Buổi gặp mặt xúc động
Báo Sông Hồng đã kịp ghi lại buổi gặp mặt đầu tiên của hàng trăm văn nghệ sĩ ngay sau ngày Thủ đô giải phóng: “Hồi 15 giờ ngày 12/10, tại trụ sở lâm thời của Hội Văn nghệ Việt Nam, hàng trăm anh em trong đủ các ngành văn, họa, kịch thơ, kiến trúc, nhạc đã gặp nhau lần thứ nhất ở thủ đô giải phóng. Hai buồng rộng lớn không đủ chỗ ngồi. Mặc dầu trời mưa, nhưng không ai bảo ai, đều đến một cách đông đủ hơn bao giờ hết. Anh Xuân Diệu, Xuân Sanh, anh Nguyễn Tuân, anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Mỹ Duật đã siết tay các bạn mới cũ, có khi ôm chầm lấy nhau vì 8 năm đằng đẵng”. (báo Sông Hồng, ngày 14/10/1954).
“Cuộc hội họp này, hứa hẹn một đà văn nghệ lớn lao, mà Hà Nội là nơi sẽ phát ra ánh sáng vĩ đại của chế độ, lan tỏa trong toàn quốc” (báo Sông Hồng, ngày 14/10/1954) - Đó là nhận định của một nhà báo đương thời. Và quả thật, ngay sau đó, không khí văn hóa - văn nghệ không chỉ ở Hà Nội, mà thậm chí ở các tỉnh, thành đều rất sôi động.
Chỉ sau ngày giải phóng độ mười ngày, ngày 21/10/1954, hồi 10 giờ sáng, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội đã đến khai mạc phòng triển lãm tại Nhà hát Lớn chào mừng Thủ đô giải phóng do Hội Văn nghệ Việt Nam và Liên hiệp công đoàn Hà Nội tổ chức. “Trên 40 bức vẽ và tượng của các họa sĩ Hà Nội trưng bày trong phòng triển lãm, có những tác phẩm sáng tác từ trong thời kỳ Hà Nội còn bị chiếm đóng, có những tác phẩm mà anh em hoàn thành trong không khí phấn khởi của thủ đô giải phóng” (Báo Nhân Dân, ngày 22/10/1954).
Về các tác phẩm thì “một số ghi lại những cảnh tàn phá của Thủ đô Hà Nội lúc mới kháng chiến, những cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư vào nam, đấu tranh bảo vệ than dự trữ ở nhà máy đèn, những cảnh phá hoại của quân đội Pháp,… Nói chung, các tác phẩm đều được sáng tác trong một thời gian rất ngắn để kịp thời phục vụ nhân dân Thủ đô…” (Báo Nhân Dân, ngày 23/10/1954).
Tập trống bằng… cánh cửa, tập kèn bằng… ống nứa!
Tại Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam cũng tổ chức một phòng triển lãm hội họa tại thị xã Thái Nguyên. “Từ lúc khai mạc đến lúc dỡ tranh 3 ngày, nhân dân đủ các thành phần và tầng lớp tấp nập đến xem, không một lúc nào phòng triển lãm vắng người. Gần 100 người đã ghi lại cảm tưởng của mình về phòng tranh. Phòng triển lãm đã trưng bày 196 bức tranh của các họa sĩ cũ và mới, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong nhân dân…” (Báo Nhân Dân, ngày 21/10/1954).
Nói về triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc nhận định: “Cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc đã cung cấp những chủ đề rất khác nhau cho họa sĩ. Mỗi người đều xúc cảm một khía cạnh, một hiện tượng, một cảnh sắc không giống nhau, làm cho phòng triển lãm năm nay phong phú hơn. Nhưng toàn bộ đã nói lên một đề tài thống nhất: Thắng lợi của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam” (Báo Nhân Dân, ngày 21/10/1954).
