Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Phát huy vai trò văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới

Hội thảo toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” vừa được Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nam cho thấy: Sau 15 năm Nghị quyết 23-NQ/TW đi vào cuộc sống, ở tất cả các thể loại, đề tài được các thế hệ cầm bút tạo nên khát vọng tìm kiếm sáng tạo mới, nhu cầu cách tân nghệ thuật mới.
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy vai trò văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới

Tự do sáng tạo, đa dạng nội dung, phong cách

Gần 160 tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ, các nhà văn, nghệ sĩ công tác ở nhiều cơ quan trung ương, địa phương đều bám sát chủ đề đánh giá kết quả và rút ra những bài học, đưa ra đề xuất, kiến nghị làm cơ sở cho nhà khoa học các cơ quan, đơn vị, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá: Điểm thống nhất dễ nhận thấy từ các nhà khoa học mang đến hội thảo khẳng định văn học, nghệ thuật nước ta 15 năm qua tiếp tục “nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”; “Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao”; “Phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định”.

Diện mạo văn học, nghệ thuật 15 năm gần đây nghiêng nhiều hơn về những vấn đề thế sự, về số phận, vấn đề của con người, của cuộc sống. Con người không chỉ được khai thác ở mặt ý thức mà còn cả phần tiềm thức và vô thức. Những vấn đề thuộc về lịch sử, về đời sống quá khứ như chiến tranh, như cải cách ruộng đất... thường được đề cập đến trong nhiều sáng tác mang tính tư liệu hoặc được phục dựng nhằm lấy cái ngày xưa để nói về cái hôm nay. Những vấn đề của cuộc sống đương đại đang diễn ra phong phú và phức tạp, như sự đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa những người đang điều hành cỗ máy xã hội và những con người của cơ chế thị trường... xuất hiện nhiều hơn trong các loại hình - từ văn học, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật. Lý giải điều này, các tham luận đều tập trung nhấn mạnh: Sự đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng qua Nghị quyết 23-NQ/TW cùng với không khí của đời sống hội nhập, mở cửa giúp con người được tiếp nhận nhiều cái mới, nhiều điều hay; tính dân chủ trong đời sống có những cải thiện rõ rệt. Nhờ có internet, nhiều vấn đề chính trị, xã hội, văn chương ngoài biên giới quốc gia được cập nhật, lan tỏa... Trong môi trường ấy, tâm thế của người sáng tác cũng được cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Sự mở rộng biên độ về hiện thực với nhiều cách tiếp cận đã đưa lại cho văn chương, nghệ thuật sự đa dạng về các mảng khác nhau của đời sống; cách thức phản ánh “cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân” trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Đông đảo nhưng chất lượng chưa tương xứng

Bày tỏ quan điểm “Về các nhân tố tác động đến văn học, nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay”, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng: Kinh tế thị trường tác động đến tư duy, hành vi người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhiều đề tài lớn của nền văn học, nghệ thuật cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều bộ môn văn học, nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một. Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đề nghị tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; không ngừng đổi mới nội dung tương thích hình thức mới, tìm phương thức quảng bá hiệu quả…

Một thực trạng được phản ánh như các tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn, nhưng chất lượng chưa tương xứng số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vẫn còn không ít hạn chế. Di sản lý luận văn nghệ của cha ông chưa được nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo, trong khi những biểu hiện tiếp thu thiếu chọn lọc chậm được khắc phục. Hoạt động phê bình mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò đồng hành, đồng cảm, thật sự góp phần kịp thời điều chỉnh, định hướng đối với sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thưa vắng ở hầu khắp các loại hình nghệ thuật…

Những hạn chế, thiếu sót đó được các đại biểu rút ra từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là quyết định. So với đòi hỏi của thực tiễn, việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết bằng pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chậm đi vào cuộc sống. Chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ còn thấp; chưa chú trọng đúng mức công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về văn học, nghệ thuật. Việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động văn học, nghệ thuật của nhiều địa phương gặp khó khăn. Công tác tổ chức và hoạt động thực tiễn của các hội văn học, nghệ thuật tuy có đổi mới, nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những hạn chế, bất cập đó đã tạo ra những “điểm nghẽn”, “lực cản” cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.

Cần tiếp tục tạo nguồn lực

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đã nhận được nhiều quan tâm. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá Nghị quyết 23 đã được Chính phủ, các địa phương quan tâm, đầu tư cho văn học, nghệ thuật. Rất nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan văn học, nghệ thuật được triển khai, tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho phát triển văn học, nghệ thuật. Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật. Cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, phát huy tiềm năng, kích thích tiềm năng sáng tạo, giáo dục định hướng, bồi đắp lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Có thể thấy, hội thảo đã thêm nhiều tiếng nói nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Muốn nền văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, cần ưu tiên xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm.