Món ăn ký ức

Đương nhiên rồi, trong văn hóa ẩm thực chẳng thể tìm đâu ra món ăn có tên gọi “ký ức”. Ký ức chính là hiện thực cuộc sống ta đã đi qua nhưng nó vẫn được lưu giữ trong tâm hồn. Tết thời bé chính là một phần sâu đậm của ký ức khó quên. Tết nhớ. Mưa bụi lay phay. Gió bấc còn se buốt. Bầy pháo tép mặc áo hồng đu bám vào dây chờ được châm nổ đì đoàng. Đồng tiền lì xì một hào tươi tắn vào sáng mồng Một. Mầm lá trong vườn lấp lánh nhìn ta. Những loài hoa chỉ nở vào mùa chim én bay như đào, mai tô điểm cho ngày xuân càng đẹp.

Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG
Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG

Tết có nhiều cái để nhớ. Những món ăn ngày Tết do bà, do mẹ làm ra. Thường nghe người ta nói “ăn Tết”. Ba ngày Tết là để nghỉ ngơi và ăn chơi. Ba ngày Tết mới có nhiều món ngon để ăn. Ngoài những món ăn chung của người Việt thì mỗi vùng miền lại có các thức riêng. Tôi nhớ lắm mùi khói ấm áp, thơm nức bay ra từ bếp và đường viền của lửa trên bờ vai mẹ, của bà. Tết Việt trong quá khứ khó quên bởi cái sự cặm cụi chăm chút cho bữa ăn cuối năm, đầu năm của những người phụ nữ. Lẫn trong tiếng lửa cười rung rinh có giọng nói dịu lành của mẹ và hơi trầu nồng cay của bà. Mẹ và bà tôi đã khuất xa nhưng trong hình dung của tôi, người đã từng làm ra những mâm cỗ đoan trang và bữa ăn đoàn tụ vẫn về nhà “ăn Tết” với cháu con bây giờ.

Tết quê tôi sum suê nhiều loại bánh ngon. Bánh chưng, bánh tét. Thứ bánh để dâng cúng tổ tiên, ông bà và để ăn vào mấy ngày Tết mặc nhiên không thể thiếu được. Sự tích bánh chưng, bánh dày tôi đã biết từ thời con nít ê a. Yêu hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo cũng từ nồi bánh chưng, bánh tét bập bùng lửa đêm ba mươi và hương vị thơm dẻo ngon không tả hết của nó. Nguyên liệu chính làm bánh chưng, bánh tét chẳng khác gì nhau. Chỉ khác bánh chưng như chiếc hộp vuông theo cách nghĩ “trời tròn đất vuông” của tổ tiên ta ngày xửa ngày xưa, còn bánh tét thì gói thành hình trụ dài. Bánh tét cắt ra thành những lát tròn bày vào đĩa nom xinh xắn như bông hoa mầu trắng có nhị vàng. Trắng ấy là mầu của gạo nếp, vàng là mầu của đỗ xanh. Tôi và lũ em dùng đũa tre găm vào lát bánh giơ lên trước mặt như muốn khoe bông hoa bánh của mình. Nhớ lắm đấy bánh xoài nghe; mùi thơm của bột dong hòa trộn mùi trứng gà, mùi đường ngọt bay lên từ khuôn nóng. Nhà nào cũng làm bánh xoài để tiếp khách đến chúc mừng năm mới hay cho bọn trẻ ăn trong và sau Tết. Bánh xoài rất lành với trẻ nhỏ.

Khi bố tôi dán lên vách nhà những câu đối đỏ cũng là lúc mẹ tôi đi tới ngó lui mấy thẩu dưa hành, dưa kiệu, dưa món. Tôi còn nhớ món chuối cá đặc sắc tự tay bố làm. Những quả chuối sứ chan chát được luộc kỹ, sau đó vớt ra ép cho hết nước rồi dùng dao mỏng khía lên đó hình xương cá và dầm vào nước mắm pha đường hơi ngọt trộn lẫn ớt tỏi giã kỹ. Món chuối cá là sự tổng hòa vị chát của chuối, vị ngọt của đường, vị cay của ớt, vị thơm của tỏi, vị mặn của nước mắm cá cơm Biển Đông. Đấy là những món ăn không thể thiếu kèm theo thịt lợn. Mỗi khi nhắc đến Tết Việt là chúng ta nghĩ ngay đến câu thơ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, cũng như hàng trăm đời nay khi năm hết xuân về người ta đã như thế rồi. Người Việt ưa sự cân đối, cân bằng như muốn cái ngay ngắn, chỉn chu.

Tết bây giờ quá nhiều sự lựa chọn cho mâm cỗ và bữa ăn. Siêu thị, chợ truyền thống rải khắp nơi. Và, những người bà, người mẹ cũng không phải mất công nhiều lắm cho công việc ẩm thực. Cái từ “ăn Tết” có vẻ như đã lỗi thời mà hợp thời hơn phải là “chơi Tết”. Dù là “ăn Tết” hay “chơi Tết” thì ý nghĩa cốt lõi của Tết ta vẫn là sự tri ân người đi trước, vẫn cầu mong an lành, sum vầy, may mắn cho mọi người, mọi nhà. Hai năm trải qua đại dịch Covid-19, ta càng thấm thía hơn sự bình yên và đoàn tụ.