Sách mới về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Sách gồm nhiều tư liệu, bút tích quý, trong đó có hai bức thư của Bác Hồ gửi lớp cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng, xác định những nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng, tiêu chí của tờ báo, người làm báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam luôn chú ý công tác đào tạo đội ngũ những người làm báo. Năm 1949, trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh thành lập và đặt tên cho trường là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của nước ta sau năm 1945.

Mặc dù chỉ đào tạo được một khóa, nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có một ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam. 42 học viên đầu tiên trở thành một trung đội xung kích trên mặt trận báo chí, góp phần hình thành nên hình mẫu “nhà báo - chiến sĩ”, hình thành nên bản chất, truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Họ đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc như Hữu Mai, Bành Bảo, Trần Kiên, Từ Bích Hoàng, Lý Thị Trung, Mai Cương, Mai Hồ, Như Mai, Mai Thanh Hải…

Trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dày công sưu tầm tư liệu, lập hồ sơ để năm 2019, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Sách có nhiều bài viết của thầy và trò; về thầy và trò. Nhiều hồi ức, kỷ niệm xúc động của Đỗ Hồng Lạng, con gái Giám đốc Đỗ Đức Dục; Nguyễn Ánh Tuyết, con gái Phó Giám đốc Xuân Thủy; Tạ Quang Ngọc, con trai giảng viên Quang Đạm; Nguyễn Huy Thắng, con trai giảng viên Nguyễn Huy Tưởng…

Sách là tài liệu tham khảo tốt về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và về nghiệp vụ cho những cơ sở đào tạo báo chí, cho những người làm báo, viết báo.