Đó là mỹ thuật, còn về âm nhạc, trong hồi ký “Những chặng đời tôi”, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên nhớ lại: “Chúng tôi tổ chức hẳn một đại đội sáo nứa, một trung đội trống cái, trống con, xim-ban. Chẳng biết xưa nay trên thế giới có đội nhạc binh nào tập như chúng tôi thuở ấy không? Thiếu nhạc cụ, chúng tôi hạ cánh cửa nhà dân xuống, mỗi anh cầm hai chiếc đũa cả tập gõ trống. Còn lính tập kèn thì sao? Chúng tôi lấy ống nứa cắt theo kèn cla-ri-nét, kèn xắc-xô, cứ vẽ mực vào chỗ nào là nốt Mi, nốt Pha, nốt Son,… mồm đọc nốt, ngón tay bịt, mở đúng chỗ đã đánh dấu”. Thiếu thốn là thế, nhưng chính đội quân nhạc do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy đó đã cử Quốc thiều (bản nhạc tổng phổ của Quốc ca) trong lễ chào cờ đặc biệt chiều 10/10/1954.
Cũng tại Thủ đô, các rạp chiếu phim như: Đại Nam, Kinh Đô,… tích cực công chiếu bộ phim “Việt Nam kháng chiến”. Trên báo chí bấy giờ có đăng những quảng cáo như sau: “Ta xem phim Việt Nam kháng chiến mới rõ cuộc đấu tranh anh dũng, bền bỉ và gan dạ của các chiến sĩ quân đội nhân dân ta. Sau nữa ta được trông thấy Hồ Chủ tịch đi khuyến khích nhân dân khi ở tiền tuyến lúc ở nơi đồng bằng đang tăng gia sản xuất. Một bộ phim người Việt Nam nào cũng nên đi xem” (báo Sông Hồng, ngày 17/10/1954).
Không khí văn hóa - văn nghệ không chỉ sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ, mà ngay trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là nhân dân Thủ đô, niềm vui chiến thắng được thể hiện cả trong lời thơ, ý nhạc:
“Những niềm vui của nhân dân Hà Nội, ngoài phần phát biểu bằng thi ca, lại còn có các cụ già viết phần bài hát nói, hát chèo để mừng Quân đội nhân dân và mừng Hồ Chủ tịch. Nhưng, niềm vui bồng lên ở giới thanh niên, mạnh hơn tất cả. Anh Lê Quốc, trong bài thơ “Lá Quốc Kỳ” đã viết: “Lá cờ từ trên non cao/Từ rừng xanh đã về/Thắm thiết mầu đồng bằng/Hùng vĩ mầu sơn cước/Ôi! Lá quốc kỳ!/Bao giờ quên được!”. Hay một bài thơ khác của tác giả Hoa Xuân: “Đoàn xe ấy, tự Hòa bình đang tới/Đang tiến lên theo đường thẳng, mầu cờ/Hai bên đường nhân dân vui đời mới/Vui nhịp vui, cười với nắng, xanh lơ…” (báo Sông Hồng, ngày 20/10/1954).
Bầu không khí văn hóa - văn nghệ sôi nổi trong những ngày đầu Thủ đô giải phóng, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Tinh thần ấy luôn được giữ nguyên vẹn và trao truyền cho các thế hệ mãi mãi về sau.
Khơi dậy sức mạnh văn hóa của Thủ đô
69 năm đã trôi qua kể từ ngày Thủ đô giải phóng, kế thừa và phát huy sức mạnh văn hóa được hun đúc từ truyền thống lịch sử, trong những năm qua, Hà Nội luôn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội có hơn 4.000 hội viên ở nhiều lĩnh vực. Các hội thảo, tọa đàm về văn hóa - văn nghệ được tổ chức như: “Văn học nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô”; “Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”, “Văn học, nghệ thuật tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái”…
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã phối hợp các đơn vị tổ chức được nhiều lễ hội, sự kiện quy mô như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội, Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, Lễ hội văn hóa Hàn Quốc, Lễ hội văn hóa - ẩm thực Pháp, Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại… Các không gian trưng bày, triển lãm, không gian văn hóa sáng tạo như phố Bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Hồ Gươm, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, làng bích họa Chử Xá, Phố sách Hà Nội, các bảo tàng văn hóa - lịch sử, bảo tàng cách mạng... đã tạo nên những sắc màu văn hóa độc đáo cho Thủ đô.
Các mô hình hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng phát triển mạnh với nhiều hoạt động phong phú, các câu lạc bộ văn nghệ, đội văn nghệ quần chúng được thành lập là sân chơi cho những người đam mê, yêu văn nghệ, góp phần cố kết cộng đồng. Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó càng cho thấy sự nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, của nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay.