Nhu cầu đổi mới Luật Báo chí

Cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Báo chí 2016 cho phù hợp sự phát triển của báo chí trong bối cảnh hiện nay và những năm tới. Đó là tinh thần được nhấn mạnh trong cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội với Báo Nhân Dân vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng những người làm báo ngày càng đông đảo và chuyên nghiệp. Ảnh: QUANG VŨ
Lực lượng những người làm báo ngày càng đông đảo và chuyên nghiệp. Ảnh: QUANG VŨ

1/Tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 820 cơ quan báo chí. Trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41 nghìn người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 (tính đến tháng 12/2023) là 20.508 trường hợp, và hơn 27 nghìn người được kết nạp là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, đến nay đã ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí; góp phần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

2/Nhưng thực tiễn đang tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại. Qua đó, các quy định luật pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Nhiều vấn đề đang đặt ra câu hỏi như ranh giới mong manh giữa báo và tạp chí trên internet; quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác với mạng xã hội; vấn đề kinh tế báo và hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí…

Cùng với đó, tình hình phát hành của nhiều tờ báo cũng đang suy giảm; gặp nhiều khó khăn trong xây dựng bộ máy, ổn định nhân sự, bảo đảm nguồn thu. Thực tế khác còn cho thấy có xu hướng một bộ phận người làm báo bị ảnh hưởng bởi hoạt động truyền thông, bị cạnh tranh dữ dội và cũng bị lệ thuộc, “ăn theo” vào mạng xã hội. Cộng với tâm lý “ăn sẵn” và thái độ lười lao động, tác nghiệp, đã dẫn đến sự giống y hệt hoặc hao hao, na ná giữa các tin, bài về nhiều lĩnh vực, hoạt động trên các báo. Có cả thực trạng đáng lo ngại về lỗi sử dụng ngôn ngữ, lỗi diễn đạt trong việc viết báo, giật tít, xa rời sự trong sáng của tiếng Việt, mục tiêu nhắm đến sự gây “sốc”, gây cười... Điều này thể hiện qua nhiều tít bài, nội dung bài được thể hiện ngô nghê, dung tục, phản cảm, sai chính tả, sai ngữ pháp, sai lệch so với những diễn đạt thông thường. Thực trạng này cảnh báo về trình độ ngôn ngữ, văn hóa, văn phong của nhiều phóng viên, biên tập viên trong việc viết và biên tập bài vở.

Nhu cầu đổi mới Luật Báo chí ảnh 1

Các phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: NGUYỆT ANH

3/Trong cuộc làm việc của đoàn Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tại Báo Nhân Dân, nhiều đề xuất đã được đưa ra, như cần có những nghiên cứu xây dựng đường hướng phát triển bền vững cho cơ quan báo chí, bảo đảm nguồn thu cho báo, cho người làm báo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, liên quan đến mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, cần nghiên cứu thúc đẩy những cơ chế ưu đãi của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc về nhân sự, lương, chi phí sản xuất, phát hành, đặt hàng tuyên truyền, phối hợp truyền thông… nhằm giúp cơ quan báo chí ổn định, bảo đảm các nguồn lực và sự phát triển trong việc thực hiện tôn chỉ mục đích. Các ý kiến cũng cho rằng, cần chú trọng hơn đến việc tu dưỡng đạo đức, trau dồi nghề nghiệp, nâng cao trình độ, tăng cường việc đào tạo, tự đào tạo đối với đội ngũ nhà báo, phóng viên. Cần siết chặt hơn về các hình thức xử lý đối với những trường hợp lợi dụng danh nghĩa hoặc nhà báo, phóng viên vi phạm quy định của Luật Báo chí và pháp luật nói chung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, hành vi tác nghiệp.

Liên quan đến các vấn đề trên, trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông và các cơ quan chức năng cũng được nêu cao. Qua đó, đòi hỏi cao hơn ở vai trò, trách nhiệm giám sát, phản ứng, xử lý, giải quyết khi có những sự cố, vụ việc, hiện tượng tiêu cực xảy ra trong hoạt động báo chí.

Hội báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” sẽ diễn ra ở TP Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 17/3 tại tuyến đường Lê Lợi, Quận 1. Cùng với hàng trăm gian trưng bày, tại hội báo sẽ diễn ra “Diễn đàn báo chí toàn quốc” và các hội thảo, tọa đàm về giải pháp đưa nội dung lên các nền tảng số; tổ chức, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển báo chí mạng xã hội; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; triển khai các ứng dụng AI, chatbot, chatGPT; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí...