Những dự án “treo” ở Ninh Thuận (kỳ 1)

Năm 2009, với khát vọng tạo đột phá trong phát triển, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Lựa chọn mô hình tăng tưởng xanh, “miền sa thảo” đã biến thách thức thành cơ hội, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chính sự phát triển ồ ạt, chưa thẩm định kỹ càng khiến Ninh Thuận đang tồn tại nhiều dự án treo, chậm tiến độ... gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân, phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Một ngôi nhà bỏ hoang ở thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh).
Một ngôi nhà bỏ hoang ở thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh).

Kỳ 1: Sống mòn cùng dự án “treo”

Ngày 13/7/2023 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Thông báo số 74 về việc hủy các Thông báo thu hồi đất thực hiện Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, kết thúc hơn 13 năm đằng đẵng chờ đợi của 1.377 hộ dân vùng dự án. Tuy nhiên, hành trình “hồi sinh” vùng đất này vẫn còn ở phía trước khi hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chưa được triển khai trong thực tế.

Hậu dự án điện hạt nhân

Năm 2005, sau khi khảo sát, Trung ương chọn triển khai xây dựng hai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất 4.000MW. Thực hiện chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 41/2009 và chủ trương của Chính phủ về đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, ngày 19/10/2010, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra Thông báo số 86 thu hồi 540 ha đất tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và 550 ha đất tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (sau lần lượt điều chỉnh xuống 427,2 ha và 404,5 ha). Với tinh thần hy sinh vì lợi ích quốc gia, 1.377 hộ dân thuộc vùng dự án đã đồng thuận sẵn sàng tinh thần di dời tái định cư, nhường đất cho điện hạt nhân. Tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc, đến tháng 11/2016, Quốc hội đã ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư. Và phải mất 7 năm sau, ngày 13/7/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận mới ban hành Thông báo số 74 về việc hủy các Thông báo thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đằng đẵng hơn 13 năm không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, người dân tại vùng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nay đã được “cởi trói” từ quyết định này.

Có mặt tại “thủ phủ” nho Thái An (xã Vĩnh Hải), những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn chuyện an tâm sinh sống, làm ăn sau khi được trả lại quyền sử dụng đất. Phát triển cây nho, đặc biệt theo hướng công nghệ cao được người dân quan tâm hơn cả bởi trước đây khi còn trong quy hoạch thì việc mở rộng sản xuất là mong ước xa vời. Không giấu được niềm vui mừng, ông Nguyễn Trung Kỳ, hơn 90 tuổi, người dân thôn Thái An cho biết: Mười mấy năm chờ đợi cũng thiệt thòi quyền lợi ghê lắm. Làm ăn thì không dám bung, bung ra lại sợ nhà máy điện hạt nhân triển khai. Giờ tỉnh hủy thông báo thu hồi đất, bà con ai cũng mừng. Mấy cha con tui đang bàn nhau chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế.

Từng gắn bó khi dự án điện hạt nhân dự kiến triển khai trên địa bàn, ông Võ Văn Bảy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ: Hơn 13 năm qua, người dân lâm vào cảnh đi không được, ở không xong. Không được sửa nhà cửa, không được tách thửa, không được chuyển nhượng, cầm cố để vay ngân hàng lấy vốn làm ăn... Chừng đó thời gian chịu nhiều thiệt thòi, giờ bà con chỉ mong các cấp, các ngành sớm đầu tư hạ tầng, công trình thủy lợi, kè chắn sóng, chắn lũ, xây trường học, đường giao thông... để ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Trái với không khí sản xuất đang sôi nổi trở lại ở Thái An, người dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) vẫn điêu đứng hậu dự án điện hạt nhân. Sau khi có thông báo quy hoạch, làn sóng đầu cơ đất quét qua thôn, nhiều người dân đã ngay lập tức bán đất sản xuất (qua giấy viết tay) rồi lấn chiếm đất nghĩa trang, đất ven biển dựng nhà đợi cơ chế bồi thường đặc biệt. Dự án dừng lại, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nhà cửa xây dựng chờ đền bù nay hư hỏng, nhiều người phải trốn nợ, bỏ làng... Ông Nguyễn Văn Trong, người dân thôn Vĩnh Trường kể: Ngày đó phong trào san ủi đất diễn ra ồ ạt, cừu không còn thức ăn cứ thế quặt quẹo dần. Đàn cừu tôi mua giá 3 triệu đồng/con mà đến khi bán tháo chỉ còn 100 nghìn đồng/con. Mất nghề mưu sinh, tôi rơi vào cảnh nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng chi trả...

