Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 5% như luật hiện hành. Từ đây sẽ có nhiều thách thức không nhỏ cho các nhà làm phim khi các chi phí sản xuất, phát hành gia tăng. Thời Nay đã ghi nhận một số ý kiến chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng thuế VAT là thách thức lớn cho các nhà sản xuất phim Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Tăng thuế VAT là thách thức lớn cho các nhà sản xuất phim Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH

Đạo diễn Phan Đăng Di:

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 1

“Chúng ta còn chênh lệch về chính sách hỗ trợ”

Trong tất cả hoạt động văn hóa nghệ thuật, có ít hoạt động có thể sinh lãi, thích hợp với thị trường, còn phần nhiều lại đang gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh mặc dù được quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi, trong khi quy định về Luật thuế lại được triển khai và tạo ra tác động ngay tức thì.

Có những hoạt động văn hóa cần thiết, là trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Trong lĩnh vực điện ảnh, kinh nghiệm của các nước là luôn có sự ưu đãi, bởi họ nhìn thấy nguy cơ những nền điện ảnh nhỏ, trong đó có khu vực Đông Nam Á đang quá nhỏ, không thể cạnh tranh với những nền điện ảnh lớn. Chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó có chính sách thuế luôn là sự ưu tiên hàng đầu. Nếu chỉ so chúng ta với các nước trong khu vực thì đã có sự chênh lệch về chính sách hỗ trợ.

Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (Giám đốc HK film)

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 2

“Cần giúp điện ảnh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”

Mỗi năm chúng ta có 40 phim, mỗi phim trung bình 25 tỷ đồng, tức là chi 1.000 tỷ/năm cho việc làm phim. Nếu thuế ở mức 5% tức là 50 tỷ đồng, nếu thu 10% là 100 tỷ đồng. Tôi từng đề nghị giảm xuống 0% là vì đây là một ngành nghề quá đặc biệt, quá rủi ro. Nhà nước cần có chính sách về việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Khi làm phim, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất từ 10-12%/ năm, bắt đầu từ khi làm phim, chi tiền đến khi thu lại tiền, nếu nhanh là 1 năm. Với một đoàn làm phim, thí dụ với ngân sách 20 tỷ đồng, thu 5% tức là chúng tôi phải bỏ ra 21 tỷ đồng. Vậy thì nhà đầu tư không đồng ý, không thể nào từ 20 tỷ đồng lên 21 tỷ đồng được vì ngân sách chỉ có như vậy. Và có thể họ phải dừng dự án! Việc tạo ra một dự án tốt và có giá trị thì hầu như bị ngưng ngay. Muốn điện ảnh phát triển, đặc biệt là với các sản phẩm văn hóa, lịch sử thì chúng ta nên có sự hỗ trợ cần thiết.

Nhà sản xuất Hoàng Quân:

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 3

“Cân nhắc đặc thù ngành nghề”

Ngành phim nhìn bề ngoài thì ổn nhưng nội tại vẫn còn đang phải cố gắng gồng gánh và nỗ lực rất nhiều để chuyển mình phát triển. Chúng tôi cùng các anh chị em trong ngành đã đề xuất, hy vọng các nhà làm chính sách sẽ cân nhắc thật kỹ để bảo đảm sự bền vững và phát triển của điện ảnh Việt Nam, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo tiếp tục cống hiến. Cần cân nhắc đến đặc thù ngành nghề để tránh gây khó khăn cho các nhà sản xuất phim, đặc biệt là với những dự án cần nguồn vốn lớn và thời gian dài để hoàn thiện.

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 4

“Mong tiền thu từ thuế tăng có thể đưa vào Quỹ hỗ trợ điện ảnh”

Có những ý kiến cho rằng: Với số tiền thu thêm từ khoản tăng thuế, có thể đưa vào Quỹ Hỗ trợ điện ảnh. Nếu được như vậy thì quá tốt! Nhưng hiện nay, trong Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2023 có đề cập đến Quỹ Điện ảnh nhưng vẫn chưa rõ ràng sẽ do cấp nào quản lý và nó được điều hành như thế nào để tạo nguồn vốn cho sản xuất phim. Chúng tôi cũng rất mong chờ vì nếu điều này được hiện thực hóa, quỹ điện ảnh ngày càng “sung túc” thì sẽ có nhiều đạo diễn, biên kịch, tác giả có điều kiện làm phim tốt hơn, đặc biệt các tác giả trẻ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, để có thể làm phim đầu tay, đến với các liên hoan phim quốc tế.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 5

“Điện ảnh phải tập trung vào việc tự cứu mình”

Chúng ta đang trong giai đoạn đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Lĩnh vực này cần sự chung tay của tất cả mọi người để có môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, trong đó có chính sách thuế.

Thuế điện ảnh tăng từ 5% lên 10%, tức là tăng 100%. Chúng ta đang ở trong giai đoạn có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn. Thuận lợi là khi chúng ta nhận được sự quan tâm của xã hội với lĩnh vực văn hóa. Chúng ta có thị trường văn hóa nghệ thuật sôi động, thuận lợi, phù hợp với sự đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt chúng ta có sự quan tâm, yêu mến của công chúng. Tuy nhiên chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác từ nước ngoài, trong khi thị hiếu, nhu cầu của công chúng ngày càng cao. Với điện ảnh, vẫn còn những quan niệm trong xã hội nhận thức rằng đây là lĩnh vực giải trí. Theo quan niệm của tôi, trong thời gian sắp tới, lĩnh vực điện ảnh nên tập trung vào việc tự cứu mình trước. Tôi cũng tin rằng đây là thời điểm tuyệt vời để chúng ta nói thật, làm thật trong lĩnh vực văn hóa.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc:

Nhiều thách thức với điện ảnh khi tăng thuế VAT ảnh 6

“Cần quan tâm đến mảng phim nghệ thuật”

Thuế là nguồn thu quan trọng của quốc gia, đặc biệt là thuế VAT nên tôi rất hiểu lý do vì sao Nhà nước tăng thuế điện ảnh từ 5% lên 10%. Tôi chỉ hy vọng điện ảnh xã hội hóa và các doanh nghiệp có thể tự sống bằng sản phẩm của mình thì cũng cần quan tâm đến mảng phim nghệ thuật hay những bộ phim ngân sách thấp, của những đạo diễn đầu tay. Ở khu vực đó, điện ảnh cần hỗ trợ bằng cách này hay cách khác, không chỉ thông qua công cụ thuế. Tôi biết ở nhiều quốc gia vẫn sử dụng quỹ hỗ trợ văn hóa, quỹ hỗ trợ điện ảnh, quỹ hỗ trợ sản xuất…, tức là có nhiều công cụ để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Một mặt chúng ta hiểu rằng việc tăng thuế là cần thiết cho những khu vực điện ảnh đã được xã hội hóa nhưng cũng cần quan tâm đến khu vực điện ảnh mà ở đó tập trung cho sự phát triển văn hóa, đây cũng là một phần không thể thiếu của điện ảnh.