Nụ cười thầy Nguyễn Ngọc Ký

Khi còn nhỏ, chúng ta thường rất say mê và tin vào những câu chuyện cổ tích được nghe bà hay mẹ kể. Câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký với đôi chân huyền thoại cũng giúp chúng ta tin vào những điều kỳ diệu là có thật. Chỉ cần chúng ta bước đi bằng sự mạnh mẽ của ý chí, với trái tim rộng mở và nụ cười, sự nhiệm màu sẽ tới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh tư liệu
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh tư liệu

Nhà giáo Ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Hậu, Nam Định, vừa mất ngày 28/9/2022. Ông bị liệt hai tay từ khi lên 4 tuổi, nhưng nhờ nghị lực phi thường ông đã tập luyện để viết chữ và làm nhiều việc bằng đôi chân. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, sau khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5, Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2. Năm 1966, Nguyễn Ngọc Ký thi đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, Nguyễn Ngọc Ký trở về quê nhà làm giáo viên dạy văn.

Cảm giác về ngày đầu gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn còn vẹn nguyên trong tôi. Đó là năm tôi 10 tuổi, đang học lớp 4 trường làng thì thi đậu vào Trường Năng khiếu huyện Hải Hậu, Nam Định. Bố đưa tôi đến trường, dẫn tôi đến gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký - người thầy tôi đã từng được gặp qua sách giáo khoa, mà tôi vô cùng ngưỡng mộ về tinh thần vượt khó. Tôi đâu nghĩ có ngày mình lại được gần gũi thầy như vậy. Nụ cười rạng ngời, đôi mắt sáng và ánh nhìn vô cùng trìu mến, ấm áp của thầy khiến cho những đứa lần đầu đi học xa nhà phải ở lại trường bớt đi phần nào âu lo. Giờ học văn của thầy Ký, có lẽ không thể gọi đơn giản là “học” đâu. Chúng tôi ở trong một thế giới mà ai cũng đều tham gia sáng tạo. Thầy khuyến khích cách trình diễn một bài thơ, mà không chỉ là đọc. Chúng tôi nói về những điều mình cảm nhận tác phẩm, không có đúng và sai, cũng chẳng phải theo giáo án khuôn mẫu nào.

Những buổi học đêm trong ngôi trường nội trú hình dung lại có khác gì cổ tích! Trong ánh đèn dầu, trong tiếng dế kêu, trong tiếng lá rơi, gió thổi ngoài sân trường, trong ánh sao mờ tỏ xa xa trên bầu trời, chúng tôi ngồi nghe thầy kể chuyện. Tình yêu với văn học từ những buổi như vậy mà hiển lộ, giúp tôi nhận ra, cuộc sống sẽ nhàm tẻ và buồn chán thế nào nếu không có văn học nghệ thuật. Cách thầy Ký đưa chúng tôi đến với một tác phẩm văn học bao giờ cũng đặc biệt, mà càng về sau này tôi càng nghiệm ra, vì sao khi đó tôi đã sẵn lòng với những giờ học văn của thầy đến thế.

Nếu cần nói về một bài học nào đó, thì cả cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký là một bài học lớn. Có câu danh ngôn: “Tôi luôn có nhiều trở ngại trong cuộc đời, nhưng đôi môi của tôi không hề biết điều đó, chúng luôn mỉm cười”. Thầy Ký là một người như vậy. Chúng ta làm sao đong đếm cho hết những khó khăn, bất lực và cả những tuyệt vọng mà thầy Ký đã âm thầm nếm trải, trong hoàn cảnh của một người bị liệt cả hai cánh tay. Đôi chân gánh vác cả một số phận nhọc nhằn, nhưng nhờ có nụ cười lạc quan dẫn lối, thầy Ký đã bước đến với bao điều kỳ diệu. Bao thế hệ học trò đã soi mình trong tấm gương của thầy để đi trong cuộc đời, xác quyết làm một người tử tế, không ngã lòng trước mọi khó khăn.

Khi thầy Nguyễn Ngọc Ký chuẩn bị xuất bản cuốn hồi ký “Những tâm hồn dấu yêu” - là một trong những cuốn sách cuối cùng của thầy, tôi có niềm tự hào được thầy gửi gắm viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Hai thầy trò đã trao đổi nhiều điều, trong đó tôi nhớ nhất lời thầy chia sẻ: “Muốn truyền lửa cho thế hệ tương lai, người thầy phải có trong mình ngọn lửa đó. Ngọn lửa nhiệt tình không vơi cạn, cũng như khả năng thấu hiểu và nhìn thấy trong mỗi người là một viên ngọc quý. Giáo dục cần rất nhiều yêu thương và lòng kiên trì”. Với thầy Ký, không có học sinh hư, mà chỉ có thầy cô chưa biết cách, chưa đủ nhiệt tình.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1994, ông chuyển vào sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã vào những trang sách giáo khoa. Ông được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh.

Lúc không còn đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài với những chuyến đi. Thầy đến nhiều ngôi trường trên mọi miền đất nước, gặp gỡ, truyền cảm hứng cho các em học sinh thân yêu. Nơi đâu thầy Ký đến, nơi đó có nụ cười và sự ân cần, có tình yêu thương và năng lượng tốt lành. Thầy Ký đã đi nói chuyện với học sinh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 1.500 buổi gặp gỡ. Ngay cả lúc sức khỏe không tốt, người thân lo lắng, thầy vẫn ham đi, bởi vì: “Đi gặp tụi nhỏ về thầy thấy trong người khỏe hơn”. Thật khó hình dung trong bầu khí quyển của thầy Nguyễn Ngọc Ký không có ánh mắt, nụ cười của con trẻ.

Ở một tư cách khác, tư cách nhà văn, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn chọn để hướng về giáo dục. Ngoại trừ những cuốn hồi ký viết về từng giai đoạn cuộc đời mình, thầy Nguyễn Ngọc Ký làm thơ cho thiếu nhi. Thầy mang những bài học vào thơ ca một cách khéo léo, nhẹ nhàng. Mỗi trang sách của thầy đều thấm đẫm tính nhân văn, gieo mầm sự tử tế nơi tâm hồn trẻ thơ.

Một người đi qua đời sống này, điều gì còn để lại. Đó là “một tấm lòng” - như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay là một nụ cười rạng rỡ như cách của thầy giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký. Nụ cười luôn sáng bừng trên khuôn mặt của thầy, ngay cả khi thầy nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Nụ cười là biểu tượng của tinh thần lạc quan bất tận, động viên mọi người khi gặp nghịch cảnh, sóng gió. Nụ cười giúp chúng ta thêm tin vào sự kỳ diệu của đời sống này.