Người giữ nếp nhà
Thị trấn Tam Đảo một ngày hè oi ả. Đúng mùa du lịch nên người xe như nêm, ô-tô ùn tắc nhiều cây số trên đoạn dốc lên đỉnh núi, khách sạn, nhà hàng chen chúc nhau trong một quần thể kiến trúc hổ lốn kiểu mạnh ai nấy làm. Thật may, địa chỉ tôi cần tìm ở khu dân cư bên sườn núi vốn được người dân gọi là khu 2 để phân biệt với khu 1 là khu trung tâm trên đỉnh núi. Khu 2 chỉ có một số homestay gia đình nên không khí hiền hòa, dễ chịu hơn. Băng qua con dốc ở cầu Cạn (cầu bắc qua núi), lần theo những bậc đá đầy rêu, tôi thấy một căn nhà ba gian, 2 tầng theo kiểu cũ, diện tích sử dụng khá hẹp do địa thế dốc của sườn núi. Trên mái nhà, người đàn ông nhỏ thó trong bộ đồ lao động đang thoăn thoắt đo vẽ, cắt mài mấy tấm ván ép và tôn, những tia lửa từ đầu que hàn văng ra lẹt xẹt.
“Anh đang làm gì thế?”. Tôi cất tiếng chào từ cổng. “Ôi, tới rồi à, tớ đang thiết kế một căn phòng áp mái. Các bạn vào nhà đi!”. Vừa nói, anh vừa với tay tắt máy hàn. “Sao anh không thuê thợ?”, “Ôi dào, mình tự làm được, vừa khỏe người, vừa tiết kiệm!”, anh cười vang.
Bên trong căn nhà bày biện khá giản dị. Một bộ bàn ghế gỗ từ thời các cụ để lại, một tủ búp-phê đã cũ, một chiếc phản gỗ nguyên khối lâu năm, trên tường là 2 bức ảnh: hình Tam Đảo thuở hoang sơ và hình ngôi nhà này lúc mới xây dựng xong. Thật khó có thể hình dung được, đây chính là ngôi nhà đã gắn bó với cuộc đời của cụ Hoàng Cầm, người chế tạo ra “bếp Hoàng Cầm” và người đang trò chuyện cùng chúng tôi là anh Hoàng Thư, năm nay đã ngoài 80, là con trai trưởng của cụ.
“Nhà tớ quê gốc thì ở Trực Ninh, tỉnh Nam Định nhưng do nghèo khổ quá mà ông cụ phiêu dạt khắp nơi, cuối cùng thì về vùng núi Tam Đảo này, lúc ấy tớ mới tròn 2 tuổi thôi”, vừa pha trà, anh Thư vừa nhớ lại. “Hồi đó, Tam Đảo còn thưa thớt lắm. Khu 1 trên đỉnh núi là lính tây ở, chốt canh đặt dưới chân núi. Khu 2 chỉ có vài gia đình người Việt đến khai hoang để canh tác, chăn nuôi. Sau này có thêm người di dân tới thì ông cụ chia bớt đất đã khai hoang cho họ. Dần dần cũng hình thành một cụm dân cư nho nhỏ. Đến năm 1947 khi ta thành lập An dưỡng đường ở Tam Đảo, ông cụ xung phong vào phục vụ và chính thức nhập ngũ từ đó. Năm 1948 ông được điều về đội điều trị tiền phương và đến tháng 8 năm 1949 thì về đội điều trị Phòng quân y Sư đoàn 308, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, hay còn được gọi là Đại đoàn Quân Tiên phong.”
- “Vậy cụ nghỉ hưu năm nào ạ?”, tôi tò mò.
- “Năm 1959 là cụ phục viên rồi...”, anh cười, “... Năm 1951 cụ tham gia chiến dịch Hòa Bình, sáng chế ra bếp không khói. Rồi cái bếp đó được đi khắp các mặt trận của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng giặc và đất nước ổn định xong là đòi về quê, về Tam Đảo trồng rau, nuôi gà...”.
Hỏi thêm anh Thư nhiều chuyện nữa và càng biết thêm nhiều về gia đình anh, chúng tôi càng chuyển từ sự ngạc nhiên sang kính phục và nể trọng. Sau những đóng góp cho
Chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính Hoàng Cầm lặng lẽ trở về quê, làm một người bình thường, không đòi hỏi thêm chức vụ gì.
Năm 1953, cậu bé Hoàng Thư khi ấy mới tròn 10 tuổi được sang học tập tại Trung Quốc 5 năm cùng đoàn thiếu nhi Việt Nam. Sau đó, anh về nước, tiếp tục học phổ thông rồi học Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Anh văn. Học hết năm thứ 2, năm 1963, anh xung phong đi bộ đội. Anh được cử đi học lớp trinh sát điện tử rồi điều vào chiến trường Tây Nguyên phục vụ trực tiếp Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Cuộc sống quân ngũ đã tôi luyện anh thành một chiến sĩ gan dạ, ngoan cường. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào, anh cũng xác định chiến đấu và hy sinh chứ nhất quyết không để bị địch bắt vì anh là lính trinh sát.
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Hoàng Thư trở về hoàn thành chương trình học và theo đuổi nghiệp nhà giáo. Anh nổi tiếng là giáo viên dạy giỏi, nghiêm khắc và chính trực của Trường PTTH Phan Đình Phùng, Hà Nội. Không chạy theo cơ chế thị trường, không dạy thêm, học thêm, thế nên mặc dù Anh văn là môn học hái ra tiền vào thời điểm đó, gia đình anh vẫn chỉ ở căn phòng tập thể 9 m2 của trường.
