Ngay từ năm 1930 của thế kỷ trước, việc trị thủy sông Đà đã được thực hiện. Một dự án thám sát thu thập dữ liệu khoa học phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện trên dòng sông Đà đã được tiến hành, do kỹ sư J.Fomaget - Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương chủ trì.
Sông Mẹ sáng trên khuôn mặt người
Đoạn sông từ tỉnh lỵ Hòa Bình lên Chợ Bờ được chọn làm địa điểm khảo sát. Những dữ liệu từ hàng trăm mũi khoan cho thấy, lòng sông nơi này tồn tại những vỉa đá cuội mà kỹ thuật xây dựng thủy điện những năm đó chưa thể khắc phục. Năm 1942, Sở Thủy lợi Đông Dương đã mời giáo sư Hoffet, một chuyên gia lừng danh về địa chất của các nước châu Âu tiến hành một dự án nghiên cứu toàn diện hơn về sông Đà. Ngày 9/3/1945, người Nhật đảo chính người Pháp. Hiến binh Nhật đã bắt GS Hoffet cùng tốp kỹ thuật viên khoan thăm dò tại Chợ Bờ. Hơn 20 năm sau, người ta tìm thấy hài cốt GS Hoffet tại một khu rừng thuộc huyện Yên Châu tỉnh Sơn La. Nơi đó cách Chợ Bờ, về phía bắc, chừng 140km.
Nhu cầu về năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển quốc kế dân sinh ngày càng thúc bách, buộc chúng ta phải tiến hành những bước đi nhằm phát triển điện năng, đưa ngành điện đi trước một bước, trong đó có việc ưu tiên phát triển thủy điện. Ngày 6/1/1979, nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được khởi công xây dựng. Công trình gồm 8 tổ máy, với công suất phát điện 1.920MW. 15 năm sau, ngày 20/12/1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành. Công trình thế kỷ này đã khắc phục được một phần việc thiếu hụt năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và gần như chấm dứt tình trạng lũ lụt của các địa phương đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thời kỳ đó, thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất vùng Đông Nam Á. Hiện tại, một dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất lắp máy đạt 480MW đã được khởi công vào ngày 10/1/2021.
Để khai thác tiềm năng thủy năng sông Đà, tăng cường an toàn cho thủy điện Hòa Bình, ngày 2/12/2005, nhà máy thủy điện Sơn La, bậc thang thứ hai trên dòng chảy Đà giang được khởi công. Công trình vĩ đại này được hoàn thành vào ngày 23/12/2012. Với 6 tổ máy, công suất lắp máy đạt 2.400MW, điện lượng trung bình đạt 9,4 tỷ KMWh/năm, công trình thủy điện Sơn La, hiện tại, đã thay thế thủy điện Hòa Bình, trở thành công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam châu Á.
Và, cho đến những ngày này, nhà máy thủy điện Lai Châu, bậc thang trên cùng của dòng chảy Đà giang cũng đã được khánh thành. Như vậy, ba nhà máy lớn trên dòng chính (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), cùng với thủy điện Bản Chát, thủy điện Huội Quảng, thủy điện Nặm Chiến 1 và hơn 50 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên khắp lưu vực Đà giang đã được khánh thành. Hằng năm, những công trình này đã sản xuất ra 6.000MW và một sản lượng điện năng đạt
25 tỷ KMWh/năm, góp phần trọng yếu vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ tính riêng năm 2012, trên lưu vực Đà giang đã khánh thành đưa vào sử dụng 16 nhà máy thủy điện và khởi công xây dựng 22 nhà máy thủy điện khác. Trong đó có những phụ lưu có tới từ 4 đến 5 công trình thủy điện như dòng Nặm Chiến (Mường La), suối Nặm Chim (Bắc Yên), suối Nặm Na (Lai Châu)…
Những năm tháng này, miền núi rừng thăm thẳm xưa, rộng đến hơn 50.000km2, với hơn 4 triệu người dân đã có điện sinh hoạt. Có điện là có những dụng cụ hiện đại mà cách đây chỉ ít năm thôi, vẫn còn là mơ ước của mỗi gia đình sống ở miền rừng xanh núi đỏ… Điện đã thay đổi cuộc đời người dân mạn ngược. Một dòng sông Mẹ với những nhánh phụ lưu, đã góp phần xua bớt tối tăm, làm sáng lên khuôn mặt con người vốn sinh ra ở nơi đói nghèo bao năm rồi đeo bám.
![]() |
Mưu sinh trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Hoài niệm trên sóng
“Sông không chảy nữa, rừng nên biển…”. Đến những ngày này, nếu từ bến Thượng lưu, ngay phía trên đập thủy điện Hòa Bình ngược dòng Đà giang sẽ không còn cái cảm giác được chinh phục những thác ghềnh dữ dội. Cũng có nghĩa là, thay bằng gồng mình vượt thác, du khách sẽ được ngồi trên thuyền êm đềm vượt qua ba biển hồ của ba bậc thang Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu mênh mông sóng nước.
Suốt chiều dài gần 1.000 cây số, Đà giang mang những cái tên khác nhau. Trên đất Trung Quốc, Đà giang mang cái tên là dòng Lý Tiên. Ở Tây Bắc Việt Nam, dòng sông mang tên tiếng Thái là Nặm Te (Nặm Tè). Về đến địa hạt tỉnh Hòa Bình, người Việt đặt cho dòng sông cái tên tiếng phổ thông là sông Đà. Trên bản đồ quốc tế, sông Đà còn có tên là sông Đen. Số là, khi thực hiện địa đồ Bắc kỳ những ngày đầu đặt ách đô hộ Việt Nam, người Pháp thấy con sông Cái mang tên sông Hồng, họ liền gọi sông Đà là sông Đen và sông Lô là sông Sáng. Hiện tại, sông Đen và sông Sáng vẫn là tên của sông Đà và sông Lô trên địa đồ quốc tế.
Một ngày, lên thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cúi đầu trước những tấm bia ghi danh 168 con người, trong đó có 11 người là chuyên gia Liên Xô (trước kia) hy sinh trong suốt 15 năm xây dựng công trình thế kỷ này. Mới thấy để có được nguồn điện sáng cho đất nước không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng cả máu và nước mắt. Có thể, cũng tới lúc cần phải xây dựng tại các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu… tấm bia ghi tên những người đã mất. Để đến hôm nay mỗi năm, hàng nghìn người đến chiêm ngưỡng những công trình vĩ đại này có chỗ tưởng niệm những người đã nằm xuống vì sự nghiệp phát triển năng lượng của Tổ quốc, điều mà đến hôm nay, chúng ta vẫn thấy hiển hiện khi đi trên cầu Việt Trì, cầu Thăng Long và phía dưới đập hạ lưu thủy điện Hòa Bình. Đấy là những hy sinh phải được mọi người biết đến.