Sách văn học không thể thay thế

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) là nét đẹp văn hóa, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội. Qua giai đoạn đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngày sách năm nay đang góp phần khuấy động không khí cho ngành xuất bản. Thời Nay có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Văn học.

Bạn trẻ đọc và lựa chọn tại nhà sách. Ảnh: SONG ANH
Bạn trẻ đọc và lựa chọn tại nhà sách. Ảnh: SONG ANH
Sách văn học không thể thay thế -0

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong đời sống hiện nay, vị thế của sách văn học cần được nhìn nhận, đánh giá thế nào?

TS Nguyễn Anh Vũ (NAV): Sách văn học vẫn luôn là một mảng sách lớn, quan trọng trong hoạt động xuất bản. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc cho đến những năm đầu công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước, sách văn học đã được phát huy đến mức tối đa vai trò, vị thế của mình, là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo bạn đọc. 

Trong nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện phong phú của nhiều loại hình giải trí, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đặc biệt với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đã tạo cơ hội để các loại hình nội dung số bùng nổ trên nền tảng hệ sinh thái số với sự đa dạng hóa các ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại, tiện lợi cùng sự mới lạ, đặc sắc về hình thức thể hiện nội dung. Bên cạnh việc tiếp cận sách văn học, đã có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn trong việc tiếp nhận thông tin, tiếp thu kiến thức, giải trí và thư giãn. Tuy nhiên, sách văn học, một thể loại đặc thù với những đặc trưng về nội dung và nghệ thuật riêng, với lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin, tiếp thu kiến thức, giải trí và thư giãn, vẫn là một mảng sách không thể thay thế trong hoạt động xuất bản, trên thị trường sách.

PV: Liệu cơ cấu của sách văn học hiện nay bị “lép vế” so các loại hình khác?

NAV: Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In, Phát hành-Bộ Thông tin và Truyền thông, trong ba năm  2019, 2020, 2021 đã có hơn 100 nghìn đầu sách được xuất bản. Trong đó sách văn học chiếm tỷ lệ hơn 11%, có nghĩa là trong ba năm đã có khoảng hơn 11 nghìn đầu sách văn học được xuất bản. Trong số đó, nếu tính bình quân mảng sách văn học kinh điển của trong và ngoài nước tái bản chiếm 50%, các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch và xuất bản lần đầu chiếm khoảng 25% thì con số còn lại cho các tác phẩm văn học Việt Nam mới cũng khoảng 25% (xấp xỉ 1.000 đầu sách/năm). 

Số lượng là vậy, tuy nhiên chất lượng mới là điều đáng để lưu tâm. Sách văn học xuất bản nhiều, nhưng để tìm ra những tác phẩm thật sự có giá trị, có chất lượng về tư tưởng và thẩm mỹ, có sự tìm tòi, cách tân trong tư duy sáng tạo và đổi mới thi pháp không phải là điều dễ dàng. 

PV: Trong giai đoạn này, các NXB đều đẩy mạnh chuyển đổi số, với NXB Văn học thì đã có những kết quả khả quan chưa?

NAV: NXB Văn học đã tiên liệu, nhìn thấy những tín hiệu tích cực và xác định chuyển đổi số là một hướng đi phát triển bền vững, lâu dài trong tương lai khi mà thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống. Thời gian qua, NXB đã áp dụng các ứng dụng khoa học-công nghệ và đạt được những kết quả đáng mừng. Chúng tôi đã thích nghi và bắt nhịp với việc phát hành sách trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử. Chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình cho việc xuất bản sách điện tử, audio book, podcast… kết hợp Infographic (đồ họa thông tin) hay Multimedia (đa phương tiện) phát triển trên đa nền tảng để đáp ứng các phương thức đọc mới đa dạng của độc giả hiện nay… 

PV: Nếu chỉ ra những mặt khó khăn nhất trong chuyển đổi số thì đó là gì?

NAV: Khó khăn lớn nhất của NXB Văn học nói riêng cũng như của đa số các nhà xuất bản trong toàn ngành nói chung là nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghệ, cũng như nguồn nhân lực đủ năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số.

PV: Được biết, NXB Văn học đã có kế hoạch gì để phát triển bền vững?

