Những người vẽ cùng Nguyễn Quang Thiều

Đối diện toan, nhà thơ chỉ có một mình. Nhưng đằng sau, luôn có những người góp phần tiếp lửa, hoặc ngược lại, được truyền lửa từ chính ông. Họ cùng hòa sức nóng với thế giới tưởng tượng phong phú của Nguyễn Quang Thiều và hân hoan nhìn ông sáng tạo.

Bức tranh “Người thổi sáo”.
Bức tranh “Người thổi sáo”.

1. Nhiều người quen, thân Quang Thiều lâu, biết ông có khiếu nghệ thuật. Ông hát được và mày mò thổi được sáo, cũng như có thể dạo một chút trên những phím đàn. Với cái đục trong tay và tấm gỗ, ông có thể tạo ra một khuôn mặt mang vẻ hoang sơ. Không gian thơ của ông dồn nén rất nhiều hình ảnh, tiếng động và những cảm giác đã gom chật trong người suốt những năm ấu thơ, thanh niên, trung niên, được hòa cùng sức tưởng tượng phong phú và kỳ ảo, trở nên giàu tính tạo hình.

Một số năng khiếu, phẩm chất sẵn có và được rèn luyện, như mở cánh cửa đến với tranh khá tự nhiên. Không thể không nhớ đến vai trò “đánh thức” đầy ngẫu nhiên của họa sĩ Phạm Long Quận khi một ngày hơn chục năm trước, ở Hà Đông, họa sĩ giở toan và mầu ra với những nét bút khiến Quang Thiều mê đắm. Nhưng nếu không có sẵn một trữ lượng nhất định trong người, cùng niềm ham thích mỹ thuật, có lẽ ông cũng sẽ bỏ qua. Thậm chí, gần chục năm trước, chính ông từng có lúc không hứng thú với sắc mầu, đường nét do mình tạo ra nữa. Bởi với văn nghệ sĩ nói chung, “ông trời” không mấy khi biệt đãi cho một người tinh thông cả mấy lĩnh vực được. Và ở tình huống này, thì chính tình cảm, sự trân trọng của bằng hữu lại là “dây cháy chậm” giữ ngọn lửa tranh vẽ của Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Dương Kiều Minh trong những ngày tháng đau yếu sắp lìa xa, đã đưa cho tác giả Trịnh Văn Sỹ, một thành viên trong Nhóm nhân sĩ Hà Đông, những bức tranh mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi, dặn hãy giữ lại. Về sau, chính ông Thiều cũng ngạc nhiên trước những bức vẽ “bỏ đi” ấy!

Nhưng điều làm ông xúc động hơn thế là những người bạn. Suốt thời gian dài và cho đến nay, ông Trịnh luôn trân quý những bức tranh của Nguyễn Quang Thiều. Ông đóng khung trang trọng nhiều bức, treo trong căn phòng ở tầng một nhà mình tại thôn Đa Sĩ (Hà Đông, Hà Nội), nơi đã là không gian văn hóa nghệ thuật để Nhóm nhân sĩ Hà Đông đàm đạo, tiếp khách, trao đổi nghề nghiệp và động viên nhau sáng tạo. Trên tầng hai là phòng thờ của chi họ và gia đình, ông Sỹ treo bức “Người thổi sáo” của Nguyễn Quang Thiều.

2. Họa sĩ Phạm Long Quận và nhà thơ Dương Kiều Minh không còn. Nhưng tác giả Trịnh Văn Sỹ và những người khác, đang cùng Nguyễn Quang Thiều giữ những bức tranh, cùng “thắp” những ý tưởng. NSƯT Chu Lượng là họa sĩ trước khi dấn thân vào nghiệp rối. Ông vẫn “vẽ” bằng việc tạo hình rối, bằng những bức chân dung bạn bè mình và bày hẳn một triển lãm vẽ bạn. Họa sĩ Hoàng A Sáng mấy năm nay tìm lại, tìm thấy mình hơn trong tranh với hai triển lãm thành công và đặc biệt là nhiều tranh được người mua ưa chuộng… Những người khác trong Nhóm nhân sĩ Hà Đông, tình yêu hội họa của họ luôn dồi dào. “Không khí Hà Đông” giúp Quang Thiều thêm hào hứng. Trong những tháng ngày này, một số thành viên của nhóm và nhiều họa sĩ bạn bè khác đang chuẩn bị những bức tranh sẽ tham gia triển lãm tại làng Chùa ở Ứng Hòa, Hà Nội, quê của Nguyễn Quang Thiều, để cho người dân xem.

Và không thể không nhắc đến những họa sĩ kỳ cựu, là bạn nhiều năm với nhà thơ, hào hứng khi thấy ông cầm bút vẽ và cũng bị cuốn hút bởi những gì ông vẽ ra. Họa sĩ Lê Thiết Cương mang mầu tốt vào tặng. Một số triển lãm nhóm, ông cùng các họa sĩ trân trọng mời Nguyễn Quang Thiều tham gia. Họa sĩ Thành Chương, một cách rất nghiêm túc, thường thúc giục Quang Thiều mở triển lãm cá nhân.

Nhà thơ đã có duyên, có nợ với hội họa cả thời gian dài mà ở đó, vẻ đẹp bằng hữu văn nghệ sĩ, nhân sĩ luôn phát sáng, khiến cho mỗi người, thường tự giục mình làm gì đó. Với Nguyễn Quang Thiều, có lần ông chia sẻ, vẽ đem lại một cảm giác thoải mái kỳ lạ, thậm chí, nó gạt bỏ đi rất nhiều những bận tâm, bận lòng, những dằn vặt, có khi bực dọc và thời gian cả vài tiếng, cả nửa ngày tưởng chừng trôi quá nhanh. Phải chăng, chính những bức tranh của Nguyễn Quang Thiều đã giúp “lọc” nội tâm của ông, khi mà những gì ông vẽ hướng đến sự thánh thiện, đan xen bí ẩn với những luồng sáng và bầu không khí huyền ảo. Những đường nét hiện ra rành rọt và thân mật, như gọi về lời nhắc hãy thương mến và nhân từ. Cành cây vươn dài thành ống sáo, những chiếc lá xanh như đang phát sáng, ai đó say mê thổi, ai đó miên man ngủ dưới gốc cây, trên mặt đất, giữa những chiếc bình, lọ mộc mạc. Một thảm hoa cải rực vàng, thoáng xa xa ngôi nhà thờ bình dị. Những con chim ánh lên như sắp hót lời tiên tri. Chuỗi đồ vật phảng phất nét bích họa hang động, gợi về cổ xưa và nguyên sơ…

Mang tên “Người thổi sáo”, triển lãm tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ khai mạc lúc 10 giờ sáng tại Trung tâm Art Space 42 Yết Kiêu, Hà Nội từ ngày hôm nay 7-1 đến 15-1, gồm 54 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, mầu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150 cm x 180 cm và bức nhỏ nhất 50 cm x 70 cm. “Người thổi sáo” như một cách lên hình những câu thơ của ông, như một gợi mở hướng thiện, như một lý do để gặp gỡ, tri ân bạn bè và hạnh phúc cùng nhau bước tiếp. Triển lãm do Nhóm nhân sĩ Hà Đông và nhiều hơn thế, cùng góp sức thực hiện.