Đào hoa năm ấy

Tôi xếp lại đống giấy tờ trước khi tắt điện và khóa cửa phòng. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm. Phòng tôi ở gác hai một căn nhà cũ, vốn là trụ sở của chi cục thuế, rồi một bưu cục bưu chính mới đến lượt tòa soạn như ngày nay.

Minh họa: Nguyễn Minh
Minh họa: Nguyễn Minh

Tết là dừng lại hết. Gác lại những dự định, những âu lo dở dang. Dù đã sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, chỉn chu, thế mà khi vừa quay lưng đi, bỗng đống tài liệu, sách vở rơi tung tóe. Trong mớ hỗn độn của công văn thúc giục, của những tờ nháp ghi công việc với đồng nghiệp nguệch ngoạc, bỗng rớt ra một tờ giấy mầu vàng ố. Tờ giấy lạc loài như từ trên trời rớt xuống, như từ một thế giới khác lạc đến và ném vào tâm tư. Cầm lên xem, thời gian như kéo tôi trở về tận tháng 9 hôm nào. Tờ giấy chỉ vẻn vẹn mấy dòng thư tay của bà chị gái, người chị tất bật cả đời làm công nhân xây dựng chẳng mấy khi cầm bút, chữ cứng như thanh sắt, mẩu gỗ công trường: “Cậu xin cô giáo cho cháu nó đi học thêm”.

Một cảm giác nhói buốt trong lòng. Chị tôi ly hôn đã lâu vì người chồng quá vũ phu. Thằng Hùng cháu tôi được cái ngoan ngoãn, giờ nó đã thành sinh viên năm thứ nhất, biết đi làm thêm để phụ cho mẹ trang trải cuộc sống. Phải cái, dù nó cần mẫn đến đâu cũng không bù lại được cái khoản dốt ngoại ngữ-một môn học không bao giờ nhân nhượng với những người có quá ít thời gian ngồi học, quá ít thời gian tiếp cận nhịp sống hiện đại. Mẹ nó bảo: Thằng Hùng còn sợ ngoại ngữ hơn cả đòn roi của bố nó ngày trước. Vả lại, con công nhân thì vẫn mãi cái gen ấy, không bao giờ ngóc đầu lên được. Tôi thì lại nghĩ khác, chắc nó chưa học đúng phương pháp, hay gặp đúng thầy, đúng sở thích của nó. Tôi nhớ là hồi tháng 9 ấy, mình đã từng nói với chị: “Thôi, chị đừng nghĩ thế, nó thích học thêm ở đâu thì cho nó đi học, em sẽ xin và đóng học phí cho cháu”.

Nhưng, đúng là tôi quên béng việc học hành của nó. Ngày trước, cha tôi là một nhà giáo có tiếng. Học trò đa phần lại nối nghiệp ông “gõ đầu trẻ”. Thằng Hùng từ bé đến giờ mới được cảm nhận một mái trường mà không có giáo viên là học trò cũ của ông ngoại. Tôi mở điện thoại, bấm số và ngồi xuống ghế hỏi xem giờ nó muốn học thêm sau Tết. Một đoạn nhạc chờ vừa vang lên đã tắt phụt. Ít phút sau thằng cháu nhắn lại, nó kêu đang bận chạy bàn, cậu cứ gọi cho cô giáo cháu theo số này…

Bấm hết dãy số điện thoại, tôi ngả người trên chiếc ghế trong chiều cuối năm vắng lặng, lại nghe tiếng chuông điện thoại từng hồi vang lên ở phía bên kia. Thời buổi công nghệ, người nào người nấy đều là những dãy số vô hồn. Tôi đợi hết hồi chuông thứ nhất, đọc một trang báo mạng, lại bắt đầu gọi, lại nghe hồi chuông thứ hai rồi thứ ba…

Không thể đợi được nữa, tôi tắt máy tính, đứng dậy định khóa cửa ra về thì điện thoại đổ chuông. Cô giáo của thằng Hùng đã gọi lại. Tuy là người hơi nóng tính và quyết đoán nhưng khi cần, về cái khoản khéo léo, khách sáo tôi cũng chả kém ai. Người bên kia vừa cất tiếng tôi đã bắn một tràng dài từ chào hỏi, giới thiệu cảm phiền đến sự chân thành, tha thiết nhờ vả và tất nhiên cũng không kém phần lịch lãm. Với kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất để đạt được mục đích nào đó là hãy nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách xa lạ trong mọi mối quan hệ.