NAV: Chúng tôi đã đặt ra những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho lộ trình phát triển của mình. Kế hoạch dài hạn là xây dựng những tủ sách, những hệ thống sách với kế hoạch dài hơi có tính chất mở như tủ sách biển đảo quê hương, tủ sách tác giả văn học trẻ, tủ sách các tác giả, tác phẩm tiêu biểu văn học Việt Nam hiện đại, hệ thống hóa để xây dựng những bộ toàn tập, tuyển tập của những tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam qua từng giai đoạn, tủ sách tinh hoa văn chương thế giới, dịch thuật và giới thiệu một cách có hệ thống và phù hợp những công trình lý thuyết của lý luận văn học thế giới vào Việt Nam… Và đương nhiên, bên cạnh phương thức xuất bản truyền thống, chúng tôi sẽ ứng dụng tối đa thành tựu của khoa-học công nghệ để những hệ thống sách này đến được với bạn đọc dưới nhiều hình thức phong phú.

PV: Nâng cao ý thức, hiệu quả văn hóa đọc là trách nhiệm của toàn xã hội, song các NXB có vai trò thế nào trong nhiệm vụ chung?

NAV: Văn hóa đọc hiểu một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của từng cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, một quốc gia muốn văn hóa đọc phát triển, cần phải phát triển đồng đều ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cả ba thành phần: các nhà quản lý, các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội và từng thành viên trong xã hội. Với các cơ quan quản lý, ứng xử, giá trị, và chuẩn mực đọc là đường lối, chính sách phát triển nền văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để thỏa mãn nhu cầu đọc của toàn xã hội. Với cộng đồng xã hội, ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan đến việc đọc, đó là những hoạt động để quảng bá, cổ vũ, phát triển văn hóa đọc, đó là sự tôn vinh những người viết sách, những người làm sách. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân là sự hội tụ của ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và kỹ năng đọc. Ba yếu tố này được hình thành phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống gia đình, môi trường giáo dục, môi trường sống, làm việc, trình độ văn hóa. 

Đây là câu chuyện của cả cộng đồng bắt nguồn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, các NXB đóng góp trong đó một vai trò rất quan trọng là cho ra đời, đưa đến bạn đọc những cuốn sách thật sự chất lượng và có giá trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, Biên tập viên NXB Quân đội nhân dân: Hai năm dịch bệnh qua thật sự quá trống vắng với những người làm xuất bản. Năm nay, Ngày hội sách - Ngày hội văn hóa đọc Việt Nam với những háo hức được bung ra. Hằng năm, cứ đến Ngày hội sách, NXB thường phối hợp một học viện, nhà trường trong Quân đội tổ chức tuyên truyền giao lưu chào mừng Ngày sách Việt Nam. Năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp Học viện Hậu cần tuyên truyền về giá trị của sách, lợi ích của việc đọc sách, văn hóa đọc sách; giới thiệu những cuốn sách, bộ sách lớn mà NXB mới ấn hành. Sẽ có một chương trình giao lưu trực tiếp giữa các nhà văn, nhà nghiên cứu với bạn đọc xoay quanh chủ đề “Sách và giá trị của sách với cuộc sống”.

Nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng): Với NXB Kim Đồng, dịp này cũng là thời điểm hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (17/6/1957 - 17/6/2022), nên NXB ra mắt nhiều tựa sách mới, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giới thiệu sách. Các chương trình ưu đãi khuyến đọc cũng được tổ chức trong dịp này. Ba sự kiện của NXB tại Hà Nội là ra mắt sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” tại Thư viện Quốc gia, tọa đàm “Vẻ đẹp truyền tích”, ra mắt sách và triển lãm tranh minh họa “Truyền kỳ mạn lục” (họa sĩ Nguyễn Công Hoan), “Nam Hải dị nhân liệt truyện” (họa sĩ Tạ Huy Long) tại 55 Quang Trung, ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi “Cơ Bản là Cơ Bản” tại Phố sách Hà Nội. Hai sự kiện tại TP Hồ Chí Minh là giao lưu, ra mắt bộ sách “Vượt qua trở ngại tâm lý - Biến cô đơn thành sức mạnh” tại Đường sách thành phố, ra mắt tập tản văn “Những lá thư gửi thanh xuân” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. 

Trong dịp này, chương trình ưu đãi cũng được NXB triển khai trên các trang thương mại điện tử như Web NXB, Kim Đồng LazMall, Kim Đồng Shopee Mall, Book365.vn. NXB Kim Đồng cũng đồng hành với một số địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Đắk Nông, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế (qua Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)… trong việc trưng bày, giới thiệu sách đến độc giả.