“Cả 4 người gồm ông cụ, 2 vợ chồng và thằng bé con ở cả đấy, vì ông cụ yếu rồi cho nên không thể để cụ sống một mình trên Tam Đảo được. Đất trên Tam Đảo để thờ cúng tổ tiên nên gia đình không thể bán. Căn phòng chật quá, thành ra mỗi khi bạn bè, đồng đội của cụ đến thăm là phải ngồi dưới nền nhà”, anh Thư ngậm ngùi, “Mọi người xúi cụ viết đơn kêu cứu nhưng đơn cứ viết gần xong lại xé. Cụ tự trọng lắm!”.
Nhìn vào mắt anh, tôi thấy được nội tâm anh dữ dội. “Rồi sau đó thì sao ạ?”, tôi khẽ hỏi.
“Bà xã tớ cũng không có công ăn việc làm, cứ sáng sớm đi lấy hoa ở chợ đầu mối về bán. Nhiều khi bán ế. Hoàn cảnh khó khăn quá. Ông cụ thương con, cực chẳng đã đành cố viết cho xong lá đơn…”, giọng anh kể nghe thật buồn.
Sau lá đơn đó, Bộ Quốc phòng đã cấp cho gia đình anh một căn nhà công vụ 35 m2 ở Khu tập thể 28 Điện Biên Phủ. Chị Minh, vợ anh Thư được biên chế vào làm ở Trường mầm non của Cục Hậu cần, Bộ Tổng Tham mưu. Còn cụ Hoàng Cầm sống thêm được 4 năm nữa thì qua đời. Theo nguyện vọng của cụ, gia đình đưa cụ về Tam Đảo gần mộ cụ bà.
Người muôn năm cũ
Lần theo lối đi bé xíu là những bậc thang đầy rêu xuống sườn núi, bên hông một tòa khách sạn 6 tầng tráng lệ, chúng tôi vừa dò dẫm bước, vừa dùng tay gạt các bụi cây dại um tùm che khuất lối. Khu mộ của gia đình cụ Hoàng Cầm ở trên ô đất chừng 15 m2 bị vây kín bởi các công trình kinh doanh nghỉ dưỡng, nền gạch lát bị xô nứt vỡ do vận động địa chất. Tôi nhìn dòng chữ giản dị khắc trên bia mộ: “Cụ Hoàng Cầm (tác giả bếp Hoàng Cầm)” và ngậm ngùi thắp nén nhang cho cụ.
- “Anh tính di dời phần mộ của cụ xuống chân núi…”, giọng anh Thư chậm rãi.
- “Ôi, sao lại thế ạ? Em thấy người ta chỉ bốc mộ lên cao chứ không thấy ai đưa xuống thấp”.
- “Trước gia đình đặt mộ ở sườn núi này để cụ có thể nhìn ngắm Tam Đảo, thế nhưng giờ người ta xây khách sạn kín chung quanh rồi, dần dà lối đi kia bị bít thì chẳng xuống mộ cụ được nữa em ạ…”.
Nhìn những màn sương trắng dần sà xuống núi, nhìn Tam Đảo ngổn ngang trong ma trận khách sạn, nhà hàng, lòng chúng tôi cũng ngổn ngang trăm mối.
Năm 1995, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phúc có công văn gửi Chỉ huy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Hoàng Cầm. Sau đó, Sư đoàn 308 đã có công văn phúc đáp (số 856/G5 ngày 25/11/1995) nêu rõ: “Việc xem xét và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Hoàng Cầm là một ý nguyện hoàn toàn phù hợp, đúng với chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xem xét và làm thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng phải xuất phát từ địa phương, do vậy Sư đoàn 308 không thể là đơn vị đứng ra đề nghị Nhà nước xét phong tặng được. Phần thuộc phạm vi quyền hạn của Sư đoàn 308 chỉ là cơ sở để bổ sung thêm vào văn bản báo cáo thành tích của đồng chí Hoàng Cầm và đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc lên Nhà nước”. Sau khi cụ Hoàng Cầm mất năm 1996, sự việc đã dừng lại từ đó đến nay.
Tôi mang thông tin này hỏi anh Thư thì anh chỉ cười hiền: “Lúc còn sống, cụ từng nói rằng, nhìn đồng đội hy sinh vì khói làm lộ điểm đóng quân cho nên cụ tìm mọi cách để chế tạo ra bếp không khói. Bếp không khói giúp bảo toàn được lực lượng, là tiết kiệm được máu xương của đồng đội, còn việc bếp không khói giúp bộ đội có cơm ngon ăn chỉ là ý nghĩa phụ”. Ngừng một lát, anh tiếp: “Tính cụ liêm khiết và ngay thẳng. Chỉ một lá đơn kêu cứu lúc xin hỗ trợ nhà mà đã phải thức trắng bao đêm. Nếu còn sống, cụ cũng sẽ không đồng ý để con cháu đi đòi danh hiệu cho mình đâu. Thế nên, Nhà nước ghi nhận tới đâu thì mình biết tới đó thôi em ạ!”.
Tôi lặng người nhìn Hoàng Thư rồi lại nhìn sang mộ cụ Hoàng Cầm, có điều gì đó thật xót xa len lỏi xâm chiếm tâm hồn tôi. Nào đã phải đâu xa, bếp Hoàng Cầm đã góp phần làm nên sức mạnh hậu cần của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; bếp Hoàng Cầm đã và đang được các đơn vị Quân đội ta đưa vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khẳng định trí tuệ, tầm vóc và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các hội thi, hội thao, trong nước, khu vực và trên trường quốc tế. Nào đã phải đâu xa…
Bâng khuâng dưới bóng chiều tà ở sườn núi Tam Đảo, tôi như nghe tiếng tiền nhân vọng về từ quá khứ: “Bếp Hoàng Cầm lửa tắt rồi/Bữa cơm trận mạc một đời vẫn thơm…”.