Gõ cửa xin món Tết

Bà bác tôi hồi khỏe, liền trong hàng chục năm, gần như mùa đông nào cũng thu xếp để trước xuân từ Pháp về Hà Nội ăn Tết.

Tranh: Lê Anh Vân
Tranh: Lê Anh Vân

Tết Tây trôi nhanh trong guồng quay cấp tập công việc của người bên đó. Hai ông bà cao tuổi rồi, đâu phải làm lụng công cán gì nữa. Mà nếu kể như ăn Tết gia đình thì con cháu ông bà cũng đông đúc lắm, đủ thành một cộng đồng nhỏ Việt-Pháp, đến đời cháu, chắt… thì pha trộn Á, Âu các nước khác nữa, có thể sinh hoạt Tết nhất với những việc lễ lạt, hương hoa, bánh trái mà bà bác nhớ nằm lòng. Ngày thường làm sẵn bánh cuốn, nem rán, thổi xôi… cho các cháu đến ăn rồi mang về đã là một niềm vui của bà bác.

Nhưng về với Hà Nội của ấu thơ, của thời trẻ trung ngày ngày đi làm qua Bờ Hồ, của những tháng năm đầu lập gia đình, với thầy, mợ, các anh chị em mang theo nghề thêu của nhà dắt díu nhau tản cư làng quê Thường Tín, rồi về lại những phố Hàng trong lòng đô thành tạm chiếm, thì có thể nào không cố mà về để sống lại những ngày tháng rưng rưng ấy cho được. Bà bác về, tự tay luộc gà, đồ xôi, cuộn nem, thái giò, ninh măng, viên mọc nấm hương, nấu canh bóng… thắp hương các cụ. Những cuộc gói bánh chưng thì cứ theo nhau diễn ra qua khắp các nhà. Bà bác tỉ mỉ lau khăn bông sạch từng chiếc lá dong một cách thành kính. Cả Tết, bà bác chụp nhiều ảnh, có năm bảo quay camera để về bên kia cho con cháu biết ăn Tết ở quê mẹ, quê bà, quê cụ.

Tất nhiên là chẳng để riêng bác vất vả, cả đàn cháu ở Hàng Mành, Hàng Trống, Quan Thánh… cơ mà. Một không khí sum họp trong những ngày ông Công, ông Táo và giáp Tết kéo đến tận khi hóa vàng cứ rôm rả việc này việc kia, chợ này món nọ theo bà bác “tổng chỉ huy”. Những món ăn mà không phải như ta hay nói là thời đói ăn khốn khó mới thấy ngon, thấy thèm. Đành là như thế khi quanh năm thiếu thốn, người lớn trẻ nhỏ trông vào mấy ngày lễ, Tết, giỗ chạp để “cải thiện”. Giờ đủ đầy, ê hề, vẫn thấy thức ngon truyền thống ngày xuân có hương vị, không khí đặc biệt của nó. Một không khí của bao nhiêu thành tâm, thương mến quyện vào.

Nhớ về tuổi nhỏ, là những chuyến xe đạp bố mẹ chở chúng tôi Hà Đông-Hà Nội cuối Chạp, đầu Giêng, ăn cỗ “lần lượt” nhà nội, về làng quê Tả Thanh Oai cách Hà Đông có mấy cây số chúc Tết quê ngoại, đến nhà nào hầu như chả phải “nhấm nháp” chút gì. Nhớ nguyên cảm xúc phấn khích mồng Hai hóa vàng, “lao vào” mâm cỗ cùng cả đám trẻ quê mình “tranh giành” những món quen thuộc, vẫn là gà luộc, canh khoai tây nấu xương, xu hào xào lòng, tiết gà, miến, xôi đậu xanh với thịt lợn luộc… Quê thì cũng thiếu thật, một hai bà “điều hành” một mâm trẻ con ăn uống xôn xao, rào rào như tằm ăn rỗi. Giờ vẫn thấy vui thích ở cái không khí không bao giờ có lại ấy. Có khi đi một vòng họ hàng quê ngoại lại “thu hoạch” mấy cái bánh chưng dày mỏng khác nhau của mỗi nhà. Cả bánh chưng nhà gói, cả bánh được cho, treo lủng lẳng lan-can gác xép đến gần hết tháng Giêng. Chẳng thừa, chúng tôi có cả một tuổi thơ ăn bánh chưng rán đi học những ngày sau Tết.

