Lại về với núi

Tôi coi nơi ấy là nhà. Nơi muôn loài chim rừng, chẳng mấy khi nhìn được, chỉ nghe hót vang vang từ sáng thấu chiều. Nơi những loài hoa rực đỏ kiêu hãnh nở và tàn trong sương. Lần nào bà con cũng trách: “Sao không về vào mùa lúa chín?”…

Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Bây giờ mùa xuân, rừng núi đầy sương, dâng ngập mọi ánh nhìn, xuyên qua ánh nắng. Sương tràn cả vào gian bếp người mẹ già áo chàm sưởi lửa, chiếc ấm cạnh bà reo sôi như reo vui. Một sáng, tôi bước xuống con thuyền neo cạnh hồ sông Đà, nhổ neo và cứ thế trôi trong sương. Giọng cô gái Mường vọng ra: “Nước hồ không lạnh đâu, chạm tay xuống sẽ thấy ấm như đun ở bếp nhà mình!”. Tôi soi mặt hồ, cảm giác gặp những đôi mắt nhìn lên trời không chớp, muôn nếp nhà khói tỏa thành mây. Ngày xưa, lòng hồ là thung lũng trù phú, hàng trăm nóc nhà sàn năm gian rộng rãi nối nhau. Mùa màng, lúa ngô theo chân người từ nương về bản. Khi có thủy điện, nhà cửa, con người… từ thung lũng dời lên sườn núi. Những nếp nhà thoạt đầu chẳng chịu cảnh chon von. Dựng lên, bất ổn, lại dời. Con người thì có khi bế bồng nhau vào tận vùng kinh tế mới trong Tây Nguyên mãi lại cùng về xóm nhỏ. Mỗi mùa nước cạn và trong, người đánh cá vẫn nhìn xuyên mặt nước, ưu tư dấu vết bản xưa. Những mờ vết quanh co, những hình hài mâm xôi, lòng chảo.

“Đến nhà rồi thì vào đi chứ!”. Tôi thường nhớ câu chào của những người phụ nữ nơi núi rừng thăm thẳm. Bàn tay không ngừng dệt cửi, se lanh, nấu bếp… nhưng đôi mắt đã dõi phía bậc nhà sàn. Tôi lại thích đứng ở đó. Cảm giác trước mặt, sau lưng, phải trái cao thấp… đều được vỗ về bởi một mái nhà, khoảng sân, mảnh vườn ấm áp. Khoảnh khắc ấy mang đến cảm giác mơ hồ, rằng một lần nào đó trong đời, mình đã đặt chân tới rồi, cũng đứng trên bậc nhà sàn, cũng nghe các bà, các mẹ nói và chim muông thay khách đáp lời... Sự yêu thương, gần gụi nảy nở từ chính cõi lòng ta, như nắng sẽ làm ấm sương, như mặt hồ hắt bóng hào quang.

Đón tôi luôn là những người em gái. Trang, thiếu nữ Mường Ạu Tá có làn da nâu, đôi mắt sâu và đẹp, thường chở tôi bằng xe máy, băng đèo, vượt dốc, từ bản mình đi khắp vùng Đà Bắc. Cô có tuổi thơ vất vả, sống cùng ông bà nội, bố mẹ suốt bao nhiêu năm lênh đênh trên thuyền bán hàng khắp hồ sông Đà. Một cô em gái khác dân tộc Dao áo dài, làn da căng nhức, ửng hồng, đôi gò má hơi lấm chấm tàn nhang, vết dấu nhọc nhằn nhưng cũng điểm tô cho vẻ đẹp trở nên sâu thẳm. Trên đầu cô, tóc được búi gọn đằng gáy, phía trên vầng trán là vạt khăn quấn khéo léo như một vành mũ mầu đỏ rực, những tua rua len mầu xanh chấp chới. Vẻ đẹp tựa bức họa, có cánh hoa chuối rừng ôm những nhụy xanh non đang chờ ngày đậu quả trùm khẽ lên mái tóc đen mượt. Rồi tôi chợt nhớ Duyên, cô gái Dao tiền ít nói, ngày đi hái chè thuê, đêm theo đoàn văn nghệ. Gặp cô từ hồi thiếu nữ, nay Duyên đã ba con, vẫn nụ cười hồn nhiên sau mỗi nhịp bước rung reng bạc trắng trên khăn, trên váy.

Những người mẹ già, những cô em gái ngóng chờ bên bếp lửa. Ngay ở chính những dáng ngồi lam lũ, thản nhiên ấy, tôi gặp những ngọn núi mầu chàm, thẫm dần trong chiều muộn và sáng bừng mỗi ban mai. Ngọn núi ấy lúc nào cũng chở che, đón đợi, dẫu ta không phải là con của núi. Trong góc vườn xuân ở miền sơn cước, vẫn loáng thoáng, dịu êm hoa chanh, hoa bưởi…, thứ sắc hương lôi cuốn con người ở cảm giác nhiều hơn. Từ đó, tôi thường bị dẫn dụ quay về ký ức ngày thơ bé, đầu trần chân đất đùa nghịch trong con ngõ gạch lên rêu, trèo đống rơm ấm mùi khói bếp. Tiết trời khoan thai, chậm rãi mà con người đã bắt đầu tính chuyện ngược xuôi. Đàn ông trong làng khăn gói bước lên những chuyến bè gỗ ngược ngàn cho kịp con nước. Thuở ấy, tôi chưa từng nghĩ, đó đều là nơi chốn sau này mình luôn khao khát được trở về.