Trao đổi, mua bán phát thải
Dẫn nguồn unfccc.int, ông Hoàng Thanh Hà (Tổ chức phát triển Hà Lan - SNV) chia sẻ, các loại KNK, nổi bật là carbon dioxide (CO2) thể hiện tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) là 1 với tỷ lệ 76%, methane (CH4) là 28 với 16%... Do đó, kịch bản nóng lên toàn cầu với nhiệt độ bề mặt trái đất tăng 4oC vào cuối thế kỷ 21 có thể xảy ra nếu không có hành động của các quốc gia, tổ chức và các cá nhân.
“Các phương án giảm phát thải KNK đặt ra bốn lựa chọn cho doanh nghiệp: Nộp phí phạt hoặc thuế; tự giảm phát thải tại cơ sở sản xuất; mua tín chỉ giảm phát thải trên thị trường; đầu tư, thực hiện dự án giảm phát thải carbon tại nước khác”, ông Hoàng Thanh Hà thông tin. Đồng thời giải thích, thị trường carbon (thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải KNK), hay tín chỉ carbon là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường, là lượng KNK được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán.
Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp). Trong đó, một bên sẽ trả tiền cho một bên khác để đổi lại một lượng nhất định giảm phát thải KNK. Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon (tài chính carbon) là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm (hay dự kiến làm giảm) phát thải KNK dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Hà, hiện các dự án giảm phát thải KNK về điện khí, điện than, điện dầu, năng lượng tái tạo để hòa vào lưới điện quốc gia sẽ tạo ra phát thải Baseline. Riêng dự án điện khí sinh học sẽ không phát thải. Giảm phát thải ER = phát thải Baseline - 0. Bù đắp carbon theo hạn ngạch phát thải hiện tại theo trần phát thải quy định. Mức phát thải vượt quá quy định sẽ bị buộc phải đóng phí phạt, hoặc chuyển giao tín chỉ.
Tại thời điểm 1/2022, 25 thị trường mua bán phát thải (ETS) đã vận hành, bảy quốc gia dự kiến đưa vào vận hành trong vài năm tới, 15 quốc gia đang cân nhắc. Thị trường giảm phát thải tự nguyện (VCM) đã xuất hiện trước thị trường tuân thủ. Các công ty không nằm trong thị trường tuân thủ muốn giảm, hoặc bù đắp phát thải carbon của chính họ. VCM là không bắt buộc, do đó nhiều tổ chức riêng rẽ bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn riêng để chứng nhận tín chỉ carbon. VCM bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 2005-2006, khi các tiêu chuẩn chứng nhận giảm phát thải carbon ra đời (tiêu chuẩn VCS). “Người mua chứng chỉ tự nguyện luôn quan tâm đến “câu chuyện đằng sau” của dự án, cụ thể là các lợi ích kèm theo như công ăn việc làm cho người bản địa, bảo vệ hệ sinh thái và các cải thiện về sức khỏe”, ông Hoàng Thanh Hà chỉ ra.
Thực hiện mục tiêu NZ
Thực tế cho thấy, ngành năng lượng đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế. Nhưng theo thống kê, ngành năng lượng phát thải khoảng 65% tổng phát thải của toàn bộ nền kinh tế (nguồn: NDC 2020). Tỷ trọng các nguồn năng lượng sơ cấp, than (50,25%) và dầu (25,92%) là nguồn năng lượng sơ cấp chính (số liệu năm 2019). Tỷ trọng năng lượng tái tạo còn rất thấp: Thủy điện (14,19%), mặt trời (0,91%), gió (0,11%) và các nguồn khác (0,02%). Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 43,8 triệu tấn than, trong đó 17 triệu tấn dành cho phát điện.
Về chi phí để tiến tới phát thải ròng bằng “0” (Net zero - NZ), theo Viện Năng lượng, Việt Nam cần đầu tư 532 tỷ USD vào nguồn phát điện và hệ thống truyền tải trong giai đoạn 2021-2045. Báo cáo Vietnam Energy Outlook Report 2021 ước tính cần mức đầu tư hằng năm là 167 tỷ USD (trong đó 106 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, 54 tỷ USD cho lưu trữ và 7 tỷ USD cho hệ thống truyền tải liên vùng), vào năm 2050 theo kịch bản NZ, tương ứng với 11% GDP dự kiến vào năm 2020 và gấp 5-6 lần mức đầu tư theo kịch bản cơ sở.
Về hình thành thị trường carbon, Việt Nam cam kết với nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Mức độ cam kết này có thể tăng lên 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức và phát triển thị trường carbon (Điều 139), theo đó thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù đắp trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Đối với lộ trình phát triển thị trường carbon Việt Nam, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Về mở rộng tiếp cận năng lượng tái tạo thông qua tài chính carbon, ông Hoàng Thanh Hà dẫn dụ điển hình dự án chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam có 53 tỉnh, thành phố tham gia với 181.683 công trình. 1.600 thợ xây, thợ lắp được đào tạo; tạo ra ít nhất 2.500 việc làm cho hoạt động xây dựng và dịch vụ biogas, đem lại lợi ích cho một triệu người dân ở khu vực nông thôn.
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam cam kết đến năm 2030 cắt giảm 9% phát thải KNK và sẽ đạt 27% với sự hỗ trợ của quốc tế. Cam kết này sẽ cần được cập nhật vào năm 2022 để phù hợp với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.