Số liệu được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp.
Theo Yonhap News, tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước. Theo thước đo của LHQ, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, hơn 14% là “xã hội già”, trong khi hơn 20% là “xã hội siêu già".
Dân số thuộc nhóm tuổi này ở Hàn Quốc đã tăng dần qua các năm, từ 4,94 triệu người vào năm 2008, chiếm 10% dân số thời đó, lên 15% vào năm 2019 và đạt 19,05% vào tháng 1/2024. Theo số liệu mới nhất, số lượng phụ nữ từ 65 tuổi trở lên là 5,69 triệu người, trong khi nam giới là 4,54 triệu người. Tỷ lệ người cao tuổi cao nhất tập trung ở tỉnh Jeolla Nam, đạt 27,18%, trong khi thành phố Sejong có tỷ lệ thấp nhất là 11,57%. Tại Thủ đô Seoul, tỷ lệ này là 19,41%.
Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ dân số già tăng lên kéo theo số người hưởng lợi từ quỹ lương hưu quốc gia nhiều hơn số người đóng góp vào quỹ, khiến cán cân tài chính của quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc có thể sẽ chạm đáy vào năm 2055. Ngoài ra, sự già hóa dân số cũng dẫn đến chi phí y tế tăng lên và gây áp lực lên sự ổn định của hệ thống bảo hiểm y tế.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, bao gồm tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một bộ ngành mới chuyên về chiến lược dân số. Trong đó, ưu tiên phân bổ nhà ở cho những gia đình có con nhỏ, cho vay lãi suất thấp để các cặp vợ chồng mới cưới có tiền mua nhà; bù đắp khoảng trống về nhân lực bằng cách xây dựng kế hoạch mở rộng các loại thị thực và tạo điều kiện việc làm thuận lợi hơn cho lao động trong nước và người nhập cư…
Dù đây chỉ những giải pháp tạm thời để giải quyết bài toán khó về “xã hội siêu già”, song cũng là nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó vấn đề cấp bách này, tránh nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống kinh tế - xã hội.