Rủi ro an ninh từ UAV

Thiết bị bay không người lái (UAV) là loại phương tiện quân sự hiệu quả, được quân đội các nước ngày càng sử dụng thường xuyên trong các cuộc chiến tranh, xung đột, đồng thời được các tổ chức khủng bố lợi dụng triệt để tấn công, phá hoại, trở thành “mối đe dọa an ninh” đối với nhiều quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
UAV giúp theo dõi hình ảnh trực tiếp với cảm giác chân thực. Ảnh: REUTERS
UAV giúp theo dõi hình ảnh trực tiếp với cảm giác chân thực. Ảnh: REUTERS

Sự phát triển của UAV

Theo TASS, UAV được phát minh từ đầu thế kỷ 20 với thiết kế thô sơ, đơn giản, sử dụng chủ yếu cho mục đích quân sự, đang ngày càng phát triển, đa dạng về chủng loại, tích hợp nhiều tính năng, công nghệ hiện đại. UAV được điều khiển từ xa, bay theo lộ trình định sẵn, điều khiển qua hệ thống máy tính; có nhiều phiên bản khác nhau, từ siêu nhỏ (dưới 250 gram) cho đến hơn 20 tấn; trị giá từ vài trăm USD lên tới hàng trăm triệu USD. Các thành phần chính của một chiếc UAV gồm bộ động cơ, vi xử lý trung tâm với cảm biến tốc độ gió, cảm biến độ cao, cảm biến áp suất, cảm biến cân bằng, cánh quạt, giá đỡ, nguồn cung cấp năng lượng (pin).

Sự ra đời của UAV thế hệ mới (drone, flycam có gắn thiết bị thu, truyền dữ liệu trực tiếp) đầu thế kỷ 21 đánh dấu sự thay đổi quan trọng đối với nhân loại. Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, UAV còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, hậu cần, xây dựng, nghiên cứu khoa học, dự báo thời tiết, cứu hộ cứu nạn, du lịch, thể thao, thương mại..., góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thậm chí, UAV ngày nay còn thay thế con người thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trong điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp như thu thập dữ liệu, khảo sát địa chất, khí quyển, chụp bản đồ trên không, phun thuốc trừ sâu; kiểm tra, giám sát đường ống dẫn dầu, khí đốt, truyền tải điện, cáp viễn thông, công trình xây dựng, điều khiển giao thông; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; xử lý thiên tai; giao nhận hàng hóa, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua...

Đáng chú ý, với việc tích hợp các công nghệ hiện đại, kích thước nhỏ, dễ sử dụng, giá thành rẻ, có thể bay liên tục nhiều giờ và ở mọi độ cao, UAV đã tạo ra “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực truyền hình, giải trí và thể thao. Nhu cầu ngày càng cao dẫn đến việc thành lập các hội nhóm, câu lạc bộ tự chế tạo, lắp ráp hoặc mua UAV, máy bay mô hình phục vụ giải trí, quay phim, chụp ảnh, thu hút số lượng lớn người chơi, đồng thời kéo theo sự phát triển của các dịch vụ kinh doanh, bảo dưỡng, sửa chữa UAV.

Những năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến sự phát triển của máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) trên nền tảng UAV. Hiện có hơn 100 quốc gia và tổ chức phi chính phủ trên thế giới đang sử dụng UAV được trang bị vũ khí và công nghệ cao nhằm mục đích quân sự, đi đầu là các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... Các UCAV này được trang bị hệ thống vũ khí điều khiển chính xác, trở thành phương tiện trinh sát, tấn công hiệu quả.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng UAV tác chiến kiểu “bầy đàn” cũng trở thành bước tiến mới trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để tự động hóa quá trình chỉ huy, điều khiển tác chiến. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới sử dụng công nghệ tàng hình, tích hợp AI, khả năng cơ động cao, có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không của đối phương.

Theo đó, Mỹ giới thiệu bản thiết kế máy bay thuộc Chương trình Next Generation Air Dominance. Trung Quốc cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình Hắc Kiếm. Nga phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 với sự hợp tác của Mikoyan và Sukhoi. Australia thử nghiệm thành công máy bay phản lực không người lái đầu tiên Loyal Wingman sử dụng hệ thống ATS, được trang bị vũ khí dẫn đường, cảm biến quan sát, có khả năng trực tiếp giao tranh với đối phương, tiến hành tác chiến điện tử. Pháp, Đức dự kiến đến 2025 chi ngân sách 4 tỷ euro để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Israel đang phát triển UAV trinh sát chiến thuật Heron MK II.

