Sân khấu Thủ đô “bày món” liên hoan

Diễn ra từ 25/9 đến 2/10, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức có sự tham gia của 13 đơn vị trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở kịch nói “Huyền tích chùa Một Cột”. Ảnh: CN
Cảnh trong vở kịch nói “Huyền tích chùa Một Cột”. Ảnh: CN

Ngoài các đơn vị công lập như các nhà hát kịch Hà Nội và chèo Hà Nội, kịch và chèo quân đội, cải lương Việt Nam, còn có các sân khấu xã hội hóa như Lệ Ngọc, Sen Việt, Song Việt... 13 tác phẩm kịch, cải lương, chèo... sẽ góp mặt bao gồm: “Trung trinh liệt nữ” - chèo Hà Nội, “Sóng dựng Lô Giang” - chèo quân đội, “Trời nam” - Nhà hát Cải lương Hà Nội, “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” - kịch Hà Nội, “Hà Nội thành phố của những giấc mơ” - Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, “Huyền tích chùa Một cột” - Sân khấu Lệ Ngọc, “Bất tử với Thăng Long” - Nhà hát Cải lương Việt Nam, “Mưa đỏ” - Nhà hát Kịch nói quân đội, “Hoa cúc nhà trời” - Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyền” - Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long, “Án tình” - Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, “Đêm trước ngày hoàng đạo” - Công ty Song Việt, “Câu hát tìm nhau” - Sân khấu Sen Việt.

Lần đầu tham dự liên hoan, ông Bùi Thế Anh phụ trách Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn về địa điểm biểu diễn cũng như nhân lực nhưng nhà hát đã mượn sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội để tham gia liên hoan. Xây dựng tác phẩm về Ngày giải phóng Thủ đô 10/10, đơn vị tái hiện những ngày tháng lịch sử của Thủ đô yêu dấu bằng ngôn ngữ của xiếc, hy vọng sẽ có kết quả tốt và được công chúng đón nhận. Còn NSND Lệ Ngọc chia sẻ, chúng tôi chọn kịch lịch sử về Hà Nội vì nghĩ rằng sẽ kéo được nhiều khán giả quan tâm, bên cạnh đó phục vụ được cả đối tượng học sinh. Chúng tôi đã diễn vở này mấy chục suất và thấy rằng khán giả không hề quay lưng với lịch sử, các em học sinh rất thích thú. Sau khi xem, các em đã có những bài tiểu luận rất tốt về lịch sử ngôi chùa này. NSND Lệ Ngọc cũng mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cơ quan quản lý để các sân khấu xã hội hóa được quảng bá, tiếp cận và phục vụ công chúng được nhiều hơn.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá bước đầu, liên hoan có nhiều vở diễn phong phú, giàu chất lịch sử, bồi đắp, xây dựng cho văn hóa và con người Hà Nội hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022). Sự kiện lần này cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được tổng thể, từ đó có các định hướng cũng như hỗ trợ kịp thời những mảng thiếu, yếu, giúp cho sân khấu Thủ đô tìm lại thuở “sáng đèn”.