Chiếc bánh chưng tròn ăn ở nhà người thầy quê Bắc Giang làm tôi ngạc nhiên, cả bánh tròn đều hình trụ như… cái ống nước. Đứng trong bếp rán bánh, miệng thầy cắn chắc một đầu lạt, một tay cầm thân bánh, một tay bóc lá, lột xuống rồi khoanh tròn sợi lạt kéo siết, cắt từng khoanh bánh tròn đều. Những hình tròn xanh mát thành vỏ, trắng mịn viền bánh, tiếp vòng trong vàng chuyển hơi sẫm mầu đậu, ruột mầu nâu nhạt của thịt nhừ lấm chấm đen hạt tiêu trông càng thơm ngon. Năm, sáu miếng “xòe” ra trong chảo sôi lăn tăn như những cánh hoa. Sau này tôi biết chẳng riêng nơi tạm gọi là xa như Bắc Giang mới có bánh chưng tày đậm dấu vết trung du miền núi ấy, mà ngay Đông Anh đây thôi, cậu em giảng viên-nghệ sĩ kịch nói và cô bạn đồng nghiệp về quê sang cũng đã cho tôi những chiếc bánh chưng tròn vỏ lá bóng mượt mỡ màu, nâng lên thơm nức gạo, thịt chín, pha mùi lá luộc thanh thanh, xếp cạnh nhau tăm tắp như đàn lợn con.

Thật ra bây giờ đồi gò san đi nhiều, rừng rú đã quang, mình tưởng là đồng bằng kéo dài rộng những vùng bằng phẳng, chứ xưa kia, ra khỏi kinh thành đã từng bước gặp đồng rừng, ao đầm hoang vu, huyền ảo rồi. Thì những thức bánh trái mang đậm dấu vết canh tác, phong tục các vùng các xứ cũng nhiều hình vẻ lắm! Được thưởng thức trong xuân sắc mỗi thôn làng ấy thì quả là ân huệ dành cho sự rong ruổi của chúng ta lắm thay! Cận xuân, dọc đầu đường 32 từ Sơn Tây về Phúc Thọ, hai bên đường người ta bày bánh tẻ ra bán. Tiết lạnh se se, sau ê hề nếp, thịt, giờ Tết hiện đại lại có đủ các thức quà bánh miền trung, miền nam, thế giới nữa, thì chiếc bánh tẻ xứ Đoài thuôn dài hấp nóng, khói ngọt lên mùi nhân bánh thịt băm trộn hành, mộc nhĩ trong lớp vỏ mỏng vừa trắng trắng trong trong, sắt khúc chấm nước mắm ớt, thật còn gì bằng! Tôi đã lang thang Sơn Tây chiều ba mươi Tết nhìn cảnh mua sắm bình dị cuối năm trong nắng rực vàng lên những con phố chênh chênh nhau bán sơn địa. Hơi vội thôi, không đến nỗi cuống quýt giờ về dọn dẹp, hương khói. Ven chợ Nghệ, nhiều người còn mải ngắm chọn những cây cảnh nhỏ bày la liệt trước sân vận động. Cạnh đó, quán bún canh măng xáo chó nhấp nhổm người xì xụp, “tự thưởng” một nửa chiều thong thả. Áp Tết sau mấy ngày thật ra là đã cỗ bàn hương vị Tết nhiều rồi, có chút khác lạ đổi vị hẳn nhiều người cũng lấy làm hứng thú.

Tôi còn nhớ nữa mấy thức bánh kẹo nhà làm ở những vùng quê xa xa mình đã đến ngày xuân, mùa lễ hội. Thưởng cỗ bên Lim-Bắc Ninh xong, có miếng chè con ong hay “khúc” kẹo lạc, gọi là khúc vì nhà làm thô thô chứ không cần mảnh mai đóng gói để bán, rồi miếng chè lam Sơn Tây đầy bột trắng mỏng, miếng bánh cáy Thái Bình ăn giòn giòn dặm dặm…, nhấm nháp với nước chè nóng thì ấm cúng, vui miệng và ngon ngọt miệng chừng nào. Có khi rồi lúc sau lại… ăn cỗ được nữa!

Nghĩ các cụ bảo ăn Tết thì đúng thế thật rồi. Quanh ta ngày xuân là những thức ngon vui, từ lúc bước vào nhà ai cho đến khi tráng miệng. Mà nay ta nói nhiều hơn về sự chơi Tết, thì việc ăn cũng vẫn không thể xem nhẹ. Dù rằng sơn hào hải vị của lạ vật ngon đã tràn trề, ngày thường muốn ăn món Tết là có. Thì việc thụ lộc thiêng liêng sau cúng lễ; cuộc bày đặt cỗ bàn có gia đình, họ mạc quây quần; sự nhâm nhi, nhấm nháp những thức quà bốn phương hay thơm thảo “nhà trồng được” bên nhành hoa, mùi hương ngày Tết, khi đúng lúc, đúng chỗ, hợp cảnh hợp người, vẫn là điều tha thiết và hệ trọng lắm!