Ngược thượng nguồn

Sông Chàng qua thời vàng tặc

Trở lại sông Chàng (Như Xuân, Thanh Hóa) hôm nay, thấy cánh đồng lúa xanh mướt đôi bờ, đường bê-tông liên thôn, cầu cống qua sông thuận tiện và khác hẳn so 30 năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Chàng trong xanh.
Sông Chàng trong xanh.

Sông Chàng bắt nguồn từ nhiều đỉnh núi cao thuộc xã Thanh Quân (Như Xuân) rồi chảy qua hai xã Thanh Sơn và Thanh Lâm cùng huyện, đổ vào sông Hiếu tại xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An).

Người tìm vận may, dòng sông quay quắt

Việc trở lại đầu nguồn sông Chàng theo lối đi cũ khiến tôi rơi vào lúng túng. Nó đã khác xưa, nguyên do cũng bởi trong lòng nó có vàng nên mới bị con người lật đáy, phá dòng không thương tiếc.

Cũng như nhiều vùng núi có kim loại quý, con người đổ về nơi đây tìm kiếm vận may. Một bài hát cũ ùa về. “Anh đi đào đá đỏ/nơi vùng mỏ Quỳ Châu/anh biết tìm đâu/tìm cho ra đá màu...”. Đó là bài hát trong băng nhạc Xẩm đá đỏ Quỳ Châu. Băng xẩm đó phổ biến ở vùng nam Thanh-bắc Nghệ, nhà nào có cassette là có băng hát đó. Trong những năm 1988-1991 - thời kỳ xã hội chuyển biến mạnh mẽ từ cơ chế bao cấp sang cuộc sống tự lập, tự lo - Xẩm đá đỏ như một liều thuốc lôi kéo hàng vạn thanh niên mang theo xà-beng, xẻng, máng đãi… không sang Quỳ Châu (Nghệ An) tìm đá đỏ thì ngược sông Chàng (Như Xuân, Thanh Hóa) tìm vận may ở bãi vàng.

Bãi vàng nằm bên bờ sông Chàng, kéo dài từ thôn Chiềng Cà đến thôn Ná Boong Ná Cà thuộc địa bàn xã Thanh Quân. Mỏ vàng này thời thuộc địa Pháp đã khai thác cạn kiệt, đến hơn 50 năm sau, những đội tìm vàng từ Kim Sơn (Ninh Bình) lại tìm vào đào lò giếng dưới chân núi, họ tời từng xô đất ướt đưa lên miệng giếng rồi vận chuyển ra bờ sông. Họ đãi vàng bằng máng tôn hoặc máng gỗ hình nón.

Ông Lương Văn Lích, 87 tuổi, ngụ thôn Chiềng Cà, kể lại: “Ngày đó, dọc bờ sông như một vùng cắm trại. Dòng sông đục ngầu vì tình trạng đãi vàng. Họ lên đây mỗi ngày thêm đông hơn. Nhưng không xảy ra cảnh xô xát giữa người các bản và người đào vàng”.

Vàng khai thác bên bờ sông Chàng là vàng cám, hạt vàng li ti chỉ khoảng từ vài li trở lên là nhiều. Viên lớn có trọng lượng khoảng một phân (10 phân vàng mới được một chỉ) rất ít. Mỏ vàng nhộn nhịp trở lại, dịch vụ bán hàng bằng xe đạp do những người dưới xuôi đem lên gồm bánh nướng, bánh mì, rau xanh, gạo, cá... cũng theo lên mỗi ngày. Người dân trong các bản cũng rủ nhau đào đãi. Ông Lích kể: “Ruộng ở đây, ngày đó ít có người làm. Họ chủ yếu làm rẫy một vụ”.

Vàng - sức hấp dẫn khó bề từ chối - đã kéo nhiều trai bản lập nhóm đào lò. Phụ nữ thì rủ nhau đãi xái, tức là vét lại lò họ bỏ đi mong một cơ may cho dù rất nhỏ.

Ông Lích nhấn mạnh: “Người Kinh làm thế nào thì người đồng bào bắt chước làm theo. Những tay buôn vàng cũng theo đó mà xuất hiện, tay cầm cân tiểu li, nách kẹp bọc tiền, ngồi ở những tuyến đường đón người đãi vàng về”. Ông Quách Văn Hải, 60 tuổi, ngụ thôn Ná Boong Ná Cà, than thở về ngày ấy: “Đào vàng vất vả lắm, khó được lắm. Nhiều người đi đãi nhiều ngày cũng chỉ được vài li nên họ cũng chán nản”.

Năm đó, những tay xảo quyệt cũng xuất hiện trong bản. Họ tán nhỏ sợi dây đồng, rồi cho vào cối giã lẫn với trấu, hôm sau họ vẫn vác máng đi đãi bình thường. Chiều tối, họ bỏ đồng vào máng tráng qua ít nước sông Chàng rồi nhặt vào vỏ lọ binixilin đeo ở ngực về qua chỗ nhóm người buôn vàng bán cho họ. Nhưng câu chuyện này chỉ qua mặt được người mới tập tọng buôn hoặc những người tay ngang bán hàng tạp hóa bằng xe đạp kiêm thu mua vàng.

Ông Hải nhớ lại: “Ngày đó, hai bên bờ sông này là những cồn đất đá. Những thửa ruộng là hầm lò. Trâu bò ăn cỏ trên đồng bị sa vào hố không lên được. Vàng càng ngày càng hiếm và mâu thuẫn cũng bắt đầu. Nhiều đội khai thác vàng đã bỏ chỗ này, họ vượt núi cao, sang phần đất Nghệ An, cắm trại dọc suối, đào đãi”.

