Khủng hoảng nước ở “siêu đô thị”

Là một trong 10 “siêu đô thị” lớn nhất thế giới với gần 22 triệu dân, vùng đô thị quanh Thủ đô Mexico City của Mexico đang phải đối mặt tình trạng khan hiếm nước sạch do thất thoát, lãng phí nước và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xếp hàng chờ lấy nước. Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ lấy nước. Ảnh: AP

“Tình trạng khẩn cấp về nước sạch”

Vùng đô thị Mexico City (ZMVM) bao gồm Thủ đô Mexico City và hàng chục đô thị lân cận, với dân số lên tới gần 22 triệu người và là đô thị đông dân nhất ở khu vực Mỹ latin. Những năm gần đây, toàn bộ khu vực nằm trong thung lũng của Mexico đang chuẩn bị cho tình huống đáng lo ngại khi nguồn nước ngọt dần cạn kiệt, không đủ bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân. María Cristina Peláez, một cư dân sống ở khu lao động Ecatepec ở phía bắc Thủ đô Mexico City cho biết, đã từ lâu nước máy có mùi khó chịu và rất đục, không thể dùng để sinh hoạt hay tắm rửa, tình trạng này đã diễn ra từ năm 2022. Peláez cho biết: “Một nửa khu phố vẫn còn hứng được loại nước đục này qua vòi. Một nửa phố thì không hề có nước”. Khu dân cư này đã phản ánh với công ty cấp nước, nhưng không được cải thiện. Để có nước uống, nhiều người phải mua bình đóng sẵn với giá cao.

Theo NPR, các thành phố đang sử dụng hệ thống cung cấp nước được xây dựng từ hàng chục năm trước, nên đến nay đã không thể đáp ứng nhu cầu cấp nước khi dân số ngày càng tăng. Ngày nay, nước sạch cũng cấp cho Mexico City được lấy từ 3 nguồn chính, gồm nước ngầm, chiếm khoảng 68% tổng nguồn cung cấp nước ngọt; hai hệ thống cấp nước khác là Lerma (8%) và Cutzamala (24%). Tuy nhiên, chính quyền địa phương cảnh báo nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng, trong khi mực nước ở các con đập và hồ chứa cung cấp cho hệ thống lưu vực Cutzamala - hệ thống cung cấp nước chính cho Thủ đô Mexico City, đang giảm xuống mức thấp chưa từng có. Điều này dẫn đến việc khan hiếm nước ở Mexico City ngày càng trầm trọng.

Hệ thống lưu vực Cutzamala là một mạng lưới phức tạp gồm các hồ chứa, trạm bơm, kênh, đường hầm và nhà máy lọc nước lớn, cung cấp nước uống cho hàng triệu người ở vùng đô thị này. Tuy nhiên, công suất hệ thống đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử, do lượng mưa thấp bất thường trong những năm gần đây và tình trạng thất thoát nước trong quá trình phân phối. Từ đầu năm tới nay, Mexico City đã liên tục thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều khu vực, ảnh hưởng đời sống, hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân. Các chuyên gia tính toán, sau 3 năm hạn hán và thời tiết nắng nóng, hệ thống nước Cutzamala đang hoạt động ở mức công suất tối thiểu sẽ dần cạn nước.

Các báo cáo đánh giá nguồn cấp nước sạch ở ZMVM càng khan hiếm hơn qua mỗi năm do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự phụ thuộc vào nguồn nước hạn chế và BĐKH khiến hạn hán thêm nghiêm trọng. Hạn hán đang làm cạn kiệt các hồ chứa nước và gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Ông Adrian Fernandez Bremauntz, Giám đốc Chương trình sáng kiến ​​khí hậu Mexico cho biết: “Vấn đề khan hiếm nước mà Mexico City phải đối mặt rất phức tạp, một phần do thành phố phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm, kết hợp với lượng mưa giảm dần, nạn phá rừng lan rộng và những đợt nắng nóng”.

BĐKH dẫn đến những đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp Mỹ latin, đã làm tăng tốc độ bốc hơi nước hiện có, gây thêm căng thẳng cho hệ thống nước mặt ở Mexico City. Theo ông Arnoldo Matus Kramer, hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Dịch vụ bền vững và Mexico, BĐKH đang làm cuộc khủng hoảng nước sạch thêm phức tạp và khó lường. Ông chia sẻ: “Trong các mô hình dự báo thời tiết cực đoan, khả năng lớn là hạn hán sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở khu vực này. Nếu như hạn hán tiếp tục diễn ra trong vài năm tới, toàn bộ đô thị sẽ bị đẩy vào tình trạng khẩn cấp về nước sạch”.

