1/Cùng với đó, theo Chủ tịch Hội đồng - PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Hội đồng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học; hoàn thành các đề tài lớn như: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”; “Văn hóa trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”; “Tư tưởng lý luận văn nghệ trung cận đại ở Việt Nam”; “Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX”; “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”; “Văn học, nghệ thuật Việt Nam qua 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập và phát triển”…
Còn phải kể đến nhiều cuộc khảo sát thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước; nhiều hội nghị tập huấn dành cho các cán bộ lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ. Cùng với đó là các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nhân các sự kiện trọng đại của đất nước, tôn vinh các danh nhân văn hóa và cách mạng tiêu biểu… Đến thời điểm hiện tại, có 248 tác phẩm đã được trao tặng thưởng của Hội đồng. Ngoài ra còn có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo.
2/Ghi nhận những thành quả 20 năm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã điểm bốn dấu ấn nổi bật. Cùng với đó, đề nghị Hội đồng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và các phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa, văn học, nghệ thuật; từ đó cụ thể hóa thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác của Hội đồng trong thời gian tới. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu 5 nội dung nhằm gợi mở suy nghĩ và tổ chức hoạt động.
Trong đó có những gợi ý đối với Hội đồng rất bám sát thời cuộc như: nâng cao khả năng phát hiện, dự báo, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có hệ thống đối với những vấn đề lớn đang đặt ra; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật trên thế giới; từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; mở rộng các diễn đàn học thuật, nâng cao tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, nhằm nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình; phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ; nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình; tham gia giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn học, nghệ thuật của dân tộc, nhất là các thành tựu sau gần 40 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến với bạn bè quốc tế; phối hợp sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Tạp chí điện tử https://lyluanphebinh.vn đã được Hội đồng và Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chính thức khai trương. Đây được xem là sự nối dài kênh thông tin, mở rộng diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật về văn học, nghệ thuật trên nền tảng số và kết nối internet.
3/Từ những gợi ý trên, suy ngẫm về phương thức thực hiện, có thể thấy rằng, rất cần thúc đẩy sự kết nối, hợp tác của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các Hội đồng lý luận, phê bình trực thuộc các hội nghề nghiệp về văn nghệ; rộng hơn là nhiều cây bút nghiên cứu, phê bình có uy tín trong xã hội. Từ đây nhằm kiến tạo những sự kiện, diễn đàn chung đi sâu vào những lĩnh vực, vấn đề cụ thể của văn học, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian… Qua đó càng góp phần mở rộng đội ngũ cộng tác viên của Hội đồng. Và như thế, lại càng có thể tăng cường lực lượng thỉnh giảng, báo cáo viên, làm phong phú, đa dạng hơn cho các đợt tọa đàm, hội thảo, tập huấn do Hội đồng tổ chức.
Bên cạnh đó, nhìn vào bất cập kéo dài của tình hình đãi ngộ, thù lao còn thấp đối với người làm công tác lý luận, phê bình và các tác phẩm của họ, mong sao Hội đồng sẽ tư vấn nhiều hơn với Đảng, Nhà nước về việc cải thiện và tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện. Việc này có thể triển khai qua các tọa đàm, hội thảo chuyên về chủ đề sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế nhằm tạo thuận lợi hơn cho giới nghiên cứu phát huy năng lực. Tin rằng sẽ có nhiều băn khoăn được bày tỏ, cùng những đề xuất tích cực, không kém gì các văn nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn khi nói về chế độ bồi dưỡng, thù lao của mình.
20 năm, đặc biệt là thời gian qua, hình ảnh, tiếng nói và sự tác động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đang được thể hiện sâu rộng hơn. Mong rằng từ dấu mốc hai thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều hoạt động nâng cao vai trò, tiếng nói của lý luận, phê bình nói chung trước công chúng, xã hội.