
Bám biển mà sống, chị Nguyễn Thị Thiết bao năm chỉ buôn thúng bán mẹt những mẻ cá ngoài chợ. Thấy món mắm rò, mắm ruốc ở Huế bán khá chạy ở quê Gio Linh, chị Nguyễn Thị Thiết bàn với chồng tìm hướng đi đổi đời cho gia đình. Chị gác việc chạy chợ, vào Huế học nghề để tận dụng được những mẻ cá tươi ngon ở quê hương mình. Chuyến đi ấy trở thành bước khởi đầu cho sự ra đời thương hiệu mắm rò, mắm ruốc, sứa Hoàng Việt.
LÀM MẮM RÒ, MẮM RUỐC TỪ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

Huyện Gio Linh là địa phương mạnh nhất của tỉnh Quảng Trị về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển du lịch biển. Được xem là vùng biển có nguồn đặc sản biển nổi tiếng, hằng năm sản lượng khai thác thủy sản của Gio Linh chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tỉnh Quảng Trị. Hầu hết bà con nơi đây sinh sống bằng nghề khai thác và chế biển thủy sản.
Mắm ruốc Huế bán rất chạy ở Vĩnh Linh, Đông Hà, tôi nghĩ xem liệu mình có thể học được sản xuất không?
Chị Nguyễn Thị Thiết và anh Hoàng Đới (xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) ngày ngày đi ghe nhỏ ra tàu lớn, thu mua mẻ cá tươi, mang về bờ, vừa bỏ mối buôn, vừa buôn thúng ngoài chợ. Kiếm tiền bằng vài đồng lãi chênh, anh chị chỉ đủ nuôi con ăn học. Bỏ mối nhiều cho một số chủ hàng làm mắm rò ở Huế, chị manh nha suy nghĩ “Mắm ruốc Huế bán rất chạy ở Vĩnh Linh, Đông Hà, tôi nghĩ xem liệu mình có thể học được sản xuất không?”.
Nằm ngay ở mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi về nguồn cá rò tươi ngon, làm sao để có thể sản xuất được mắm rò trên chính quê hương mình. Bấy giờ, ở Quảng Trị cũng có nhiều cơ sở sản xuất, nhưng không đắt khách. Năm 2013, nhân chuyến đi bỏ mối cho chủ hàng ở Huế, chị quyết khăn gói vào cố đô, mon men xin học công thức.
Phải mất nhiều thời gian lân la, chủ mắm rò mới bày cho cách làm sao cho sản phẩm tươi ngon.
Với hành trang có được, chị bàn với chồng vay vốn, làm một cơ sở sản xuất nhỏ ban đầu để sản xuất sứa tươi, mắm rò lấy tên Hoàng Việt.
Năm 2012, những mẻ cá rò đầu tiên chị mua từ tàu lớn, đưa thẳng về bờ để thực hiện các quy trình rửa, ướp. Những mẻ đầu, chị chưa làm thành công. May vốn đầu tư nhỏ, nên chị lại nhắm mắt đầu tư tiếp. Phải mất 2-3 mẻ, chị Thiết mới thấy thành phẩm tương đương với mắm rò Huế. “Mẻ đầu thành công, tôi mang ra chợ bán, làm nhỏ rồi to dần. Khi thị hiếu khách quen dần, tôi mang mắm rò ra Đông Hà bán. Cứ thế, mắm rò Hoàng Việt cũng có chỗ đứng, bán cả ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Phước”.
Chia sẻ bí quyết làm mắm cá rò mà không bị “nặng mùi” như nhiều xưởng khác, chị Thiết cho hay, bí quyết truyền thống của Huế là cá rò được mua tươi sống, không được sử dụng cá nát, ngâm muối qua đêm. Sau đó, cá được trộn với cơm nguội theo công thức 6 tô cá trộn một tô cơm, ủ kín. Ớt cũng được xay nhỏ, ủ với mì chính. Sau 3 tháng, cá và ớt xay sẽ được trộn lẫn cùng với gia vị để tạo ra món ăn thơm ngon này.
Thành công mắm rò, chị quay qua làm mắm ruốc. Mắm ruốc là món gia truyền, chị học từ tấm bé. Thuở 6-7 tuổi, chị lon ton theo mẹ bê từng chau mắm ruốc ra chợ bán. Người nào mua nhiều thì vài chén, còn ít thì bán chén một. Thau mắm ruốc từng nuôi sống cả gia đình chị, bởi vậy, những món nghề học được từ mẹ chị vẫn còn nhớ như in. Thi thoảng, chị vẫn làm mắm ruốc cho nhà ăn, nhưng nghĩ tới sản xuất lớn để bán, thì phải từ thời điểm này.
