặc khu du lịch. Du lịch là nguồn thu nhập cho nhiều người và là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh, nhưng không thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, nhà ở và các tiện nghi khác của cư dân”.

“Điều quan trọng là ở cấp quản lý và các nhà hoạch định chính sách có tính định hướng, hỗ trợ hoạt động du lịch bền vững”, ông Manuel Butler, Giám đốc Văn phòng Du lịch Tây Ban Nha cho biết. Theo ông, giới chức Tây Ban Nha đã phê duyệt sáng kiến ​​mới trị giá 3,4 tỷ euro để chuyển đổi và hiện đại hóa ngành du lịch, trong đó giành 1,9 tỷ euro hỗ trợ các điểm đến tập trung vào việc bảo tồn và phát triển bền vững, chẳng hạn như hỗ trợ người dân và phục hồi rừng, cải thiện phúc lợi của địa phương, khôi phục kiến ​​trúc lịch sử.