Phòng ngự chặt, chưa vội phản công

Năm 2021, nhờ sự thận trọng xuyên suốt trong hoạt động, HD SAISON bất ngờ trở thành công ty tài chính tiêu dùng có lợi nhuận dẫn đầu thị trường.
0:00 / 0:00
0:00

Tưởng như sự thận trọng chỉ phù hợp cho năm ngoái thì trong những tháng cuối năm 2022, việc chi phí đầu vào gia tăng một cách nhanh chóng đang khiến nhiều công ty tài chính (CTTC) phải quay về trạng thái “phòng ngự chặt”. Một thực tế phổ biến trong ngành TCTD trong khoảng hai tháng trở lại đây là sự dè dặt trong việc cho vay mới vì phí đầu vào, mà cụ thể là lãi suất huy động đã tăng khá nhanh, trong khi CTTC lại khó lòng gia tăng lãi suất đầu ra tương ứng. Nên hoặc CTTC khó huy động, hoặc nếu huy động được thì cũng phải cho vay dè dặt vì lãi suất cho vay cao thì rủi ro nợ xấu cũng cao, mà lãi suất cho vay thấp thì hiệu quả kinh doanh giảm sút.

Có thể dẫn chứng: Lãi suất huy động đầu vào của CTTC hiện nay ở mức 13-15% cộng chi phí rủi ro khoảng 5-7%, thêm chi phí quản lý khoản vay khoảng 2-3% đã lên đến khoảng 25%. Sau đó lấy 25% đầu vào cộng thêm biên lãi ròng (NIM) khoảng 5% nữa sẽ thành 30%. Như vậy CTTC muốn hòa vốn sẽ phải cho vay ra lãi suất khoảng 30%/năm, nhưng rủi ro sẽ nằm ở chỗ, nếu thu nhập của người vay bị ảnh hưởng thì mức lãi suất này có thể trở thành gánh nặng, còn chi phí đầu vào của CTTC bị đội lên và thu nhập sẽ lại càng eo hẹp. Chẳng hạn, nếu CTTC phải tăng cường marketing, PR để có một khoản vay thì tất nhiên chi phí sẽ tăng, hoặc nếu không quản lý tốt nợ xấu, tỷ lệ rủi ro tăng lên, tất nhiên chi phí rủi ro cũng tăng.

Một loạt các giải pháp được CTTC lựa chọn để bảo vệ thành quả như giữ tỷ lệ rút tiền mặt trên thẻ ở mức thấp, chẳng hạn: CTTC cấp cho người dân khoản vay qua thẻ (do CTTC phát hành) là 5 triệu đồng, nếu người dân dùng thẻ để chi tiêu, có mục đích rõ ràng thì được chi hết 5 triệu đồng, nhưng nếu đem rút tiền mặt thì chỉ được rút 2,5 triệu đồng. Hay như trước đây ước tính cứ 10 bộ hồ sơ đăng ký vay trực tuyến có một hồ sơ được duyệt thì nay phải đến 16 bộ hồ sơ trực tuyến mới có một hồ sơ được duyệt.

Theo chuyên gia TCTD Đỗ Minh Hải, đơn vị nào quản lý đầu vào tốt có thể chiếm được đôi chút lợi thế. Chẳng hạn với các đơn vị có thể huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài, thay vì chỉ chờ đợi vào nguồn vốn ngân hàng, sẽ có những lợi thế. Nhưng trước mắt, lợi thế này cũng không phát huy quá mạnh, vì xu hướng chung vẫn là phòng thủ, bảo toàn hiệu quả hoạt động hơn là đua tốp, giành thị phần bằng mọi giá.