Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm:

Ơn những cơ duyên cho chúng tôi “gặp thêm” cha mình!

Gần đây, sau hàng chục cuốn sách in tác phẩm Thâm Tâm (1917 - 1950) thuộc nhiều thể loại được ấn hành trở lại, đã có những thông tin mới về những bìa báo mà nhà thơ từng vẽ từ năm 1936. Trước ngày lên Cao Bằng thắp hương nơi nhà thơ yên nghỉ, ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai nhà thơ đã chia sẻ với Thời Nay về hành trình dài đi tìm lại “khuôn mặt” Thâm Tâm - một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo đa tài. Một hành trình có những yếu tố ngẫu nhiên kỳ lạ với nhiều cảm kích.
0:00 / 0:00
0:00
Một số bìa tuần báo Bắc Hà do nhà thơ Thâm Tâm vẽ.
Một số bìa tuần báo Bắc Hà do nhà thơ Thâm Tâm vẽ.
Ơn những cơ duyên cho chúng tôi “gặp thêm” cha mình! ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa ông, nhà thơ Thâm Tâm hy sinh năm 1950, nhưng mãi tận sau này, công chúng mới được biết về tác phẩm Thâm Tâm nhiều hơn. Nguyên nhân nào cho độ lùi thời gian này?

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Thật sự trước đây, gia đình được biết về tác phẩm của cha tôi không nhiều. Ông lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp từ sớm, sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ và nằm lại trên Cao Bằng trên đường đi công tác trong chiến dịch biên giới. Những gì tôi được biết về cha chỉ dừng ở một số sáng tác, tiêu biểu là bài thơ “Tống biệt hành” - đã được đưa vào sách giáo khoa. Trong nhiều thập kỷ qua, điều kiện sưu tầm, khai thác về những sáng tác của ông trước và sau năm 1945 rất khó khăn, cả về nguồn thông tin, cơ hội tiếp cận cũng như thiết bị. Mà phải về sau này, như là có những cơ duyên vậy…

PV: Xin ông chia sẻ những cuộc kỳ ngộ đặc biệt đó?

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Cơ duyên đầu đến vào năm 1983 khi một người rất yêu thích Thâm Tâm là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Ngô Văn Giá vào công tác tại TP Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, anh Giá được biết nhiều tài liệu từ Thư viện quốc gia Sài Gòn trước kia từng được đưa về Ủy ban quân quản thành phố, rồi về thư viện Thành ủy, lưu giữ ở chế độ hạn chế xem. Trong đó có nhiều bản Tiểu thuyết thứ bảy ở dạng microfilm. Không dễ dàng nhưng rồi may mắn được tiếp cận, anh Giá phát hiện có một số truyện ngắn của nhà thơ Thâm Tâm. Anh xin in ra bản giấy, được 38 truyện.

Sau này, anh Giá đến chơi tạp chí Văn nghệ quân đội, được cho biết về con trai nhà thơ Thâm Tâm - là tôi. Anh tìm gặp, để rồi sau đó các bạn trẻ ở cơ quan tôi giúp đánh máy, chúng tôi tổ chức xuất bản cuốn “Thâm Tâm truyện ngắn” (NXB Văn hóa thông tin) năm 2000, gồm 38 truyện trên và một số vở kịch. Sự xuất hiện của tập truyện khiến nhiều người ngạc nhiên. Và rồi sau này, chính gia đình chúng tôi đã đón thêm nhiều điều ngạc nhiên và hạnh phúc.

PV: Với hàng loạt tác phẩm Thâm Tâm được xuất bản trở lại những năm qua, có thể thấy một di sản văn chương dày dặn, phong phú của nhà thơ. Có những nguồn thông tin, hỗ trợ quý báu nào đã góp phần vào sự trở lại đó?

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Sau cuốn “Thâm Tâm truyện ngắn”, gia đình đã ý thức hơn về việc tìm, hỏi các nguồn tư liệu, báo chí thời kỳ trước. Một số cụ là bạn của cha tôi cho biết, truyện của ông từng in nhiều trên ấn phẩm Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy. Được biết Thư viện Quốc gia đã số hóa gần như toàn bộ Tiểu thuyết thứ bảy, tôi vào khai thác các bản in từ năm 1941 đến 1946, được gần 30 truyện ngắn cùng một số bài thơ. Đó là nguồn tư liệu để sau này cuốn “Truyện ngắn Thâm Tâm” được ra mắt. Hiện vẫn còn gần 30 vở kịch ngắn của Thâm Tâm trên Tiểu thuyết thứ bảy, chưa được in lại.

Có lần, PGS, TS Lưu Khánh Thơ thông tin, chị từng đọc bản số hóa tiểu thuyết của tác giả Tuấn Trình tại Thư viện Quốc gia. Sau khi hỏi nhà văn Tô Hoài và được biết đó chính là nhà thơ Thâm Tâm, chị đã viết một bài báo và gửi cho tôi. Qua Thư viện Quốc gia, tôi lại được biết Thư viện Quốc gia Pháp cũng lưu một số truyện vừa, truyện dài của cha mình. Tôi xin khai thác từ bên đó, được hơn 10 truyện vừa, cùng bộ “Dòng máu sông Hồng” viết về lịch sử dân tộc Việt gồm ba tập truyện vừa. Về sau, NXB Quân đội nhân dân đã in lại một tập truyện vừa của cha tôi gồm tám tác phẩm.

