Cuộc họp được tiến hành khẩn cấp sau đợt tấn công dồn dập của lực lượng Israel vào các cơ sở y tế ở Dải Gaza. Mới nhất, cuộc đột kích vào bệnh viện Kamal Adwan, bị Israel cáo buộc là nơi ẩn náu của các tay súng Hamas, đã khiến cơ sở y tế chính ở miền bắc Gaza này hư hại nghiêm trọng, các bệnh nhân phải được chuyển đi nơi khác. Bệnh viện Al Awda, cơ sở y tế cuối cùng còn hoạt động ở miền bắc Gaza, phải chật vật chăm sóc người bị thương khi cạn kiệt nguồn lực, thiếu cả các loại thuốc thiết yếu.
Tiến sĩ Peeperkorn nêu rõ, hơn 25% trong số 105.000 dân thường bị thương ở Gaza đang đối mặt những thương tích có thể khiến cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk gọi việc phá hủy các bệnh viện là “thảm họa nhân đạo đang xảy ra trước mắt cộng đồng quốc tế”. Quan chức LHQ lên án hành động tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ sở y tế ở Gaza.
Trong khi đó, đại diện tổ chức Viện trợ y tế cho người Palestine (MAP), Tiến sĩ Tanya Haj-Hassan cảnh báo rằng, với nhân viên y tế làm việc tại Gaza, việc mặc áo blouse trắng không khác gì khoác lên mình “mục tiêu tấn công”. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để thực hiện sứ mệnh nhân đạo.
Các vụ tấn công không chỉ phá hủy cơ sở hạ tầng, mà khiến hoạt động của các bệnh viện bị đảo lộn, người bệnh không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc thiết yếu. Theo WHO, kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza vào tháng 10/2023, hơn 1.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng; hơn 650 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã khiến 886 người chết, khoảng 1.350 người bị thương. Trên khắp dải đất này, hiện có 16 trong số 36 bệnh viện ở Gaza còn hoạt động và chỉ cung cấp được khoảng 1.800 giường bệnh.
Kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo tới Gaza, các quan chức LHQ nhấn mạnh, việc bảo vệ các cơ sở y tế trong thời chiến là yêu cầu vô cùng quan trọng và phải được tất cả các bên tôn trọng. Một lệnh ngừng bắn khẩn cấp có thể cứu hệ thống y tế ở Gaza trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.