Những cảm hứng đặc biệt từ một phụ nữ đặc biệt

Triển lãm “Gió thổi - Đổi giời” “mượn” câu cửa miệng của người Việt nhắc nhau sắp có sự thay đổi trạng thái thời tiết - “Trời đổi gió rồi đấy” - để thể hiện những cảm hứng nghệ thuật từ tư tưởng và cuộc đời của Rosa Luxemburg - người phụ nữ kiên cường đấu tranh cho công bằng, cho sự thay đổi tiến bộ của nhân loại và đặc biệt cho phụ nữ là/và những người yếu thế trong xã hội.

Khách xem triển lãm “Gió thổi - Đổi giời” và tác phẩm “Ôm người” của Veronika (Đức).
Khách xem triển lãm “Gió thổi - Đổi giời” và tác phẩm “Ôm người” của Veronika (Đức).

Cảm hứng từ “Bông hồng bất tử”

Rosa Luxemburg là nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng trong đầu thế kỷ 20. Với tư chất xuất sắc và tính cách mạnh mẽ, bà đã dành cả cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng sôi nổi của mình cho cuộc đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp. Rosa kêu gọi hành động quốc tế chống lại bạo lực, chống chiến tranh, chống chủ nghĩa đế quốc, quân phiệt và chủ nghĩa thực dân. Bà là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Đức (KPD). Rosa Luxemburg bị các thế lực phản động sát hại ngày 15-1-1919 trong cuộc Cách mạng Tháng mười một (1918) đang diễn ra ở Đức và được tôn vinh như một liệt sĩ. Người bạn chiến đấu thân thiết cũng là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, Clara Zetkin đã ví Rosa như “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”. V.I. Lenin viết về bà một cách đầy hình tượng: “… Rosa đã và sẽ mãi mãi là phượng hoàng”.

Triển lãm “Gió thổi - Đổi giời” được Quỹ Rosa Luxemburg Đông - Nam Á tổ chức tại Hà Nội, giới thiệu năm nữ nghệ sĩ sâu sắc, cách tân, nhạy cảm và mạnh mẽ. Lần đầu tiên Nguyễn Phương Linh, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Trinh Thi (Việt Nam), Veronika (Đức) và Joice Ho (Đài Loan - Trung Quốc) gặp nhau trong một triển lãm online, cùng đối thoại bằng ngôn ngữ nghệ thuật để nói lên những ý tưởng mang cảm hứng từ cuộc đời Rosa Luxemburg và lý tưởng cách mạng của bà - luôn cố gắng cống hiến cho con người và hành động để cải thiện xã hội. Các nghệ sĩ cũng đối thoại với công chúng để cùng nói về những yếu tố chi phối cuộc sống, đặt ra những câu hỏi về những bài học lịch sử, những quyền lực hiện hữu trong xã hội, nhằm tìm kiếm một xã hội tốt hơn hay những khả năng phù hợp hơn…

Cuộc đối thoại từ những ẩn dụ thú vị 

Joice Ho (Đài Loan) mang đến triển lãm ba tác phẩm “Ký ức phơi lâu” (video art) với sự trình bày nhẹ nhàng về vai trò giới, cử chỉ lặp… chỉ ra trạng thái mâu thuẫn giữa giấc mơ và thực tại, đêm và ngày, mang lại bầu không khí vừa e sợ và gợi cuốn. Video sắp đặt “Một ngày tại Quỹ Rosa Luxemburg” đặt một chiếc điện thoại giữa phòng chính của Quỹ Rosa Luxemburg tại Hà Nội để khách tương tác nhấc máy nhận được lời giới thiệu về Quỹ từ một người phụ nữ trực điện thoại ẩn trong triển lãm. Sắp đặt tương tác “Tái - mở thư viện” là một giá sách tại văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg, trong đó tất cả các quyển sách được bọc lại bằng giấy trắng. Khách tham quan có thể vẽ/viết trên bìa giấy trắng trong lúc đọc, để tạo nên danh tính, tên và ý niệm mới cho chúng.

Nguyễn Phương Linh có tác phẩm sắp đặt video “Trùng mù”. Trong video này, thẩm mỹ viện và tiệm làm móng là những nơi người nghệ sĩ được nghe tiếng mẹ đẻ của mình. Trên nền là tiếng chiếc máy laser dùng để loại bỏ sắc tố, làm trắng da theo mốt. Khói trôi trong phòng làm mờ đi những gì chúng ta có thể và không thể nhìn thấy.

Nguyễn Trinh Thi bắt đầu bằng một tuyên bố: “Tôi là một nhà làm phim, như bạn cũng biết”. Sử dụng lời văn thay vì giọng đọc và với việc đặt các hình ảnh con gái của mình bên cạnh các hình ảnh lưu trữ về phụ nữ Việt Nam được nhìn như thế nào qua nhiều lăng kính, bộ phim dẫn dắt người xem qua một câu chuyện kể về chủ nghĩa thực dân, vấn đề bản địa và các hạn chế trong khả năng đại diện của điện ảnh.

Trần Kim Ngọc có sắp đặt đa ngành video - âm thanh - trình diễn lấy tên “Đàn bà tẩu thoát”. Cô diễn giải về ý tưởng của mình: “Căn phòng này, nơi tôi treo một vài khung ảnh những hiện diện bất động và chuyển động để có thể nghe sâu vào những li ti của một cuộc đào thoát đàn bà. Ngã thể và bản dạng xoay xở trong những quang cảnh quen thuộc và khác biệt phát ra tiếng ngân của hình hài, của ký ức và có thể của cả những giấc mơ…”.

Veronika từ Đức gửi đến tác phẩm “Ôm người” vẽ bằng bút dạ và bút chì màu trên giấy in (in lại trên vải) gồm 144 truyền đơn về cuộc đời của Rosa Luxemburg và nó gợi về thời đại của bà. Thông qua những tranh vẽ, ảnh chụp, chân dung, từ ngữ, hay những câu từ cá nhân trong những bức thư…, chúng bộc lộ những do dự, sự khéo léo và khiếu hài hước của Rosa. Nếu lịch sử và chính trị xoay quanh con người thì sẽ thật thú vị hay đáng mong ngóng hơn, với những thứ làm nên nhân tính - giữa lòng dũng cảm và sự sợ hãi, sự chắc chắn và những hoài nghi, thiện nguyện và bất quyết. Trên tất cả bốn bức lớn là một mô-típ chung: hoa (một bông hoa thường thấy tượng trưng cho nét đẹp của phụ nữ Việt Nam), cái lá khô, chân dung của Rosa Luxemburg và dòng chữ “Ôm người” bà thường dùng để kết thư của mình.

Công chúng yêu nghệ thuật đương đại, đặc biệt là giới trẻ có thể tìm thấy nhiều suy tưởng, gợi mở từ cuộc triển lãm khá đặc biệt lấy ý tưởng từ những cảm hứng về một nhân vật lịch sử là một phụ nữ cũng rất đặc biệt - Rosa Luxemburg.

Triển lãm khai mạc ngày 5-3 và kéo dài đến hết ngày 12-4 tại Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg - nhà số 8C ngõ 76 Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội). Lễ khai mạc được phát sóng trên trang sự kiện: https://fb.me/e/gjx8WrbEI.