Vừa qua, gia đình có mua được khá nhiều bản gốc Tiểu thuyết thứ bảy và lọc ra được 30 truyện ngắn nữa cùng một số bài thơ. Tập truyện ngắn “Gió thu hoa cúc gầy rồi” cùng hai tiểu thuyết “Nỗi ân hận dài” và “Thuốc mê” của Thâm Tâm nay đã được in lại.

PV: Vậy là từ bài thơ nổi tiếng “Tống biệt hành”, “Chiều mưa đường số 5”… và một số tác phẩm, đến nay, gia đình và bạn đọc đã biết thêm rất nhiều tác phẩm của Thâm Tâm gồm cả truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, kịch, và cả truyện thiếu nhi nữa!

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Về truyện thiếu nhi thì cũng thật bất ngờ! Năm ngoái, tình cờ chúng tôi biết một đơn vị có phối hợp NXB Văn học in 5 cuốn truyện viết cho thiếu nhi của Thâm Tâm, khai thác từ các bản năm xưa NXB Tân Dân từng in. Cho đến khi tìm thêm được từ Pháp, chúng tôi thấy truyện cho thiếu nhi của cha tôi còn nhiều nữa, thêm cả một loạt truyện đồng thoại.

Gần đây, NXB Kim Đồng đã ký với gia đình và trả phí về việc chuyển giao quyền xuất bản ba cuốn truyện cho thiếu nhi của nhà thơ Thâm Tâm trong 5 năm. NXB Quân đội nhân dân cũng ký hợp đồng với một khoản phí cho gia đình về công sưu tập một số tác phẩm Thâm Tâm. Ở đây, quan trọng hơn tiền là hành động văn hóa của các đơn vị xuất bản đó. Cũng như, tiền không thể so sánh với những tình cảm mà cán bộ, đồng bào ở Cao Bằng đã dành để lo liệu cho cha tôi khi ông nằm lại trên đó hơn 70 năm trước; cũng như với những thông tin về tác phẩm mà những người bạn của ông cùng nhiều anh chị đã cung cấp, hỗ trợ cho gia đình.

PV: Chúng tôi nhận thấy tần suất trở lại của tác phẩm Thâm Tâm ngày càng dày hơn. Gần đây, ông có giới thiệu một số bìa báo do nhà thơ Thâm Tâm từng vẽ. Lại thêm một sự thú vị nữa! Xin ông chia sẻ về sự phát hiện này?

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Tháng 5 năm nay, khi tổ chức ra mắt sách của cha tôi, chúng tôi có mời con gái và con trai nhà thơ Trần Huyền Trân đến dự. Cụ Trần Huyền Trân và cha tôi cùng với nhà thơ Nguyễn Bính từng là bằng hữu thân thiết, thường gọi là “tam anh” nhóm “Áo bào gốc liễu”. Thật tình cờ, gần đây, một hôm mở máy tìm một file tài liệu cũ, đột nhiên tôi đọc được một mẩu thông tin cho biết, cha tôi từng có một số truyện ngắn và thơ từng đăng từ năm 1936 trên tuần báo Bắc Hà do cụ Trần Huyền Trân làm chủ báo. Thậm chí, thông tin còn cho biết: họa sĩ Tuấn Trình về giúp bạn vẽ bìa báo. Tôi hỏi anh Trần Kim Bằng con cụ Trần Huyền Trân xem có sưu tầm được gì từ tuần báo này không, may quá anh nói có!

Hóa ra trong Thư viện Quốc gia có lưu một ít tuần báo, còn ở TP Hồ Chí Minh có khá nhiều trong sưu tập tư nhân. Anh Bằng đã xin chụp ở ngoài này và vào thuê chụp trong kia được nhiều bìa báo, in mầu hoặc mực đen, rất sinh động, rồi anh ra Hà Nội in lại để trưng bày tại nhà. Anh hào hiệp cung cấp cho tôi các bản chụp. Cùng với các trang bìa còn có một ít trang ruột cho thấy có in tác phẩm của cha tôi, có trang in phần tiếp theo…

PV: Như vậy, có khả năng còn những tác phẩm khác nữa của nhà thơ Thâm Tâm mà chúng ta chưa được biết?

Ông Nguyễn Tuấn Khoa: Chắc chắn là còn nữa, bởi qua tuần báo Bắc Hà thì cha tôi sáng tác khá sớm. Sau này, ông còn vào ban biên tập báo Tiên Phong (1945-1946), rồi trong những năm kháng chiến, ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (nay là báo Quân đội nhân dân).

Gia đình vẫn tiếp tục tìm kiếm và mong có thêm những cơ duyên để tập hợp đầy đủ hơn di sản của cha, ông mình. Trước là lưu giữ cho con cháu. Sau để giúp công chúng có cái nhìn rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm.

PV: Xin cảm ơn ông và chờ đón tiếp những phát hiện mới để cùng tôn vinh nhà thơ Thâm Tâm - người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007!