(Tiếp theo và hết)
Đồ ăn cay, nóng của quán ăn sáng, những thực đơn đặc sắc trong nhà hàng, cho đến món đặc sản “xôi”, “gà” ở quán ăn trong chợ, côn trùng nướng trên đường phố đêm bên bờ sông…, tất cả làm nên hương vị ẩm thực Lào không trộn lẫn. Nhưng trong các thành phố còn đầy dấu ấn văn hóa thời thuộc Pháp, Lào còn là nơi thưởng thức những món Âu hấp dẫn đến từ một vùng đất xa xôi. Bởi vì, phía sau ẩm thực là một tiến trình vận động phong phú của đời sống một cộng đồng.
Từ chợ đến nhà hàng
Chợ Xiengkhouang là chợ lớn với đủ loại sản phẩm từ đồ tươi sống đến gia dụng. Trong đó, nơi hấp dẫn tôi nhất là những quán xôi, mì, cơm với gà luộc. Cả chục con gà ta luộc chín lên khói thơm ngon xếp đầy đặn trên khay trước quầy hàng và gia đình 3 người chủ hàng thì luôn chân luôn tay phục vụ cho độ chục bàn ăn.
Một đĩa xôi, nửa con gà luộc, một phần canh giá đỗ, một bát mì trắng (phở Lào) thường chỉ rơi vào 100 LAK (khoảng 117 nghìn đồng Việt Nam). Những ngày ở Xiengkhouang hầu như chúng tôi đều ăn sáng, ăn trưa tại quán ăn trong chợ này, đến nỗi chủ khách quen mặt nhau, chia xa đầy lưu luyến. Đây có lẽ là món ăn bình dân, ngon, an toàn, tiện lợi nhất với tôi những ngày trên xứ Vạn Tượng.
Từ chợ, vào đến các quán ăn sáng bình dân tại Lào lại có những thêm bớt khác, hương vị khác từ không khí, cách bài trí đến gia vị. Tôi ấn tượng nhất với quán mì trong khu phố Pháp nằm bên sông Mê Công ở thành phố Kaysone Phomvihane (tỉnh Savannakhet) với mảng tường vôi vàng nứt vỡ, khung cửa gỗ xanh, bức tranh trên mành tre trúc họa tiết chim công, mẫu đơn đã lên màu thời gian. Chồng bát loa có hình con gà nghe nói nhập từ Thailand cũng gợi nhắc một phong vị xưa cũ. Thường thấy người già vào thong thả ăn sáng, lớp trẻ hơn đỗ xe trước cửa mua mang về. Trong nhà, cậu bé con trai chủ quán thong thả đi ra để đến trường. Không có cảnh đông đúc, vội vàng, chen lấn.
Ở một quán ăn trước cổng trường học, không khí hiện đại, sôi động hơn khi chiếc tivi “da diết” ca khúc “Màu tím hoa sim” cho tôi biết rõ ràng chủ quán là một đồng bào người Việt. Quán ăn có bộ gia vị, rau thơm các loại, đặc biệt là đậu đũa sống bẻ đều đặn xếp trên đĩa kèm các món mắm đặc sắc của Lào. Chúng tôi không ăn được một số món mắm. Và đa dạng nhất phải là ớt, các loại ớt từ ớt xanh quả dài kiểu miền trung Việt Nam đến ớt bột, ớt dầu, ớt dầm tan trong các loại mắm truyền thống… Cậu em làm biên tập viên ở một NXB trong nước giả đùa, nhắn nhủ: “Không khóc ở Ai Lao!”.
Nhưng sự thật thì nước mắt đã rơi trên đất Lào.
Nhà hàng Khop Chai Deu thuộc Chanthabuly tại thủ đô Vientiane là một thương hiệu ẩm thực có tiếng, xuất hiện ở nhiều tỉnh lỵ, các khu phố Pháp của Lào. Vì quên dặn nhà hàng “không cay” mà món thịt bò khô đặc sắc của Lào đã thấm ớt tới từng thớ thịt. Món nộm đậu đũa, cà chua, mắm cay cũng trở thành món chan chứa nước mắt.
Bỏ qua chuyện thức ăn cay thì bia Lào thật ngon và đây là loại bia được du khách nước ngoài ở đây rất ưa chuộng. Nhà hàng hôm ấy, từng đôi hoặc bộ ba các du khách cao tuổi nước ngoài thong thả cùng nhau bên ly bia Lào. Những mái tóc bạc nắm tay đứng bên nhau đợi xe lúc ra về. Và không chỉ ở đây, hầu như trong các quán ăn, nhà hàng, trên nhiều đường phố của Lào, chúng tôi gặp khá nhiều người già đi du lịch cùng nhau. Chợt nghĩ đến câu chuyện mà TS Việt Phương (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có lần chia sẻ, tuổi thọ ở Việt Nam tăng cao nhưng đi kèm với đó, trung bình người cao tuổi Việt Nam phải sống chung với bệnh tật trong 14 năm. Một tuổi thọ trung bình tăng nhưng chất lượng tuổi già chưa tỷ lệ thuận. Và như thế, viễn cảnh nắm tay nhau đi du lịch đây đó thật sự còn là một câu chuyện dài.