Nhưng, đúng vào giây phút vừa ngừng lời thì không thể tin vào tai mình nữa, một giọng nói cất lên, một giọng nói quen thuộc làm tất cả những gì tôi đã có 10 năm qua như tòa lâu đài đổ sụp, như thể nó chỉ được xây lên bằng cát. Vì, người đang cầm máy nói chuyện với tôi chính là Thương chứ không phải ai khác. Thương của tôi một thời, Thương của 10 năm bặt tăm, Thương của cái chiều tôi bỏ một tình yêu tha thiết của mình để rẽ sang một chân trời khác. Thương chỉ nói vừa đủ về công việc, không một câu nào lạc đề, không lời hỏi thăm riêng tư. Dường như sự thấp thỏm của tôi trong cuộc gọi ba phút ngắn ngủi đã là thừa. Hay, tôi đang run sợ chính thằng tôi của ngày xa xưa đó…

Như lời hẹn, tôi ngồi xuống chiếc bàn cạnh cửa một quán nhỏ nhìn ra ngoài trời. Mưa rắc bụi trên phố. Mùa xuân bao giờ cũng được báo động bằng những cơn mưa bụi. Mưa như điểm trang cho tiết xuân, cho cành lá, cho sự tẻ nhạt, khô cứng của phố phường. Mưa cũng làm người ta ngu ngơ đi, lãng quên nhiều, uể oải và bạc nhược, buông xuôi mọi sự. Đời biết buông bỏ, biết quên lãng mới có hạnh phúc, đôi khi người ta phải sống thế chăng.

Nhìn đồng hồ, hóa ra chưa đến giờ hẹn mà tôi cứ ngỡ là Thương đến muộn. Tôi tự vạch tội mình trong sự sớm sủa đó. Tôi như kẻ đến thú tội, như người mong ngóng, háo hức hay đang tự đánh mất cái bản lĩnh lâu nay của mình. Người ta thường nói, trong mọi cuộc đối thoại, kẻ lên tiếng trước là kẻ yếu thế vì không thể kìm nén được sự run sợ của mình. Còn tôi giờ đang bối rối khi tự ngắm lại bản thân. Quá khứ cũng là một ngày mưa bụi, mưa như gai mọc lên tua tủa khắp mọi nơi trong đôi mắt tôi nhìn. Tháng năm gai nhọn, ký ức cằn khô bủa vây quanh chỗ tôi ngồi.

Tết như một mệnh lệnh làm cho tất cả gấp gáp hơn, những chiếc xe lao đi vội vã nhưng thật ra mọi người đang tìm một lối đi ngắn nhất để trở về nhà với đủ mọi sự sung túc, vị tha, bao dung chất đầy trên chiếc xe mưu sinh. Tôi thì lại đang như một kẻ tha hương, lạc lõng và đơn lẻ trên chính thành phố của mình.

Tôi cứ ngồi như thế cho đến khi cả ly cà-phê đen không đường cũng không thể kiên nhẫn với tôi, chỉ còn lại ít cặn lắng. Bàn bên có ai đó cũng đang đợi nhau, tàn thuốc chất đầy, biến chiếc gạt tàn pha-lê thành một lâu đài tro bụi. Tôi không biết hút thuốc nhưng lại hay ngắm sự trầm tư đó. Mùa xuân càng cận kề, lòng người càng hồi hộp, càng trống rỗng.

Đã qua 10 năm rồi, giờ thì còn gì có thể muộn hơn được nữa. Tôi đang hình dung tất cả sẽ như một thước phim quay ngược cho đến khi Thương bước vào. Vẫn chỉ là một con người của hôm nào, vẫn dáng mảnh mai nhưng không còn dáng dấp thiếu nữ, vẫn đôi giày thể thao dưới ống quần jean lửng trẻ trung nhưng những bước chân đã thoáng âu lo. Người con gái ấy giờ đã thuộc về một thế giới thật khác.

Thương dừng lại trước mặt tôi, đôi mắt không một chút ngỡ ngàng hay bối rối. Chính tôi thấy mình như đóng băng trước đôi mắt đó. Đôi mắt như không hề thay đổi cảm xúc. Sau lời chào, sau những câu nói mà dù muốn hay không, người ta vẫn phải nhắc đến như một phép xã giao, Thương bất ngờ lại là người lên tiếng trước:

- Ngày đó, em trẻ con mà. Anh thì giúp đỡ em rất nhiều, không có người bạn nào giúp em được nhiều như thế.