Mắm ruốc càng để lâu càng ngon, nên cứ mua được mẻ ruốc tươi, chị lại đưa vào xưởng sản xuất. Ruốc được chọn tươi, ngâm muối qua đêm, phơi khô một nắng. Hết một nắng, ruốc được đưa vào xay nhỏ, rồi lại mang phơi nắng tiếp. Quy trình này được làm thêm 2 lần cho tới khi ruốc thật nhuyễn, cho vào thùng kín ủ kín.“Ruốc làm đúng quy trình, ủ 6 tháng mới cho thành phẩm mắm ruốc ngon”, chị Thiết kể.
BÍ QUYẾT TẠO NÊN SẢN PHẨM OCOP 3 SAO

Vài năm mở rộng quy mô sản xuất mắm rò, mắm ruốc, thương hiệu Hoàng Việt của chị Thiết đã được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh vào năm 2018, 2019.
Tất cả nguyên liệu đầu vào được lựa chọn tươi, ngon để cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Dần mở rộng thị trường, thương hiệu mắm rò, mắm ruốc Hoàng Việt bán được sản lượng gấp 3 lần so với quy mô ban đầu. “Cứ 1kg, tôi lời 30%. Một năm ủ được 15 tấn mắm ruốc, 10 tấn mắm rò, tôi lời được khoảng 200-300 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm mắm ruốc bán chạy nhất”, chị Thiết đon đả vừa bê mẻ mắm rò mới ra lò vừa nói.
Theo chia sẻ của chị Thiết, để đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh, quy trình sản xuất của thương hiệu Hoàng Việt phải bảo đảm nguyên liệu tươi ngon được mua ngay từ cầu cảng. Vì thế, với mắm ruốc, chị có thể sản xuất mỗi năm 2 vụ. Mắm ruốc đòi hỏi sự công phu hơn vì công đoạn xay, phơi nắng và ủ.
Mắm rò chỉ làm được một vụ/năm vì đòi hỏi nguyên liệu đầu vào là cá phải đạt một kích thước nhất định. “Rò” vốn là tên một loài gần giống với cá cơm, da trơn, xương mềm và đặc biệt thịt cá vô cùng ngọt thơm. Làm mắm cá rò nghe chừng như đơn giản nhưng để có được hương vị đặc trưng của biển và độ ngon tuyệt hảo của thịt cá rò thì công cuộc làm mắm vô cùng công phu, tỉ mẩn của người làm mắm.
Chia sẻ về bí quyết của món mắm rò, mắm ruốc Hoàng Việt tươi ngọt và thơm, chị Thiết chia sẻ, nếu như nhiều địa phương nhập cá tươi và mất thời gian cấp đông vận chuyển thì lợi thế của xưởng sản xuất của Hoàng Việt là nằm ngay tại Gio Linh. Vì thế, mẻ cá tươi khi được mua từ thuyền lớn về bờ, được các nhân công đưa ngay vào rửa, ướp, bảo đảm độ tươi ngon, ngọt thịt của cá rò và ruốc.
Từ ngôi nhà nhỏ ở thôn Tân Lập, Gio Linh, Quảng Trị, dần anh chị mua thêm được vài trăm mét đất, xây dựng xưởng ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, rộng 300m2. Giờ xưởng của chị có đầy đủ nhà kho, nhà xưởng, bể chứa hàng, bể chứa mắm ruốc, lu, thau… máy xay ruốc, ớt. Chị thuê đều 7 nhân công, vào vụ thì thuê gấp đôi lên tới 16 người để kịp làm 5 tấn hàng trong 2 ngày.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, phát triển các làng nghề truyền thống công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các địa phương cùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung xây dựng và đưa các sản phẩm thủy, hải sản đi quảng bá, giới thiệu trong nước, bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan. Thương hiệu ruốc, sứa, mắm rò Hoàng Việt đã được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.
Ngồi bên hiên ngôi nhà khang trang, đặt cách xưởng không bao xa, chị Thiết hạnh phúc kể, nhờ mắm rò, mắm ruốc, nhà chị đã đổi đời, mua được đất làm nhà, cho con cái học hành đàng hoàng. Giờ mắm rò ở Gio Linh này chỉ có mình chị sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP vì công thức và quy trình sản xuất rất phức tạp. Khi thương hiệu mắm rò, mắm ruốc Hoàng Việt đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước, chị Thiết ấp ủ ước mơ lớn hơn là mang sản phẩm ra nước ngoài. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ về mặt xây dựng quy trình sản xuất, đóng chai lọ… để sản phẩm đạt chuẩn ra được nước ngoài”, chị Thiết giãi bày.
Ngày xuất bản: 28/3/2025
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM - NGỌC KHÁNH
Trình bày: HẠNH VŨ