![]() |
Du khách đạp xe trong một ngõ phố ở Luang Prabang.. |
Ẩm thực như một kết nối
Quán bánh Âu nổi tiếng ở Luang Prabang - Le Banneton Cafe French Bakery được nhắc đến trong cuốn “Những ngày cuối của dòng Mê Công hùng vĩ” của Brian Eyler là một trong những điểm đến chờ đợi nhất của tôi.
Thật vậy, Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, DC) và cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mê Công hùng vĩ” của ông đã lý giải sâu sắc về những vấn đề sống còn của dòng Mê Công trước tác động của con người và môi trường tự nhiên. Nhưng điều thú vị là ông tiếp cận dòng Mê Công từ các góc độ của kinh tế, văn hóa, xã hội… với đầy sự thấu cảm con người. Ông cũng kết nối những câu chuyện của các quốc gia mà con sông chạy qua hoặc tạo thành đường biên giới gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thailand, Campuchia. Đặc biệt là Lào, nơi ông đặt văn phòng của Trung tâm và thường xuyên hướng dẫn cho các sinh viên, nhà nghiên cứu tìm hiểu về sông Mê Công. Trong cuốn sách này, đánh giá cao Le Banneton của ông đường như không chỉ với ý nghĩa một quán cà-phê có bánh sừng bò và baguette kiểu Pháp mà còn như một điểm đến đặc sắc phản chiếu tính chất giao thoa, văn hóa, nhịp sống cố đô Lào.
Đánh giá cao Le Banneton của ông dường như không chỉ với ý nghĩa một quán cà-phê có bánh sừng bò và baguette kiểu Pháp mà còn như một điểm đến đặc sắc phản chiếu tính chất giao thoa, văn hóa, nhịp sống cố đô Lào.
Không thất vọng, chiếc quán xinh xắn hai tầng, gỗ và cửa kính với kiến trúc mái tháp của Lào. Những bàn cà-phê xếp trên vỉa hè gạch. Quầy bánh âu thơm và những món ăn Âu đặc trưng được phục vụ đẹp mắt.
Lại khá nhiều từng đôi các cụ bình yên bên nhau. Chúng tôi có một bữa ăn thật ngon và một kỷ niệm đẹp với Lào. Những thức ăn kết hợp sản vật Âu-Á. Bánh mì đen cá hồi, ô liu, mayonaise, một lát chanh, một cọng thìa là; salad cà rốt, bắp cải tím, dưa chuột, cà chua, xà lách. Một chiếc croissant (bánh sừng bò), một chiếc muffin (bánh nướng xốp), một bát hoa quả cắt miếng vừa: Chuối, xoài, lê, táo, dưa hấu… Thêm một ly cà-phê và một ly cam tươi. Bỗng dưng nhớ đến công trình ẩm thực Việt Nam của nhà nhân học văn hóa Nir Avieli (Israel) - “Chuyện cơm Hội An-Thức ăn và cộng đồng ở một đô thị Việt Nam”. Mới thấy, ẩm thực đâu chỉ là ẩm thực.
Vì thế chăng, không chỉ bán cà-phê, bánh mì, Le Banneton còn có một cửa hàng nhỏ nằm gọn ghẽ bên trong, giới thiệu đồ uống, mỹ phẩm của Pháp. Như một sự kết hợp thú vị cho du khách sau khi thưởng thức bữa nhẹ nhàng tại Lào lại có thể mang về một món quà thật Pháp. Và không phụ công tôi, hương thơm sản phẩm sữa tắm Le Petit Marseillais của vùng Địa Trung Hải mang về từ Lào đã đánh thức ký ức tuổi trẻ của bạn tôi những tháng ngày du học ở Aix en Provence - nơi cũng chỉ cách Marseille đâu ba chục cây số.
Càng di chuyển trên đất Lào tôi càng nhận ra những kết nối sâu sắc có được từ việc trải nghiệm du lịch một cách không ồn ào. Sự thong thả, chậm rãi của đời sống, những dấu lặng của thời gian trên nước bạn là món quà mà không phải điểm đến du lịch văn hóa nào cũng có được.
Xin giữ mãi điều quý giá này về những giờ phút rong ruổi trên các cung đường Trung-Bắc Lào và mong sớm có dịp quay trở lại.
Rong ruổi những cung đường Vạn Tượng (kỳ 3)