Giúp em ư? Thật mỉa mai mà đau đáu. Tôi được giúp em hay chính tôi đã tự nguyện làm những gì mà chỉ trái tim mới hiểu nổi. Nhưng đến giờ, chỉ còn có thể lắng nghe.

- Em vẫn nhớ sao, em không nhắc chắc anh cũng quên rồi. Quên không còn nhớ gì hết. Thật sự đấy, anh giờ là một người khác.

- Chắc tại em chẳng có nhiều kỷ niệm như mọi người đâu nên em vẫn nhớ. Chắc làm anh không vui phải không anh?

Chờ cho giọt cà-phê đắng ngấm vào đầu lưỡi. Vị đắng tưởng như đã ngấm đến tận trái tim, tôi mới có thể trút hết những ấm ức vào câu nói của mình. 10 năm đào sâu, chôn chặt mà hóa ra như có một “lò phản ứng hạt nhân” đang âm ỉ trong mình:

- Thì em cũng đã trả lời. Anh còn gì để nói nữa. Anh không hiểu được em thôi. 10 năm rồi anh đã định không bao giờ nói ra điều này.

Tôi trở về phòng mình bằng tất cả sự mệt mỏi. Có ai biết được, tôi đã ấm ức đến mức tưởng mình có thể đấm vỡ những gì trước mặt mình hôm ấy để chạy đến hôm nay. Vậy mà hôm nay tôi không thể làm gì hơn là buông vài câu nói hậm hực. Mùa xuân, hoa đào làm bao nhiêu người đoàn viên, quần tụ mà lại khiến tôi chia xa.

Năm ấy, cận Tết, trời không mưa rét mà lại ấm áp như đã vào hạ. Thương nói với tôi bằng cái giọng nghiêm nghị mà chân thật:

- Từ mai em bắt đầu thi học phần. Em sẽ ôn thi và không gặp ai, cứ sau một môn, em có một ngày nghỉ, em lại gặp anh, được không?

- Thế là anh bị cấm vận nhỉ?

Thương sửa vạt áo cho tôi, rồi nghiêng đầu:

- Thế anh muốn làm bạn trai của em một mùa thi hay… mãi mãi sau này? Tất nhiên là anh muốn điều thứ hai đúng không? Vậy thì để em yên tâm thi tốt, tương lai của em có anh. Ok, “người phát ngôn” của em!

Tất nhiên, tôi ngoan ngoãn đồng ý, tôi là “người phát ngôn” của Thương mà, vì ngoài tôi ra, gần như không ai có được số điện thoại của em. Nhiều hôm Thương ốm, lớp trưởng rồi giáo viên chủ nhiệm của Thương cũng phải gọi điện cho tôi. Tôi nghiễm nhiên trở thành độc quyền của em. Tôi tự hào về điều đó. Nhưng rồi, một sự việc tưởng chừng rất nhỏ lại xoay chuyển cả cuộc đời tôi vào hôm ấy.

Trước khi về, Thương dặn tôi:

- À lúc nào, anh mua tặng em một cành đào nhỏ. Em thích hoa đào lắm nhưng trong nhà em không bao giờ có chỗ cho nó. Mẹ mới của em là người miền nam. Bố em sợ Tết đến mẹ nhớ quê nên chỉ cho phép hoa mai được nở trong căn biệt thự. Thế nhưng em thì lại nhớ những cây hoa đào lúc ở với bà nội, như lúc mẹ em còn sống. Nhớ lắm anh ạ!

Thế là dĩ nhiên, chẳng cần nghĩ đến cái quy định “cấm trại” mà Thương nêu ra, chiều ấy tôi vẫn hăm hở ra phố, tôi quyết đêm nay sẽ mang cành đào về cho em. Hà Nội những năm đầu một thế kỷ mới vừa lạ, vừa quen, tiếng người ta nói chuyện bằng điện thoại di động xen lẫn tiếng bánh xe xích-lô ken két. Họ thuê xích-lô chở những chậu quất, cành đào náo nức chiều cuối năm. Mọi khi, tôi vốn chỉ ở Hà Nội tầm đến hai lăm, hai sáu Tết là về quê nên không mấy mặn mà với không khí bán mua này. Tìm một cành đào vừa xinh đâu phải dễ dàng gì.

