Ngược thượng nguồn

Oai linh miền cổ tích sông Đà (Kỳ 2)

Kỳ 2: Dòng trôi lịch sử
0:00 / 0:00
0:00
Đền thờ Vua Lê - nơi có bia Lê Lợi, xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG
Đền thờ Vua Lê - nơi có bia Lê Lợi, xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG

Năm 1431 (tròn 500 năm trước khi khởi công đường 6), để giữ yên cương vực, Lê Thái Tổ đã thân chinh dẫn tướng sĩ ngược sông Đà lên Mường Lễ dẹp quân phản loạn. “Đường lên Mường Lễ bao xa/Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”. Sau khi dẹp phản loạn, Người đã cho khắc hai bài thơ lên vách đá.

Miền Tây Bắc hùng vĩ xưa gồm các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Thời Trần, miền đất này thuộc lộ Đà giang. Triều Lê, các tỉnh trên thuộc trấn Hưng Hóa. Thời Nguyễn trở thành tỉnh Hưng Hóa (tỉnh lỵ đặt tại Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ). Năm 1886, người Pháp đặt Tây Bắc Việt Nam dưới sự quản lý của đạo quan binh số 4. Cho đến năm tháng này lên thăm Sa Pa (Lào Cai), còn thấy trước nhà thờ Sa Pa một bảng thuyết minh cho hay, đến nay, vùng đất rộng lớn này vẫn chung một Giáo phận công giáo: Giáo phận Hưng Hóa.

Con đường 41, sau gọi là quốc lộ 6 nối Hà Nội - Điện Biên được khởi công vào năm 1931 và khánh thành vào năm 1939. Trước đó, lên Tây Bắc, người ta chủ yếu phải dựa vào thủy lộ Đà giang.

… Năm 1431 (tròn 500 năm trước khi khởi công đường 6), để giữ yên cương vực, Vua Lê Thái Tổ đã thân chinh dẫn tướng sĩ ngược sông Đà lên Mường Lễ dẹp quân phản loạn. “Đường lên Mường Lễ bao xa/Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”. Sau khi thu phục phản loạn, Người đã cho khắc hai bài thơ lên vách đá. Cả hai bài thơ trên còn lại đến tận bây giờ. Mấy năm sau (1440), Vua Lê Thái Tông, ở tuổi 19 đã theo gương vua cha, tiến quân theo lộ Đà giang lên Sơn La chinh phạt tù trưởng Thượng Nghiễm trên đất Mường Muổi. Lợi dụng đường sá xa xôi, Thượng Nghiễm đã cấu kết với giặc ngoại bang làm loạn. Người cũng để lại văn bia Quế Lâm ngự chế trên đất Mường La cũ (nay thuộc phường Chiềng Lề, TP Sơn La). Ngày đó, phải mất đúng 19 ngày, đoàn quân của Vua Lê Thái Tông mới từ kinh đô đến được nơi này.

Sau này, vào thế kỷ XVIII, người dân Tây Bắc gọi Hoàng Công Chất là “Chúa Trời Chất”. Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống lại triều đình Lê - Trịnh và kéo dài tới 30 năm. Hoàng Công Chất vốn dòng Mạc tộc. Năm 1750, từ Hưng Hóa, ông đem quân lên châu Ninh Viễn (Mường Thanh, Điện Biên) lập đại bản doanh. Tại đây, ông thu nạp các tù trưởng, dẹp loạn cát cứ, giữ yên bản mường. Trong sử ca “Quắm Tô Mương” của dân tộc Thái Tây Bắc còn có đoạn: “… Dưới xuôi có vua? Trên này có chúa/…Từ Đà Bắc, Chợ Bờ, đều thuộc về Chúa Mường Thanh…”. Đoạn sử ca trên cho thấy, nghĩa quân Hoàng Công Chất, đã từng dùng Đà giang làm địa bàn hoạt động.