Từ năm 2017 đến nay, UAV trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh, thu hút được sự đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Lĩnh vực UAV tăng trưởng trung bình 16% năm, quy mô thị trường 30,6 tỷ USD (năm 2022), dự kiến đạt 52,3 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường UAV châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh nhất 18,5%/năm do nhu cầu cao của thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ấn Độ là thị trường đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu UAV, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu UAV toàn cầu. Nga đứng thứ nhất về số lượng UAV và có tham vọng đưa ngành công nghiệp UAV đạt giá trị 12,3 tỷ USD.

Rủi ro an ninh từ UAV

Theo Topwar.ru, các chuyên gia trang quân sự Nga cho rằng, với sự phát triển đa dạng, tích hợp công nghệ hiện đại, ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, UAV một mặt mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức mới, đe dọa nền quốc phòng - an ninh. Trước hết là sử dụng UAV hoạt động gián điệp. UAV có thể mang các thiết bị thu, phát tín hiệu wifi, phần mềm cài đặt tự động mã độc tấn công, thâm nhập hệ thống mạng, đánh cắp thông tin cá nhân; là công cụ tối ưu cho hoạt động gián điệp ở tầm công nghệ thấp như đánh cắp thông tin tài chính, chiến lược hoặc sơ đồ công nghệ... của các công ty đối thủ.

Từ năm 2015 đến nay, xu hướng sử dụng UAV tiến hành tấn công khủng bố ngày càng tăng. Điển hình như các vụ tấn công của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda, các nhóm phiến quân, ly khai nhằm vào quân đội chính phủ, lực lượng nước ngoài ở Iraq, Syria, Afghanistan, Yemen; tấn công cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia (2019); tấn công căn cứ không quân của Ấn Độ ở biên giới Jammu - Kashmir (2021). Các vụ việc làm gia tăng lo ngại về việc lợi dụng UAV tiến hành tấn công khủng bố, ám sát nhằm vào lãnh đạo cấp cao các nước, phá hoại cơ sở dân sự, quốc phòng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Giới chức quốc phòng, chuyên gia quân sự, an ninh nhiều nước (Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản) cảnh báo, việc sử dụng UAV là “phương thức tấn công mới” của các tổ chức khủng bố và ngày càng trở nên nguy hiểm do tính năng nhỏ gọn, chi phí thấp, dễ chế tạo, mua bán, sử dụng, khả năng tự động hóa và hiệu quả cao. Từ năm 2016, IS đã phát triển lực lượng khai thác, sử dụng UAV thực hiện “nhiệm vụ thánh chiến”.

Sự lỏng lẻo trong quản lý UAV dân dụng, nhất là loại cỡ nhỏ, máy bay mô hình ở nhiều nước đã tạo ra “lỗ hổng” cho các đối tượng, tổ chức khủng bố lợi dụng, gây khó khăn cho việc phát hiện, ngăn chặn. Tại Hội nghị quan chức cấp cao Cơ quan chống khủng bố các nước thành viên LHQ năm 2018, các nhà lãnh đạo cảnh báo thế giới cần phải chú ý nghiêm túc việc UAV bị sử dụng để tấn công khủng bố, nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ cao, các phương tiện truyền thông xã hội để liên lạc, tuyển mộ, huấn luyện và lợi dụng những phương thức thanh toán mới (trực tuyến) để huy động tài chính cho khủng bố là phương thức hoạt động mới và rất nguy hiểm.

Ngoài ra, các đối tượng tội phạm còn sử dụng UAV phục vụ những hoạt động gây mất an ninh, an toàn, cản trở hoạt động hàng không dân dụng. Theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang Mỹ năm 2022, số vụ va chạm do UAV ngày càng gia tăng và mức độ nguy hiểm ngày càng cao (trung bình xảy ra hơn 300 vụ mỗi tháng). Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội còn sử dụng UAV để buôn lậu, vận chuyển vũ khí, ma túy, thả tờ rơi, truyền đơn, khẩu hiệu kích động biểu tình, bạo loạn tại một số quốc gia.

Đáng chú ý, nhiều nhà tù trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn UAV cỡ lớn mang theo hàng buôn lậu, ma túy, sách báo khiêu dâm, điện thoại thông minh cho các tù nhân. Theo Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA), UAV cũng đang trở thành phương tiện được các tổ chức tội phạm, băng đảng ma túy ở Mỹ, Colombia, Mexico sử dụng phổ biến để vận chuyển ma túy xuyên biên giới, giám sát và tấn công lực lượng thực thi pháp luật.