Túi tiền mừng tuổi

18 năm rồi, tôi không nhớ chiếc túi hình gì nhưng chắc chắn là sặc sỡ và rất đẹp, bởi cháu tôi là cháu gái. Cô cháu gái tên ở nhà là Muỗi, sinh giữa tháng 12, đến Tết ấy vẫn còn ẵm ngửa.

Minh họa: Lê Anh Vân
Minh họa: Lê Anh Vân

Ngày ấy, xóm giềng vẫn đến chúc Tết nhau rộn ràng. Họ hàng ở quê cách 17 cây cũng từng nhóm vào nhà tôi lễ Tết. Bố tôi còn công tác nên các thầy, cô trong trường đến chơi khá đông. Nhà có cháu bé, đương nhiên có nhiều người hỉ hả vài đồng mừng tuổi lấy may. Vài đồng thôi, như thế cũng đủ vui lắm rồi!

Tôi mới học năm thứ nhất đại học, mải tíu tít với bọn bạn cấp 3. Vừa xa nhau vài tháng đến môi trường mới, đứa nào trông cũng lạ lẫm, lột xác hẳn. Cả lũ xi xao hỏi han trường mới lớp mới, chỗ ăn ở, cho nhau địa chỉ hẹn ra xuân đến chơi. Thế rồi rồng rắn đi hết nhà nọ nhà kia, cũng cử một đứa làm đại diện chúc Tết người lớn, oai ra trò.

Cứ mải vi vu như thế, mỗi khi về nhà, chạy vào thơm Muỗi một cái, tôi lại thấy chiếc túi đựng tiền mừng tuổi của cháu phồng lên một tí. Chả qua là vì nó ở sát giường nên đôi khi va mắt vào. Lúc ấy, tôi lớn cồ rồi, chẳng ai mừng tuổi nữa, cũng chưa có tiền để mừng cháu nên cũng chẳng quan tâm.

Mấy ngày Tết trôi qua vui vẻ, cho đến khi cúng tiễn các cụ xong, anh chị tôi sắp xếp đồ đạc để trở về Vĩnh Yên. Tôi không nhớ năm ấy trời có rét lắm không, chỉ biết là taxi chưa phổ biến như bây giờ, vả lại chưa có điều kiện nên anh cả tôi phải chở chị dâu bế Muỗi bằng xe máy đi 20 cây số. Trên chiếc xe máy mầu xanh chất đầy đồ đạc quần áo lẫn tã, khăn đủ mầu sắc.

Một lúc sau, chợt thấy xe quay trở về. Chị dâu mặt thất thần, bảo không thấy chiếc túi đựng tiền mừng tuổi của Muỗi. Mấy chị em chúng tôi đi tìm khắp nhà. Lật chiếu, bỏ đệm, giũ chăn gối, nhấc cả dát giường, soi đèn pin, lùa gậm ghế, ra cả vườn, tìm không thiếu chỗ nào. Tiếp đến là dỡ hết cả những túi quần áo chất trên xe máy xuống, lật từng cái ra để kiểm tra. Ngổn ngang chăn, tã, những bộ áo quần bé xíu song tịnh không thấy bóng dáng chiếc túi đựng tiền mừng tuổi đâu. Nó chỉ bằng tầm bàn tay của người lớn nhưng vì nhiều đồng năm nghìn, mười nghìn, hai nghìn nên căng tròn lên. Lại còn dây đeo, chẳng nhẽ không cánh mà bay?

Cuối cùng, cả chiếc chăn cuốn ủ ấm trùm kín người Muỗi cũng được gỡ ra, vì bình thường lúc có khách đến nhà cháu vẫn đeo túi vào người để ai nấy đều tiện tay nhét tiền vào… đỡ phải đùn đẩy. Cũng vẫn chẳng thấy đâu. Tắt hết niềm hy vọng, anh chị tôi đành chất đồ lên xe rồi đi.

Anh chị đi rồi, tôi vẫn ngồi một chỗ mà ngẫm nghĩ. Liệu chiếc túi ấy có rơi dọc đường hay không? Chứ mấy chị em chúng tôi tuyệt nhiên chẳng đứa nào dám ăn cắp. Những năm ấy nhà tôi dù đã khá hơn trước nhiều nhưng vẫn còn nghèo lắm. Nhưng, cho dù nghèo đến mức tháng nào cũng bị bêu tên trước lớp vì đóng học phí muộn, nghèo đến mức triền miên không biết đến mùi thịt, nghèo đến mức quần áo phải mặc lại của các dì, cái cặp xách hai chị em phải chờ nhau đổi ca đứa học sáng đứa học chiều thì chúng tôi cũng chưa bao giờ ăn trộm bất cứ một cái gì.

Tôi ngồi tìm lại một lần nữa và cả những ngày sau, thi thoảng cuối tuần về nhà, lại vẫn tìm. Tôi biết, anh chị tôi còn đang ở nhờ trong căn phòng nhỏ cơ quan. Lương ra trường chưa lâu nên lương còn thấp. Chiếc túi đựng toàn bộ số tiền mừng tuổi của cả hai bên nội, ngoại với những đồng tiền lẻ nhưng có lẽ cũng gom lại được một món, giúp cho cuộc sống bớt khó khăn hơn khi nuôi con nhỏ. Hơn nữa, đó cũng là chút may mắn đầu năm.

Nhưng tôi còn tìm chiếc túi, như cố để chứng minh rằng, chúng tôi không đứa nào ăn cắp, dù chẳng ai nghi ngờ, chẳng ai nhắc lại. Cho đến bây giờ, 18 năm trôi qua, Muỗi đã trở thành sinh viên đại học năm thứ nhất như tôi ngày xưa, câu chuyện về chiếc túi mừng tuổi của cháu có lẽ anh chị tôi quên lâu rồi. Còn tôi, vẫn thi thoảng nhói lòng, không hiểu chiếc túi ấy rơi đâu, lẫn đâu, như một niềm bí mật giấu kín không bao giờ có câu trả lời.

Căn nhà xưa đã nhiều lần sửa sang, không còn nhiều dấu tích xưa, mà Tết này tôi vẫn muốn lục tìm. Bây giờ thì tôi đã hiểu, tìm chiếc túi, không phải chỉ là để tìm tiền, tìm niềm hy vọng, tìm bằng chứng cho việc chị em tôi không động vào chỗ tiền ấy. Điều đó quá nhỏ bé so những biến động, thăng trầm của một gia đình, những đời người.

Tôi muốn tìm lại, phải chăng là những ký ức ấu thơ, những ngày anh em tôi còn quây quần bên nhau. Và dù, bây giờ không phải lúc nào cũng được hưởng những cái Tết đoàn tụ như xưa, nhưng chúng tôi càng thương yêu, nhường nhịn nhau hơn lúc trẻ con chí chóe, chăm lo cả cho những đứa cháu như con ruột của mình, để dịp nào gặp nhau cũng là Tết. Bởi tất cả đều đã lớn, đã trưởng thành, đã đi đến nửa đời người, ai cũng hiểu, mọi thứ đều có thể biến đổi, riêng gia đình thì chưa bao giờ vơi cạn giá trị bao trùm, trong đó có sự hy sinh, trách nhiệm và tin tưởng. Đó chính là cách mà chúng tôi trao truyền lại “gia sản” quý báu nhất mà bố mẹ tôi để lại cho các con, các cháu của mình.