Khán giả đông đảo cần biết đến hoạt động về lãnh tụ vĩ đại Karl Marx (Các Mác) do Viện Goethe tại Hà Nội (56 Nguyễn Thái Học) tổ chức. Dự án này có mong muốn thế hệ sau hiểu được vị trí, ảnh hưởng của ông ở tư cách nhà triết học, chính trị gia và khoa học kinh tế lớn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự án mang tên “Đối thoại về tính hiện thực của Karl Marx” và mời rộng rãi người tham gia thảo luận bằng các hình thức thể hiện nghệ thuật hoặc khoa học như tản văn - phóng sự, ảnh, vẽ tranh, hoặc video, tác phẩm sân khấu… Cuộc đối thoại này sẽ hướng tới bốn chủ đề là Marx với Tôn giáo và Marx với: Sự tiêu dùng hàng loạt; Sự toàn cầu hóa; Sự giải phóng con người. Cuộc thảo luận công khai song song triển lãm tác phẩm nghệ thuật của dự án tại Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 21, 22-9.
Một câu chuyện đáng chú ý khác vừa diễn ra ở nước ngoài, có liên quan một đại tỷ phú qua đời năm ngoái khi 101 tuổi. Đó là ông David Rockefeller (người Mỹ). Trước khi qua đời, vị tỷ phú này trăng trối sẽ bán đi toàn bộ sưu tập nghệ thuật tạo hình trong năm 2018 để ai hâm mộ nghệ thuật có thể thỏa mãn niềm vui thích từ các tác phẩm. Và bộ tác phẩm này được sưu tập chủ yếu về thời nghệ thuật Ấn tượng và hậu Ấn tượng thành công tại Paris, với các nghệ sĩ đến từ khắp châu Âu. Toàn bộ số tiền sau khi bán tranh cũng được vị tỷ phú yêu cầu sẽ gửi vào những quỹ từ thiện mà sinh thời ông cùng gia đình thường đóng góp. Và chưa cần phải chứng kiến trực tiếp sự kiện này mà chỉ xem qua thông tin, cũng làm bất kỳ ai kinh ngạc. Vì chỉ ngày đầu tiên trong ba ngày đấu giá trong tuần qua, bộ sưu tập phần lớn đã được bán với tổng giá 646 triệu USD, trong đó, mỗi bức có giá vài triệu đến vài chục triệu USD. Điều đó cũng có nghĩa là ở nhiều nơi, những ai được hưởng lợi từ các quỹ từ thiện mà gia đình Rockefeller tham gia đóng góp, cũng sẽ hết sức hân hoan đón nhận sự hỗ trợ ý nghĩa của đông đảo những người yêu nghệ thuật thông qua dự án đặc biệt này.