Dẫn chúng tôi đi dọc đường thôn men theo lối ra biển, ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết: Đất này trước kia bà con chiếm để cất nhà ở, một số bán lại cho người địa phương khác chờ Nhà nước bồi thường có lời. Giờ nhà cửa xuống cấp, bà con đổ nợ đổ nần, lãi chồng lên lãi, bỏ trốn đi mấy năm nay. Làng này bỏ xứ đi nhiều lắm, riêng dãy ven biển hơn 30 căn bỏ hoang bao năm nay rồi. Giờ bà con còn ở lại chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư cơ sở hạ tầng, xây bờ kè, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo điều kiện làm sổ đỏ để vay vốn làm ăn, sang nhượng...

Tiếp tục “sống mòn”

Hơn 13 năm nằm trong quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, toàn bộ cơ sở hạ tầng của thôn Thái An và thôn Vĩnh Trường không được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới khiến cuộc sống của người dân càng thêm vất vả. Ông Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho hay: Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng đã và đang cản trở trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Mong muốn của địa phương là sớm đầu tư cho bà con hệ thống trường học, đường sá và hỗ trợ phát triển sản xuất...

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh cũng cho biết: Tuyến đường độc đạo dẫn về thôn nay đã xuống cấp trầm trọng, mỗi mùa mưa bão ngập lụt, cô lập nơi đây như một ốc đảo. Mong muốn hiện nay của địa phương là Nhà nước sẽ sớm phê duyệt nguồn vốn hỗ trợ đầu tư làm các tuyến đường kết nối liên thôn Từ Thiện - Vĩnh Trường - Sơn Hải. Thứ hai là kết nối các tuyến đường từ Vĩnh Trường lên đường ven biển. Thứ ba là xây bờ kè chắn sóng bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa bão. Thứ tư là đầu tư hệ thống trường học cho con em của địa phương không phải đi xa nữa.

Trên thực tế, từ năm 2018 - hai năm sau khi Quốc hội ra Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP với ba nhóm nội dung thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Trong số này, Chính phủ đã trực tiếp giao UBND tỉnh Ninh Thuận trình phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 5 năm Nghị quyết 115/NQ-CP ra đời, người dân tiếp tục rơi vào cảnh mòn mỏi đợi chờ cơ chế “bù đắp” để ổn định sản xuất và đời sống.

Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết: Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 115/NQ-CP chỉ có giá trị đến năm 2023. Hiện nay các cơ quan đang tổ chức tổng kết xem xét để tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, về lâu dài, quỹ đất này vẫn xác định phục vụ cho mục đích chuyển đổi năng lượng nên công tác quy hoạch hai khu vực điện hạt nhân chưa được rõ ràng, đầy đủ thông tin. Đây là một khó khăn đối với địa phương!

Hơn 13 năm chờ đợi, cho đến giờ, dù có tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay không cũng cần sớm có phương án giải quyết để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người dân. Về vấn đề này, Chính phủ đã cho chủ trương từ năm 2018 thông qua Nghị quyết 115/NQ-CP. Vì vậy, cùng với các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan đang đến từ chính cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận chưa chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khôi phục các quyền lợi cho người dân chậm được thực hiện.

(Còn nữa)