Sát cánh cùng doanh nhân

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, càng thấm thía hơn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi động viên, cổ vũ giới doanh nhân, công thương, nhân dịp thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh ngày 13/10/1945.
0:00 / 0:00
0:00

Ghi nhận những đóng góp của giới thương nhân cho cách mạng, cho đồng bào và vai trò to lớn của thương nhân đối với sự ổn định và phát triển đất nước, Người khẳng định: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Và Người căn dặn những người theo nghề nghiệp kinh doanh: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”.

Đó là những định hướng, lưu ý và cam kết mang giá trị lịch sử, thể hiện tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng nhân văn của Người về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển kinh tế đất nước sau 77 năm đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, như một lời hiệu triệu tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy mọi người dân thi đua xây dựng và phát triển đất nước. Cho đến nay, sau nhiều năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, đang tích cực hội nhập, vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển lao động sản xuất, kinh doanh thành công, đóng góp hiệu quả cho xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện. Đó cũng luôn là nguyện vọng chính đáng, chân thành của giới doanh nhân đối với quốc gia, dân tộc cũng như sự phát triển của đất nước.

Bức thư năm xưa và gửi gắm sâu xa từ trong đó gợi ra những điều mà trong những năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, đang trở nên vấn đề mang tính thời cuộc, đáng để suy ngẫm, soi chiếu cho giới doanh nhân, cho các cơ quan quản lý và cả xã hội. Đó là bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi tạo dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh còn là trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm trước pháp luật như điều kiện bảo đảm vững chắc cho sự phát triển bền vững, hài hòa của doanh nghiệp trong sự tiến bộ và phát triển của đất nước. Có lẽ cũng vì thế mà trong chương trình bình chọn Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh vào sáu tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Việc bình chọn đặc biệt đề cao đạo đức của doanh nhân, như một yếu tố xuyên suốt, là nền tảng cho thành công, uy tín và phát triển bền vững của doanh nghiệp, doanh nhân trước đất nước, nhân dân.

Cũng trong thời điểm này, thế giới và bạn bè quốc tế ấn tượng và ghi nhận sự nỗ lực chuyển mình và vượt lên ngoạn mục của kinh tế-xã hội Việt Nam sau một năm thực hiện quyết sách linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh, từng bước phục hồi kinh tế và bước vào giai đoạn bình thường mới. Chính các doanh nghiệp ở nhiều quy mô từ lớn đến vừa và nhỏ, đội ngũ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đã đóng góp đầy hăng hái, tâm huyết vào tiến trình này.

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, cũng chính là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương, người dân về việc tích cực tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, giúp đỡ giới doanh nhân nước nhà và cả nước ngoài trên con đường xây dựng cho đất nước Việt Nam mạnh giàu, tiến bộ, văn minh.