Quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Vừa qua, sự kiện Báo Nhân Dân mở chuyên trang điện tử về sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được đông đảo bạn đọc và các chủ thể OCOP đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ ra mắt Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.
Quang cảnh buổi lễ ra mắt Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.

Chuyên trang điện tử OCOP là một cách làm rất mới và sáng tạo của Báo Nhân Dân. Chương trình OCOP đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, tuy nhiên để ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì cần phải có sự tiếp sức từ các cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là trong việc quảng bá, truyền thông. Rất nhiều sản phẩm OCOP có giá trị cao, có chất lượng rất tốt, nhưng lại chưa được nhiều người biết đến, thậm chí chỉ được biết đến trong một vùng hoặc một vài địa phương.

Việc có một trang điện tử chuyên về OCOP với tính tổng hợp, toàn diện và chuyên sâu không chỉ góp phần tuyên truyền, quảng bá và liên kết mạnh mẽ cho các sản phẩm và chủ thể OCOP, mà còn giúp các cơ quan quản lý, người tiêu dùng… có cái nhìn tổng thể, toàn diện về những sản vật đặc sắc từ khắp mọi miền đất nước. Với quy mô lớn về dữ liệu và việc ứng dụng thêm nhiều công nghệ, chuyên trang OCOP giúp bạn đọc và chủ thể OCOP dễ dàng tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ và kết nối, tương tác trong quảng bá, mua bán sản phẩm, không chỉ giới hạn trong nước mà còn trên toàn thế giới.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có gần 11 nghìn sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên của 5.610 chủ thể OCOP, có mặt ở 63 tỉnh, thành phố. Con số này đã vượt mục tiêu cả nước có 10 nghìn sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên vào năm 2025 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân và thúc đẩy phong trào nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị khép kín, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu tập trung, thúc đẩy cả ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, Chương trình OCOP đang bộc lộ nhiều bất cập như một số sản phẩm OCOP chưa thực sự bền vững, số sản phẩm mới chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ba sao (đến tháng 7/2023, cả nước mới có 42 sản phẩm năm sao)...

Tại sự kiện mở chuyên trang về OCOP nói trên, nhiều đại biểu tham dự cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc mở rộng sản phẩm OCOP trong thời gian qua tăng nhanh nhưng hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được chú trọng.

Để các hoạt động quảng bá hiệu quả hơn, các chủ thể OCOP, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương và cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao chất lượng và ổn định chất lượng sản phẩm, sớm khắc phục các hạn chế như nêu trên, nhất là cần khẩn trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất, từ đầu vào nguyên liệu đến quảng bá, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm.