Những dự án “treo” ở Ninh Thuận (kỳ 2)

Kỳ 2: Lãng phí đất đai
0:00 / 0:00
0:00
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Amina Ninh Chữ đã gia hạn bốn lần vẫn chưa hoàn thành.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Amina Ninh Chữ đã gia hạn bốn lần vẫn chưa hoàn thành.

(Tiếp theo và hết)

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 57 dự án du lịch đã được cấp phép đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 51.690 tỷ đồng. Trong số này, mới chỉ có 24 dự án đã đi vào hoạt động, còn lại đều đang ở tình trạng không triển khai hoặc làm cầm chừng rồi mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ đầu tư...

Bánh vẽ “đất vàng” ven biển

Sở hữu đường bờ biển dài hơn 105 km với những bãi tắm có vẻ đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm, Ninh Thuận có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch. Từ những năm 2000, hàng loạt nhà đầu tư đã đến “giữ đất” nhưng đến nay nhiều dự án vẫn ở tình trạng dở dang.

Nằm trên diện tích đất vàng khu du lịch ven biển Ninh Chữ (TP Phan Rang - Tháp Chàm), dự án Khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/5/2008. Cam kết đưa công trình vào hoạt động trong năm 2010 nhưng đến nay sau 15 năm, nơi đây vẫn là bãi cỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Tương tự cách đó không xa là dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia Ninh Chữ được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2011 với mục tiêu đưa vào hoạt động trong năm 2014 nhưng qua bốn lần gia hạn, điều chỉnh, nơi đây vẫn là công trình dở dang với 36 căn biệt thự mới xây xong phần thô. Tại Kết luận số 38/KL-SKHĐT ngày 28/3/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận đánh giá: Năng lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến việc thi công chậm hoàn thiện để đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Chậm tiến độ lại xin điều chỉnh dự án, vòng xoay này kéo dài hơn một thập kỷ khiến du lịch Ninh Thuận chưa thể bứt phá xứng với tiềm năng. Đơn cử như dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Núi Chúa (huyện Ninh Hải) với tổng diện tích 106 ha ôm dọc theo bờ biển, được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay mới chỉ triển khai được 40% khối lượng công việc. Sau nhiều lần chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án lại tiếp tục xin gia hạn và điều chỉnh thiết kế vì lý do “đồ án quy hoạch trước kia không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường”.

Việc lỏng lẻo trong quản lý hoạt động xây dựng cũng dẫn đến nhiều chủ đầu tư coi thường pháp luật, xây dựng sai vị trí, vượt giấy phép. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Núi Chúa - Amanoi Resort thuộc giai đoạn 1 của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa đã qua chín lần điều chỉnh mới đi vào hoạt động. Riêng giai đoạn 2 của dự án hiện đang bị dừng do xây dựng sai vị trí. Điều đáng nói đây được coi là dự án mang tính biểu tượng của Ninh Thuận, nằm ở vị thế đặc biệt trong quần thể Vườn quốc gia Núi Chúa, án ngữ trước biển... Hay tại dự án Khu du lịch Bình Tiên xây dựng trên địa bàn xã Công Hải, huyện Thuận Bắc sau nhiều lần “mua đi, bán lại” qua các chủ đầu tư khác nhau cho đến nay mới chỉ đưa được sân golf vào hoạt động... Đặc biệt dù đã bốn lần điều chỉnh nhưng dự án vẫn xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.

Ông Nguyễn Như Nguyên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết: Qua kiểm tra, Sở Xây dựng phát hiện một số hạng mục xây dựng tại dự án Bình Tiên không có giấy phép và một số hạng mục xây dựng sai phép. Đồng thời thanh tra Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu nhà đầu tư khắc phục trong thời gian sắp tới. Riêng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa giai đoạn 2 đã xây dựng sai vị trí một số hạng mục so với chấp thuận ban đầu. Từ năm 2021 đến năm 2023, quá trình kiểm tra 35/55 dự án theo kế hoạch đã phát hiện hơn 20 chủ đầu tư triển khai xây dựng sai nội dung giấy phép.

