Những mục tiêu phù hợp cho năm 2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó đưa ra một số chỉ tiêu thấp hơn so năm 2023, như tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5% (năm 2023 là 6 - 6,5%); tăng năng suất lao động là 4,8 - 5,3% (năm 2023 là 5 - 6%); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP là 24,1% - 24,2% (năm 2023 khoảng 25,4 - 25,8%)… Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những mục tiêu phù hợp thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Vốn đầu tư công trong phát triển hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh giải ngân. Ảnh: BẮC SƠN
Vốn đầu tư công trong phát triển hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh giải ngân. Ảnh: BẮC SƠN

Chưa thể kỳ vọng tăng trưởng nhanh

Nhìn nhận về các chỉ tiêu này, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dù thấp so với các năm trước, nhưng đây là những chỉ tiêu phù hợp với bối cảnh hiện nay - đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi rất chậm, còn trong nước đã qua giai đoạn dịch Covid-19, song sức khỏe của doanh nghiệp đã bị bào mòn nhiều và chưa có những động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, kinh tế Việt Nam chưa thể kỳ vọng một tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024.

“Dù các động lực tăng trưởng đang được phục hồi nhưng những chuyển biến đó không thể có những đột phá được. Vì vậy, đặt ra mục tiêu 6 - 6,5% là phù hợp với một số dự báo và nhận định của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế thế giới và Việt Nam”, ông Lộc đánh giá.

Phân tích cụ thể, theo ông Lộc, về xuất khẩu, dù Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại nhằm tìm thị trường mới, nhưng khó khăn từ cầu thế giới là điều không thể kiểm soát khiến động lực này sẽ chưa có nhiều đột biến trong thời gian tới. Về đầu tư công, dù đây đang là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, song ông Lộc cũng cho rằng, nguồn vốn này không phải là vô tận và không có tiềm năng lớn để thúc đẩy đầu tư công lớn mạnh về dài hạn.

Trong khi đó, động lực đến từ FDI trong lĩnh vực năng lượng, đổi mới sáng tạo cũng cần thời gian chuẩn bị về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Sự chuẩn bị này phải kéo dài nhiều năm. “Vì vậy, chúng ta chưa hy vọng dòng vốn này sẽ đổ bộ vào Việt Nam ngay trong năm 2024”, ông Lộc nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 thấp hơn năm 2023 là thực tế, xuất phát từ một số chỉ tiêu năm 2023 về kinh tế không đạt, thậm chí thấp hơn khá nhiều như chỉ tiêu tăng năng suất lao động, chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị thế giới vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại đầu tư. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng có đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp bên cạnh tổng cầu thế giới vẫn khó khôi phục như trước dịch Covid-19. Vì vậy, rất khó nhìn được những cơ hội bứt phá.

“Do đó, con số 6 - 6,5% tương đương với năm 2023 là phù hợp và đây cũng là con số cần phải phấn đấu trong năm 2024”, ông Việt nêu rõ.

Những mục tiêu phù hợp cho năm 2024 ảnh 1

Dịp cuối năm, tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại là những tín hiệu tích cực cho sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Động lực của kinh tế Việt Nam

Tại Diễn đàn Đầu tư 2024 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã chỉ ra hai động lực chính tác động đến tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Động lực thứ nhất là xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10 năm nay tăng hơn 5,9% so với tháng 10 năm ngoái. Các nhà xuất khẩu cho biết, tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại, cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực.

Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau sẽ tích cực hơn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công (khoảng 5 tháng) nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau. Năm 2024, quy mô đầu tư công sẽ giảm xuống còn 29 tỷ USD do không còn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng vẫn là một con số lớn.

“GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều”, ông Thành đánh giá.

Ngược lại, nếu vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024, nếu kinh tế toàn cầu xấu đi thì mục tiêu GDP tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm 2024 là rất nhiều bất trắc. Như vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại. Theo đó, định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực trong giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ.

“Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thành nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp là điều cần thiết

Còn theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chính phủ vẫn đang rất nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng GDP năm 2023 hơn 5%. Các nỗ lực này có thể kỳ vọng đạt được khi khối lượng giải ngân đầu tư công đang tốt dần lên, tác động lan tỏa từ đầu tư công bắt đầu rõ rệt dần ở một số ngành, lĩnh vực liên quan. Mặt khác, do yếu tố thời vụ, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy nhiều hơn vào dịp cuối năm; cầu tiêu dùng trong nước được kích hoạt dịp cận Tết Nguyên đán. “Tất cả việc này sẽ là đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024”, ông Việt tin tưởng.

Theo ông Việt, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này. Chính sách thuế, phí cần dựa trên tình hình thực tế. Cần cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay và không nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế, phí mới như một số bộ, ngành đang chuẩn bị cho năm 2024.

“Việc thực thi chính sách hỗ trợ nên được giám sát để không xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thối ngược”, gây xáo trộn môi trường kinh doanh và kìm hãm hiệu quả hỗ trợ”, ông Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng, kết hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa là chủ yếu; đầu tư công phải bảo đảm chi đúng, chi trúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công nói chung, đầu tư công nói riêng đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện Việt Nam có tình trạng có tiền không tiêu được, như đầu tư công có tiền mà không giải ngân được, hay như các ngân hàng hiện thừa thanh khoản nhưng không thể cho vay. Để giải quyết tình trạng này, cải cách thể chế là vô cùng quan trọng, thể chế tốt mới khơi thông được nguồn lực và giúp “tiền đẻ ra tiền” và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của toàn xã hội. Hiện, Quốc hội đang xem xét sửa đổi nhiều luật. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Có thể nói “Đột phá về cải cách thể chế chính là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc khẳng định.