Nếu nghĩa quân Hoàng Công Chất hoạt động chủ yếu trên biên giới Việt - Lào, thì trong phong trào Cần Vương, hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích lại gắn chặt với sông Đà. Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích từng giữ nhiều chức quan khác nhau trong triều đình nhà Nguyễn trước khi nhận chức Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ). Năm 1878, ông được cử giữ chức Chánh Sơn phòng sứ kiêm tuần phủ Hưng Hóa. Nguyễn Quang Bích, người đã để lại câu nói có thể không mới nhưng chưa bao giờ là cũ: “Trời nhìn như dân nhìn. Trời nghe như dân nghe. Lòng dân ở đâu, ý trời ở đó!”. Linh hồn phái chủ chiến nhà Nguyễn Tôn Thất Thuyết, trong những ngày vận nước gieo neo đã họa thơ Nguyễn Quang Bích như sau: “Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu - Giữ lấy Thao Đà giải thượng lưu…”. Và vị Chánh Sơn Phòng sứ kiêm tuần phủ Hưng Hóa, người không thể bỏ Tây Châu, đau đáu với Đà giang, hiểu rõ khúc nhôi dòng sông dựng thác đã từng cảm thán: “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu” (Mọi con sông đều chảy về Đông/Một Đà giang ngược lên hướng Bắc). Câu thơ nói về hiện trạng dòng sông, cũng là để nói lên ý chí… ngược dòng thời cuộc của Nguyễn Quang Bích. Bởi khi đó, một bộ phận không nhỏ quan quân đã… thả xuôi dòng vì có phần… sợ giặc.

Trên miền đất xứ Đoài, những năm cuối thế kỷ 19 có một thiếu niên mới chỉ hơn chục tuổi đầu đã phải gò lưng chèo đò kiếm sống. Sau chàng thanh niên ấy đầu quân thành lính triều đình. Vì những thành tích trong chiến đấu, chàng trai dũng cảm ấy được phong chức đốc binh. Rồi người đốc binh ấy tham gia cả hai trận phục kích tại cửa ô Cầu Giấy trong cả hai lần thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ (1873 và 1883). Những năm sau đó, đốc binh phục vụ trong đội ngũ nghĩa quân Nguyễn Quang Bích. Có thể, đến những ngày này, ít người biết rằng, trong cả hai trận phục kích quân Pháp tại Cầu Giấy, giết chết đại úy Francis Garnier và đại tá Henri Rivière đều có sự tham gia của những nghĩa binh từ Tây Bắc kéo về. Và, cả hai lãnh tụ khởi nghĩa Tây Châu Hoàng Công Chất, Nguyễn Quang Bích đều là con dân của miền đất Sơn Nam Hạ Thái Bình. Năm 1890, khi Nguyễn Quang Bích từ trần, người đốc binh của ông chiêu mộ nghĩa binh hoạt động suốt hai giải Thao - Đà. Ông là Đốc Ngữ. Ngày 29/1/1891, nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích đồn Chợ Bờ, một đồn binh quan trọng, kiểm soát con đường trọng yếu lên Tây Bắc của thực dân Pháp. Trận đánh thắng lợi, nghĩa quân giết chết tên phó công sứ RuGiơni và nhiều lính Pháp, thu được 118 khẩu súng trường, 4 khẩu súng lục và nhiều đạn dược.

Gần hơn, trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, mùa xuân năm 1954, để có thể vận chuyển nhân tài vật lực lên tiền tuyến, một con đường gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng được khẩn trương xây dựng. Đó là con đường từ Lạng Sơn qua Thái Nguyên lên Yên Bái, vượt sông Hồng ở bến phà Âu Lâu, qua đèo Lũng Lô lên Phù Yên - Bắc Yên (Sơn La). Đường vận tải vượt sông Đà ở bến Tạ Khoa, băng qua đèo Chẹn lên gặp đường 6 ở ngã ba Cò Nòi. Đoạn từ bến Tạ Khoa lên Cò Nòi là trọng điểm đánh phá của máy bay Pháp. Đã có hàng trăm chiến sĩ thuộc đại đội Thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba này. Bây giờ, tại ngã ba lịch sử, có một cụm tượng đài Thanh niên xung phong lẫm liệt tạc vào nền trời Tây Bắc. Và, ngày đó, phần lớn khí tài từ Liên Xô, Trung Quốc được đưa lên Điện Biên bằng chính con đường huyền thoại này.

(Còn nữa)


Oai linh miền cổ tích sông Đà (Kỳ 1)