“Ông Khì Xưa”

Khi tôi còn bé tí teo thì “Ông Khì Xưa” đã già rồi. Tóc ông bạc phơ phơ như hoa cỏ chanh cuối mùa thu trên mấy quả đồi nơi chúng tôi hay đi chăn trâu. Chòm râu của “Ông Khì Xưa” dài đến ngang ngực lại có mầu trắng trong như cước. Cứ ra khỏi nhà là “Ông Khì Xưa” cầm cây gậy đi theo nhưng thi thoảng mới thấy ông chống gậy xuống đất. Ông bảo, cầm gậy đi cho yên tâm, phòng xa chẳng bao giờ thừa, tuổi già, biết sao những lúc trái gió, giở giời, đầu váng, chân run!

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Lũ trẻ chăn trâu trong làng chúng tôi gọi ông là “Ông Khì Xưa” vì ông hay kể “chuyện khì xưa”. Hỏi sao cứ nói là “chuyện khì xưa” mà không nói “chuyện ngày xưa”, ông bảo, vẽ chuyện làm gì, các cụ vẫn nói “chuyện khì xưa” có chết ai đâu! Ông có một kho không biết bao nhiêu là “chuyện khì xưa”, từ chuyện trong làng, ngoài xã, chuyện trong nước ta, bên nước Tàu, nước Tây, chuyện ma quỷ trêu người, thần thánh hiển linh cứu giúp người tốt, trừng phạt người xấu... Đôi khi là những chuyện về chính cuộc đời ông. Bất cứ chuyện gì, khi ông kể lũ trẻ cũng há hốc mồm ra mà nghe. Vậy nên đứa nào cũng thích đi chăn trâu với “Ông Khì Xưa”, để được nghe ông kể “chuyện khì xưa”.

“Chuyện khì xưa” của ông ấy bao giờ cũng có gốc tích cụ thể, chứng lý rõ ràng, nên lũ trẻ tin lắm. Ví như ông kể chuyện ông Lân Hổ: “Khì xưa, làng ta có một người con giai văn hay, võ giỏi, tên là Lân Hổ. Vào một năm nọ, có quân xâm lược phương Bắc xâm phạm bờ cõi. Nhà vua triệu ông Lân Hổ về kinh, phong làm tướng tiên phong cầm quân đi đánh giặc. Ông Lân Hổ đánh thắng hết trận này đến trận khác, làm cho quân giặc nghe tên ông mà khiếp đảm, kinh hồn. Một lần chẳng may đoàn quân của ông Lân Hổ rơi vào nơi quân giặc mai phục, ông chưa kịp trở tay đã bị giặc chém đứt đầu rơi xuống đất. Ông Lân Hổ vội xuống ngựa, nhặt đầu đặt lên cổ, rồi lại nhảy lên ngựa xông lên giết giặc. Giặc tan, ông dẫn quân chạy về làng quê. Đến gốc đa đầu làng, ông hỏi bà già bán nước: “Bà ơi, người bị chém đứt đầu có còn sống được không?”. Bà già bán nước thật thà trả lời: “Đứt cổ thì chết, sống sao được!”. Nghe vậy, ông Lân Hổ ngã xuống ngựa mà chết”. Lũ trẻ xuýt xoa: “Tiếc cho ông Lân Hổ quá, sao bà già bán nước không nói là sống có tốt không nhỉ?”. “Đời là thế! Ai cũng nghĩ thật thà là tốt, nhưng thật thà đâu phải lúc nào cũng tốt!”, ông nói. “Nhưng mà sao đánh giặc xong, ông Lân Hổ lại chạy về làng?”, lũ trẻ thắc mắc. Ông bảo: “Con người ta ai cũng có làng, như chim có tổ, như cây có cội, như sông có nguồn. Lúc trẻ khỏe thì xông pha ngang dọc, thỏa chí tang bồng; lúc gian nguy, khốn khó hay tuổi già, ai rồi cũng mong được trở về với làng, nơi chôn nhau, cắt rốn”. Có đứa trẻ lại hỏi: “Ông Lân Hổ có thật không ông ơi?”. Ông bảo: “Chú mày rõ thật là! Chẳng có thật sao làng ta xây đền thờ ông ấy!”...