Nhiều dự án được cấp phép xây dựng gần các công trình quốc phòng, an ninh, vịnh biển là nơi trú ngụ, tránh bão của ngư dân, hoặc nằm trong khu vực rừng quốc gia đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Điều này đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tác động của những dự án đến hệ sinh thái, quốc phòng - an ninh và cảnh quan của khu vực? Ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tất cả các dự án đầu tư du lịch ven biển nhất là các dự án của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đều được quan tâm đến công tác quốc phòng - an ninh, bảo vệ rừng. Từ năm 2020 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thanh tra 23 dự án, xử phạt hơn 1 tỷ 177 triệu đồng; trong đó có 6 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, xử phạt 295 triệu đồng; tổ chức kiểm tra 30 dự án, giám sát 27 dự án; đồng thời đã tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt hoạt động 16 dự án.

Cần những giải pháp quyết liệt từ tỉnh

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có 22 dự án du lịch trọng điểm đang triển khai thực hiện. Trong đó có 17 dự án đã giao đất, 5 dự án chưa được giao đất, vướng mắc giải phóng mặt bằng, vướng đất rừng và chậm tiến độ. Một số dự án tuy đã được cấp phép chủ trương đầu tư hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, gây lãng phí gần một nghìn ha đất ven biển. Tại “dự án du lịch tỷ đô” Mũi Dinh Ecopark (sau này đổi tên dự án Cap Padaran Mũi Dinh), được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép cho Công ty CP Mũi Dinh Ecopark triển khai từ tháng 4/2017 trên diện tích 358 ha, trong khu vực đồi cát ven biển thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Năm 2022, chủ đầu tư mới tổ chức lễ khởi công và cam kết hoàn thành trong tháng 6/2025, tuy nhiên hiện dự án mới chỉ xây dựng được hệ thống đường giao thông, hạ tầng kết nối như điện, nước, viễn thông...

Bên cạnh những lý do chủ quan từ chính chủ đầu tư thì để đẩy nhanh tiến độ, ông Nguyễn Ngọc Hào, Phó Tổng Giám đốc Dự án Cap Padaran Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận đề xuất: Dự án chậm tiến độ, nguyên nhân thứ nhất do dịch bệnh. Thứ hai là một số hạng mục như đất dọc bờ biển (liên quan tới titan) và khu núi đá (liên quan tới chuyển đổi đất rừng) chưa được bàn giao. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất tới bây giờ tại dự án là vẫn chưa xác định được nghĩa vụ tài chính của khu đất để triển khai các thủ tục tiếp theo.

Tương tự tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ (huyện Ninh Hải), ông Đinh Khánh Toàn, Phụ trách dự án cho biết: Năm 2021, chúng tôi được chấp thuận đầu tư lần 1 nhưng suốt nhiều năm không có đường vào thi công theo quy hoạch của tỉnh. Sau này tỉnh đưa ra phương án khác để doanh nghiệp lấn biển đầu tư đường vào dự án. Đến tháng 5/2022, lô đất cuối cùng mới được bàn giao dẫn đến kéo dài dự án. Bên cạnh đó, thiếu nước sạch cũng đang là một bài toán khó với chúng tôi trong giai đoạn sắp tới.

Để thúc đẩy các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đúng tiến độ cam kết, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thu hút các nhà đầu tư mới, rất cần UBND tỉnh Ninh Thuận có những giải pháp quyết liệt, cụ thể. Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút tối đa các nguồn lực xã hội. Chúng tôi cũng đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý dự án sau chấp thuận đầu tư, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; đồng kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các dự án chậm tiến độ, cố tình chây ỳ do năng lực của chủ đầu tư.

Từ việc triển khai đề án ổn định đời sống cho người dân hậu dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho công tác quản lý đầu tư hàng loạt dự án du lịch ven biển cho thấy, dù giải pháp đã có, nhưng để cụ thể hóa vào trong cuộc sống thì rất cần sự nỗ lực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và làm một cách nghiêm túc, triệt để, đồng bộ từ chính người đứng đầu tỉnh Ninh Thuận cho đến các sở, ngành chuyên môn và chính quyền các huyện, xã... Chỉ khi đó, những dự án chậm tiến độ và hệ lụy của nó gây ra đối với người dân và sự phát triển của địa phương mới sớm được giải quyết.

Những dự án “treo” ở Ninh Thuận (kỳ 1)