Vận may không đến, mâu thuẫn hiện hình. Nhiều tốp đào vàng cũng về quê hoặc tìm địa bàn mới, tam biệt bờ sông với những bãi xỉ vàng lổn nhổn “hố bom, hố mìn”. Ông Lích bình luận: “Cũng may mắn vì không có vàng. Chứ còn vàng còn đào đãi còn nhiều tệ nạn xảy ra ở đây. Đến năm 1993, không còn lò đào đãi vàng ở đây nữa”.

Dòng chảy tự vá mình

Sông Chàng nhỏ và ngắn, đoạn chảy qua xã Thanh Phong cùng huyện, có một địa danh gọi là Chòm Chuối. Đây là chỗ đặt trại cải tạo những phạm nhân phạm án nặng. Nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc, trước đây đi tắc tế cho người nhà là phạm nhân với một cung đường rất khổ sở. Ngày đó, đường Hồ Chí Minh chưa mở, họ đi theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Voi (Thanh Hóa) rẽ theo đường 45, ngược lên khoảng 90km là đến trại. Nhắc đến sông Chàng, hẳn có một số người Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam... biết đến. Nhưng đó là một quá khứ không hay nên không mấy ai kể về hành trình khám phá nơi này.

“Đứng trên Chòm Chuối nhìn xuống Cầu Cao” - câu hát mà nhiều phạm nhân người Thanh Hóa vẫn hay hát. Cầu Cao là địa điểm tạm giam của xứ Thanh. Sau khi thành án họ sẽ được di chuyển về các trại, trong đó Chòm Chuối là trại giam khắc nghiệt.

Trở lại với sông Chàng hôm nay, ngay cả bản thân tôi cũng không nhận ra dòng sông đó của 30 năm trước. Đó là cuối năm 1991, thi trượt đại học, tôi cũng lên đây tìm vận may. Nhưng cứ đứng bên những lò đào vàng sâu hun hút, choáng váng. Người lên từ các hầm, giếng đào vàng nhìn như “người bùn”. Và một dòng chảy lạnh lẽo trong vắt trong mùa đông, cảm giác lạnh sống lưng, rợn tóc gáy nên tôi từ bỏ cơ hội đổi đời.

Bên bờ sông Chàng hôm nay là những cánh đồng lúa hai vụ tốt tươi. Đồng bào sống thượng nguồn con sông là người Thái, xuống các xã dưới có người Thổ, người Mường. Sau này có người Kinh.

Ông Lương Văn Lích kể lại: “Qua những mùa mưa, dòng sông chảy mạnh xóa nhòa những cồn đất bãi vàng. Các lò vàng cũng do mưa đẩy đất lấp dần. Và chính quyền làm mương máng dẫn nước tưới tiêu tăng vụ. Người dân được chia ruộng và cải tạo đất thâm canh lương thực cho gia đình”.

Ngược sông Chàng, vươn ánh mắt nhìn đỉnh núi đồ sộ chia cách Nghệ An - Thanh Hóa giờ có một sự luyến tiếc khác. Rừng đã không còn!

Huyện Như Xuân cũ trước đây rất rộng. Ở đó giống như một vựa gỗ lim của Thanh Hóa. Năm 1996, nơi này chia thành hai huyện Như Xuân và Như Thanh. Sông Chàng ở lại với Như Xuân. Dòng chảy mùa lũ nước đục, mùa lụt nước dâng cao, mùa hoa đào nước trong vắt. Nay, những con chim cuốc cũng về dòng nước bắt tép, chim “bắt cô trói cột” cũng líu lô trong chiều muộn trên cành cây cao. Bản Hón Tỉnh (xã Thanh Quân) trước đây phải đi bộ, vượt núi cao, nay đường vào bằng xe bốn bánh.

Bà Phạm Thị Vềnh, 67 tuổi, thôn Chiềng Cà, cho biết: “Ngày xưa, ở đây chỉ có bánh ú, bánh chưng thôi. Nay, nhiều bánh lắm. Bánh cuốn này, bánh tráng này, bún gạo này. Bánh đó không cần gói lá, ăn cũng ngon mồm”. Ông Quách Văn Hải thì nhận định: “Nhờ có đường bê-tông đi lại thuận lợi, nên đời sống của đồng bào tiếp cận được nhiều cái mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Sản phẩm làm ra cũng tiêu thụ dễ dàng”.

Với dòng sông Chàng, dù nhìn chỉ như một dòng suối, nhưng ông Lương Văn Lích cắt nghĩa: “Chảy đến xã Thanh Phong là lòng sông mở rộng, bãi cát mở ra mênh mông. Suối, nó phải chảy từ trên núi cao, dốc đứng”.

Có những dòng sông khẳng định mình trong mùa lũ. Có những dòng suối hóa thác đổ vào mùa mưa. Sông Chàng cũng cá biệt như vậy, mùa hạ là sông, mùa đông là suối. Trong quá khứ, dòng chảy bầm dập bởi phu vàng. Và nay, dòng chảy đã tự “vá víu” đôi bờ từng bị tổn thương vì có của chìm dưới đáy nước. Cũng như đời người, qua những đớn đau mới bật ra được nụ cười bước tới rộng dài hơn.

Cũng tại địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có một con sông nữa tên là sông Quyền, bắt nguồn từ phía đông thuộc xã Hóa Quỳ (sông Chàng bắt nguồn từ phía tây của huyện). Sông Quyền chảy qua hai xã Hóa Quỳ và Thanh Hòa rồi đổ vào sông Chàng tại xã Thanh Hòa. Tháng 4/2022, một vụ ô nhiễm sông Quyền do chất xả thải từ nhà máy chế biến gỗ Khánh Nam khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bè trắng tay. Vụ việc đã được các cơ quan ban, ngành xử lý.