“Ông Khì Xưa” là người rất coi trọng lễ nghĩa, tôn ti, trật tự trong gia đình, họ tộc, xóm giềng, từ cách ứng xử theo vai vế, tuổi tác, đến lời thưa gửi, chào hỏi. Ông bảo, người ta sống ở đời phải có trên dưới, có trước sau. Người trẻ không tôn trọng người già cũng như cái cây mục từ gốc; con cái không tôn trọng cha mẹ cũng như nhà không có mái. Có một hôm, ông đang dắt trâu đi trên đường vào làng, bỗng có một người đạp xe đạp từ phía sau đi tới. Anh ta vừa khua chuông, vừa bóp phanh dừng khựng xe bên cạnh ông, nhướng mắt kính nhìn ông mà không nói, ngầm ý là “ông đi choán hết phần đường, làm cho tôi không đi qua được”, rồi lại đạp xe đi tiếp. Một lát sau, anh chàng nọ dắt xe đi ngược lại gặp “Ông Khì Xưa” và hỏi đường vào nhà ông chủ tịch xã. Nghe vậy, “Ông Khì Xưa” đoán chắc đó là cán bộ cấp trên về xã. Ông chỉ đường xong còn giữ anh ta lại mà hỏi nhẹ nhàng: “Tôi hỏi khí không phải, ông cụ thân sinh ra anh có mạnh khỏe không?”. Anh cán bộ sốt sắng trả lời: “Dạ, cháu cảm ơn cụ đã hỏi thăm, bố cháu mất lâu rồi ạ!”. “À ra thế,-“Ông Khì Xưa” nói-Anh đi bình an!”. “Sao ông chỉ nói “À ra thế” mà không mắng cho anh cán bộ về tội không chào người già?”, có người thắc mắc. Ông bảo: “Tôi nói vậy là không mắng sao? Còn hơn mắng ấy chứ! Vì ý tôi bảo, thì ra là bố anh chết nên không ai dạy anh biết tôn trọng người già!”. Vậy nên người làng tôi bảo “Ông Khì Xưa” vừa khéo, vừa thâm!”.

Đã đến tuổi 80 rồi, “Ông Khì Xưa” vẫn cuốc đất trồng sắn, quai búa bổ gốc tre làm củi. Ai hỏi “Ông Khì Xưa” làm sao khỏe thế, ông bảo: “Cứ làm lụng chăm chỉ, không thù hận, không gây điều ác với ai, trời khắc chứng cho sức khỏe!”. Người làng kể rằng, thời trẻ, “Ông Khì Xưa” được đi học chữ Nho ở một thầy đồ trong làng. Học hết chữ của thầy thì nhà cũng hết tiền, hết gạo đóng học. Vậy là “Ông Khì Xưa” lại làm ruộng như đời cha, đời ông mình vẫn làm. “Ông Khì Xưa” làm lụng chăm chỉ có tiếng trong làng. Cày cấy xong mấy sào ruộng của nhà, lại đi làm thuê. Có đận ông đi gặt thuê, xong vụ gặt, chủ nhà cắt xén tiền công chỉ còn phân nửa. Về nhà, vợ ông buồn, trách ông sao không đòi nhà chủ cho bằng được. Ông bảo: “Người giàu bao giờ cũng khôn ngoan, chặt chẽ. Khi định cướp công của mình, người ta đã chuẩn bị chứng lý cả rồi. Mình là người làm thuê, quyền gì, lý gì mà đòi”. Vợ ông nghe vậy giận lắm. Ông lại bảo: “Giận thì phỏng có ích gì? Trời có mắt cả đấy. Có phúc thế nào rồi trời cho cũng có phận. Những người làm điều ác thì thế nào rồi trời cũng hành. Không khá được đâu!”. Đến hồi cải cách, chủ nhà ăn chặn tiền công của “Ông Khì Xưa” hồi nào bị đưa ra đấu tố, nhiều người khuyên ông ra kể tội, đòi nợ. Ông không ra mà bảo: “Người ấy ác thế chẳng qua cũng do tham mà tối dạ, tối mắt. Đến khi người ta gặp nạn, mình còn rủa xả, hành hạ, chẳng hóa ra mình cũng tham, cũng ác sao?”.

Rồi một hôm, “Ông Khì Xưa” đang cuốc đất trong vườn nhà thì bị cảm. Nghe tin “Ông Khì Xưa” bị ốm, lũ trẻ trâu trong làng rủ nhau tới thăm. Một đứa bảo: “Ông ơi, ông mau khỏe để kể chuyện khì xưa cho chúng cháu nhé. Vắng ông, chúng cháu đi chăn trâu buồn lắm vì không có ai kể “chuyện khì xưa!”. “Ông Khì Xưa” bảo: “Ông chỉ nghỉ mấy ngày rồi lại khỏe để đi chăn trâu, kể “chuyện khì xưa” như mọi khi. Các cháu đừng lo! Với lại, năm nay ông đã 90 tuổi rồi, nếu có mệnh hệ gì thì thế nào rồi lại có người khác kể “chuyện khì xưa” cho các cháu nghe!”.

Nhưng rồi vài ngày sau, “Ông Khì Xưa” đã ra đi mãi mãi. Từ bấy giờ, chúng tôi cứ chờ mãi, chờ mãi, mà không có ai kể “chuyện khì xưa” như “Ông Khì Xưa” nữa. Vậy là lũ trẻ trong làng đành phải tìm đọc những “chuyện khì xưa” trong sách, báo và internet.

Hà Nội, cuối đông 2021