Thoáng thấy một cành đào nhỏ gọn, xinh xắn phía bên kia nhưng khi tôi tới nơi thì vừa kịp thấy ai đó đã nhanh tay trả giá trước mình. Ban đầu, tôi chỉ có ý nhìn theo cành đào được người ta nhấc lên xe nhưng lúc nhìn thấy hai người đó thì tôi thật sự không tin nổi. Chính Thương đang ngồi sau xe một ai đó, một tay kia còn ôm chặt lấy hông của gã. Tôi sụp đổ hoàn toàn, không phải chỉ vì bị một cô gái phản bội mà còn là sự đổ vỡ của một niềm tin.

Thế nhưng tối hôm ấy, tôi vẫn đến căn phòng của Thương. Thêm một lần nữa, tôi nhận ra chiếc xe máy ở dưới chân cầu thang, tôi vẫn mạnh dạn bước lên. Chưa bao giờ tôi thấy những bậc thang dài đến thế, nhiều nhịp cầu thang đến thế. Bước chân của sự thất vọng nặng nề đến mức tôi tưởng như nghe được cả sức nặng của gót chân giáng xuống lớp bê-tông. Cái hành lang nhỏ phía ngoài là lối đi đã quá quen thuộc, hoa giấy mùa này không còn nở phớt hồng mà chỉ còn những cái dây khô cằn. Ở cuối dãy là phòng của Thương, tôi cứ đi như thế, đi trong sự bực bội xen lẫn hoảng loạn, ngỡ ngàng. Khi tôi bước vào, Thương đang ngồi ở đó, ngước lên nhìn tôi, ngơ ngác như thể tôi là một người xa lạ. Phía dưới chân tôi, hai đôi dép đang chồng lên nhau, khác hẳn với hai đôi dép từng sóng đôi ngay ngắn mỗi lần tôi đến. Sự lạ hơn nữa là, phía bên trong, một người con trai đang bước ra, cái khăn tắm vắt ngang người, hắn nhìn tôi cũng đầy ngỡ ngàng, thắc mắc.

Tôi lấy hết sự bình tĩnh:

- Anh có thể gặp riêng em một chút được không?

Dĩ nhiên, cho đến bây giờ cũng không ai giải thích với tôi về điều đó. Mà có lẽ cũng chẳng cần giải thích. Tôi chỉ còn nhớ lúc đó Thương nhìn tôi bằng con mắt thật khác. Khác như thể tôi chưa từng tồn tại trong lòng em, như thể tôi là một kẻ qua đường vừa ghé vào.

- Tại sao tôi lại phải đi theo anh, anh là ai, anh có việc gì?

- Thương, em có thể nói thẳng một lần-tôi chỉ nhớ được là tôi từng nói như thế mà thôi.

10 năm rồi, tôi lại rót một ly rượu và ngồi ngắm thành phố trong đêm giáp Tết từ ô cửa trên cao. Năm nay trời lại ấm áp sau những cái Tết rét đậm, hoa đào về phố càng nở sớm hơn. Cái chợ hoa dưới phố trước tòa nhà này càng tấp nập thêm. Tôi đang nhìn về phía đó nhưng đầu óc đang thật sự mông lung. Sao sau này Thương vẫn gọi cho tôi và sao tôi không dám nghe một lời giải thích…

Sáng nay, khi tôi bấm chuông cửa, thằng Hùng còn đang ngái ngủ:

- Cháu buồn ngủ quá, đêm qua cháu về muộn cậu ạ. Đợi cháu tí.

- Nào, đi theo cậu, cô giáo nhận dạy kèm thêm cho cháu rồi.

- Ôi, cậu giỏi quá. Cô Thương ấy mặt lạnh lắm đó cậu, cho điểm cũng gắt, nghe bảo vì ế ẩm nên thế.

Hai từ “ế ẩm” khiến mặt tôi như biến sắc khiến nó cũng phì cười.

- Thật đó, hay cậu thử tán cô giáo cháu xem, cậu cũng sắp sang đầu bốn rồi, bị mẹ cháu với ông bà ngoại kêu ca suốt còn gì.