Khủng hoảng nước ở “siêu đô thị” ảnh 1

Hạn hán làm cạn kiệt các hồ chứa nước. Ảnh: AP

Biện pháp khắc phục

Để giải quyết vấn đề này, giới chức Mexico City đứng trước yêu cầu đại tu toàn bộ hệ thống cấp nước. Thành phố trước đó đã triển khai hàng loạt biện pháp, bao gồm khoan giếng mới, cũng như sửa chữa thiết bị để lấy thêm nước từ những mạch nước ngầm hiện có. Họ cho đào thêm giếng sâu hơn, bảo trì đường ống và thậm chí phải áp dụng cắt nước luân phiên trong nhiều ngày suốt những tháng hè qua.

Tuy nhiên, không khó nhận thấy tình trạng thiếu nước khắp khu vực rộng lớn của ZMVM chưa thể cải thiện cho đến khi mùa mưa bắt đầu, giúp các hồ chứa có thể tích nước dần trở lại. Lượng mưa thấp cũng chỉ đáp ứng thay thế một phần nhỏ lượng nước bị mất. Ngay cả những khu dân cư cao cấp của Mexico City cũng chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt thường xuyên hoặc cắt nước luân phiên. Ở một số nơi trong thành phố, nước sạch quý đến mức bảo vệ có vũ trang phải giám sát các thùng chứa để không bị đánh cắp.

Cuộc khủng hoảng nước sạch cũng đang diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại ở phần lớn các khu đô thị của Mexico. Ủy ban Tài nguyên nước và Vệ sinh môi trường (CRHAS) thuộc Hạ viện Mexico đưa ra cảnh báo, ước tính có đến 99% số nhà máy cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh tại hơn 2.450 thành phố, thị trấn của Mexico đang đối mặt nguy cơ phá sản sau khi ghi nhận khoản lỗ tổng cộng hơn 5,7 tỷ USD mỗi năm. Chủ tịch CRHAS Rubén Munoz Álvarez cho biết, các nhà máy cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh Mexico thua lỗ triền miên do thiếu hệ thống thu phí phù hợp, cũng như thiếu các tiêu chuẩn và biểu giá nước sinh hoạt rõ ràng cho từng đối tượng khách hàng. Điều này còn đáng ngại hơn khi dẫn đến nguy cơ đình trệ dịch vụ cấp nước. Số liệu của CRHAS cho hay, trong tổng số hơn 3.960 nhà máy xử lý nước thải trên toàn quốc, 2.500 nhà máy không hoạt động hiệu quả và 1.330 cơ sở tạm ngừng hoạt động hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn.

Ông Munoz Álvarez cho rằng, trên thực tế Ủy ban Nước quốc gia Mexico (Conagua) đã dành mức đầu tư khoảng 68,5 tỷ peso (4 tỷ USD) vào hệ thống hạ tầng cấp nước trong năm 2023, tăng gấp đôi so năm 2019. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài khiến quốc gia Mỹ latin rơi vào tình cảnh thiếu nước trong thời gian qua. Đồng thời, bất cập trong phân phối nước cũng góp phần làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Theo Mexico News Daily, hiện hơn 82% khối lượng nước ngọt tại Mexico được sử dụng cho mục đích nông nghiệp và công nghiệp. Trong khi đó, theo số liệu của Viện Năng lực cạnh tranh Mexico (IMCO), hơn 13 triệu người dân nước này không được tiếp cận nguồn nước sạch.

Ông Arnoldo Matus Kramer cho biết, cơ sở hạ tầng cấp nước quá cũ và quản lý yếu kém đóng một vai trò rất lớn trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời ông lưu ý rằng, thành phố đang lãng phí nước ngọt do bất cập trong phân phối. “Thành phố đang theo một mô hình quản lý nước không bền vững. Các nhà máy công nghiệp tiêu thụ lượng nước quá lớn, nhiều hồ nhân tạo vì mục đích giải trí hoặc tạo cảnh quan vẫn được phép trữ nước; hoặc tội phạm có tổ chức rút trộm nước sạch để bán lại cho những trang trại. Trong khi đó, hàng triệu người dân phải dùng nước tiết kiệm hoặc thậm chí không có nước sạch”, ông Luengo nhận định.

Qua đó, ông Kramer nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý cấp nước bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, cải thiện hệ thống quản lý thông qua một số biện pháp như xây dựng biểu giá nước phù hợp từng lĩnh vực và đối tượng, ưu tiên mục đích cấp nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời lắp đặt hệ thống đo lường để kiểm soát các lĩnh vực tiêu thụ khối lượng nước lớn. Điều này được kỳ vọng phần nào giải quyết sự bất cập trong phân phối nước sạch, từ đó dần tháo gỡ cuộc khủng hoảng nước hiện nay.