Kể chuyện quân y ở Điện Biên Phủ

Nhớ những ngày cơm nắm, mổ hầm

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Nhân Dân đã mở chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ tại địa chỉ http://dienbienphu.nhandan.vn. Dịp ra mắt chuyên trang, giới thiệu đợt tuyên truyền đặc biệt do báo tổ chức, đã có nhiều thông tin, tư liệu, hồi ức từ các cựu chiến binh, nhà nghiên cứu được chia sẻ. Trong đó, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, GS, TS Nguyễn Tụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y đã gần trăm tuổi, vẫn hào hứng khi kể lại những chiến tích xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc thương binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Chăm sóc thương binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đứng mổ 5 ngày, 5 đêm

Để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết lực lương quân y được huy động. Trong đó có 6 đội điều trị trực thuộc Cục Quân y, 4 đội điều trị của các đại đoàn, cùng hàng trăm dân công biên chế vào các đội điều trị làm nhiệm vụ nuôi quân, hộ lý và cứu thương. Ở phía sau, các vùng Phú Thọ, Yên Bái và Thanh Hóa là những bệnh viện hậu phương và tất cả thương bệnh binh nếu không còn khả năng chiến đấu nữa đều được đưa về đó.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhớ lại: Thực ra lúc bấy giờ chúng tôi chưa phải là bác sĩ. Toàn là những anh em sinh viên y khoa Hà Nội từ khóa năm 1946 đến khóa năm 1952. Tất cả đều xung phong vào phục vụ trong quân đội. Mà sinh viên thì trình độ y khoa cũng chưa phải là cao, nên nhiều anh em vừa đứng mổ, bên cạnh vừa có người đọc tài liệu để có những tham khảo thêm về kỹ thuật thực hiện.

Thời điểm cam go nhất trong việc cứu chữa thương bệnh binh là vào giai đoạn 2 của các trận đánh tối ngày 30/3 và 31/3. Số thương binh về đơn vị của Nguyễn Tụ rất lớn, khoảng 1.000 người. Nhưng tất cả việc cứu chữa đều thực hiện dưới hầm. Đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất. Đường vận chuyển thương binh, bệnh binh là hệ thống giao thông hào. Có thời điểm các ông phải đứng mổ 5 ngày, 5 đêm liền hầu như không nghỉ, chỉ kịp nhai cơm nắm sau mỗi ca. Thương binh về đông quá nên nhiều khi xảy ra ùn tắc. Điều đó khiến cho hoạt động chuyên môn cũng khó khăn hơn.

Dưới hầm trong điều kiện thiếu sáng, các chiến sĩ quân y phải dùng sức người thay nhau quay mô-tơ xe đạp phát sáng cho các ca mổ. Bên cạnh đó còn thiếu thốn nhiều thứ như máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men... Có nhiều thương binh, các bác sĩ chỉ kịp sơ cứu rồi phải chuyển qua điều trị cho các thương binh khác.

Lão tướng quân giọng trầm lại, là những người làm công tác chuyên môn cứu chữa thương binh, bệnh binh thật sự mà nói, nhiều khi mình cũng bất lực trước những tình trạng như vậy.

Tổng số thương bệnh binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 10.130 người, nếu kể cả bệnh binh là gần 15 nghìn người. Việc tiếp tế cho thương bệnh binh trong 56 ngày đêm của chiến dịch không hề đơn giản. Rất may, bộ đội ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm do không quân Pháp thả xuống rơi vào trận địa. Trong số đó, có nhiều hộp chứa tinh thể cam, hồi, chanh. Những chất này rất cần thiết cho các thương bệnh binh, bởi sau quá trình chiến đấu gian khổ, bị thương, bị ốm, tình trạng các chiến sĩ rất yếu, mệt mỏi và đói khát. Nên ngoài cháo, nước, chúng ta lại có thể lấy chiến lợi phẩm của địch cho thương binh uống nữa, góp phần giúp các chiến sĩ mau phục hồi.

Nhớ những ngày cơm nắm, mổ hầm ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Tụ (thứ ba từ trái sang) trong cuộc gặp mặt tại Báo Nhân Dân. Ảnh: LÊ MINH

Quân y đi trước về sau

Đối với các chiến sĩ quân y thì bao giờ cũng phải đi trước và về sau. Giải thích về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết, đi trước nghĩa là mình phải đi trước để chuẩn bị những cơ sở để tiếp đón thương binh khi các trận chiến xảy ra. Còn về sau là khi bộ đội đã rút hết khỏi Điện Biên thì còn lại 3.000 thương binh và phải tổ chức làm sao có thể chuyển được họ về hậu phương. Lúc đó thì cũng có xe rồi nhưng không phải tất cả thương binh đều đi xe được do có các thương tật gãy xương, hôn mê. Cho nên quân y lại phải tổ chức cáng từng người một.

Lúc bấy giờ, chúng tôi lại có sáng kiến là anh đi xe thì chuyển thương theo trạm, nhưng người phải cáng bộ thì lại phải chuyển thương theo từng cáng một. Mà mỗi cáng là một gia đình, có các anh chị em dân công đi phục vụ, khiêng anh em thương binh. Cùng với đó là anh em quân y luôn bên cạnh để cấp cứu, săn sóc về y tế, Thiếu tướng Nguyễn Tụ nói: Tất cả coi nhau như anh chị em trong nhà khiến thương bệnh binh rất thoải mái, lúc nào cũng cảm thấy được sự săn sóc của tất cả đồng đội. Sau khi kết thúc chiến dịch, ròng rã hơn một tháng trời, chúng tôi mới đưa được hết thương binh về tuyến sau.

Bên cạnh đó, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháp cũng để lại gần 500 thương binh. Thực hiện chính sách nhân đạo, đội ngũ các chiến sĩ quân y lại cứu chữa họ hết sức tận tình. Phải nói rằng, phục vụ thương bệnh binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch dài nhất, đông thương binh nhất. Chính vì vậy, sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ quân y trong chiến dịch là rất lớn. Với công lao đó ngành quân y đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng LLVTND…

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, GS, TS Nguyễn Tụ nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Đỗ Mười khi vào thăm Học viện Quân y: Ông cha tổ tiên của chúng ta đã đánh giặc xâm lược và sự hy sinh mất mát rất lớn lao. Xương có thể đã chất thành núi, máu chảy thành sông mới giành được độc lập tự do. Vì vậy, chỉ mong thế hệ của chúng ta và nhất là các bạn trẻ phải hết sức cố gắng, kiên trì để giữ gìn lấy nó.

Chuyên trang http://dienbienphu.nhandan.vn có nhiều chuyên mục: Tin tức; Diễn tiến chiến dịch; Dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; Hỏi đáp về Chiến dịch Điện Biên Phủ; Multimedia. Trong đó, đặc sắc nhất là Bản đồ chiến dịch tái hiện diễn biến 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, cập nhật diễn tiến từng ngày dưới dạng nhật ký, bắt đầu từ 13/3 đến 7/5/1954.