Tôi nóng bừng mặt. Thằng cháu bé nứt mắt nào đã hiểu sự đời. Trong cuộc đời này mọi thứ vốn dĩ không tự nhiên diễn ra như nó tưởng. Tôi vờ như không để tâm, nổ máy xe, đợi nó mặc quần áo, khóa cửa rồi đưa nó đi.

Sau hai lần gặp, giữa tôi và Thương vẫn là một khoảng cách. Tết thì gần lắm rồi, trên phố nô nức những cành đào. Chúng tôi đều đang vờ như không muốn nhắc đến loài hoa đang chiếm lĩnh cả mùa xuân ấy.

Tôi về đến cửa mới sực nhớ ra chùm chìa khóa nhà vẫn ở quán cà-phê. Từ ngày đi chiếc xe có smart key, tôi đã tách nó ra làm hai chùm cho tiện. Khi tôi quay trở lại quán, điều bất ngờ là Thương vẫn ngồi đó, lặng lẽ bên chiếc bàn có chùm chìa khóa của tôi. “May quá, em vẫn ngồi đây, anh quên…”-tôi thốt lên. Thương bình thản giải thích:

- Vâng, em có thể ngồi lâu còn vì đây là quán của gia đình em.

Tôi lại có thêm một bất ngờ khác, Thương giải thích:

- Nhà em mua lại quán cà-phê này được mươi năm rồi anh à. Giờ do vợ chồng em gái song sinh của em quản lý.

Tôi biết nhà Thương khá giàu có. Tôi biết mặt cha của Thương nhưng chưa một lần được bước vào ngôi biệt thự toàn hoa mai và đặc biệt còn chưa từng nghe đến em gái song sinh của em.

- Anh không hề biết em gái song sinh của em.

- Thực ra-Thương cúi đầu như để giấu đi một cảm xúc khó tả-nếu không cần biết thì anh cũng không cần phải nghe từ ngày đó mà.

Tôi không biết nói gì, thấy mình đã lỡ lời gì đó, nhưng một cảm giác nóng bừng khuôn mặt. Đúng lúc ấy, một chiếc xe đỗ xuống trước cửa quán. Một đôi vợ chồng với hai đứa con khá xinh xắn. Họ chào Thương và tôi rồi định đi vào bên trong. Tôi thì cứ thế, miệng há hốc. Quả thật nếu Thương không ngồi ngay trước mặt tôi như một sự chứng minh thì tôi không thể tin được. Hai chị em giống đến kỳ lạ, như hai giọt nước lăn cạnh nhau. Còn người chồng thì sững lại nhìn tôi với một chút băn khoăn.

Thương nói với họ tôi là bạn mới quen. Tôi như người chết lặng. Thế là tất cả đã không còn gì nữa. Nỗi đau 10 năm của tôi, những ấm ức, bực bội của tôi, cành đào trong chợ Tết năm đó, đôi trai gái có mặt trong phòng Thương… tất cả chỉ còn sự tiếc nuối.

Chúng tôi cùng bước đi trên hè phố nhưng không ai nói gì với nhau. Chiều ba mươi Tết, tất cả mọi thứ đã bão hòa, đã đủ đầy chứ không còn chộn rộn như ngày xưa. Cứ thế, không ai lên tiếng cho đến khi có một người đẩy chiếc xe đạp đi qua chúng tôi rồi bất chợt ngoái lại. Đó là một người đàn bà khắc khổ, khuôn mặt in hằn những vất vả, lo toan nhưng đôi mắt lại ánh lên một nét cười.

- Tặng cô chú đấy, còn mỗi cành này người ta trả rẻ quá, tôi không muốn bán. Hoa đào là lộc trời, thấy cô chú đẹp đôi, trông lại hiền lành. Tặng hai vợ chồng về chơi Tết.

Cả tôi và Thương ngẩn ra. Nhưng ai lại thế, tôi có ý đưa một chút tiền mừng tuổi cho bọn trẻ, vừa là để bớt ái ngại nhưng người đàn bà đó nhất mực từ chối bằng một lý do.

- Tôi một thân một mình, không chồng không con, có giò, bánh chưng với con gà thắp hương là đủ Tết rồi cô chú ạ…

Cành hoa đào trong tay tôi đang chúm chím những nụ hoa. Tôi trao món quà bất ngờ cho Thương. Chúng tôi nhìn nhau qua những nụ đào bằng đôi mắt ở cái tuổi không còn trẻ nữa. Những nụ hoa có phải là ý nguyện phút xuân về…