Triển lãm “HOME”:

Nhiều hơn một chữ “nhà”

Từ ngày 18 đến 28/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội diễn ra triển lãm “HOME” của họa sĩ Hoàng Định cùng các con. Triển lãm giới thiệu 36 tác phẩm, được tổ chức nhân kỷ niệm sinh nhật họa sĩ 70 tuổi, hướng đến chủ đề sáng tác chung về ký ức và gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Hoàng Định cùng các con trong buổi khai mạc triển lãm ‘’HOME’’.
Họa sĩ Hoàng Định cùng các con trong buổi khai mạc triển lãm ‘’HOME’’.

Giải nghĩa “HOME”

Với họa sĩ tuổi 70 và các con của mình, “HOME” là gia đình, là tình yêu thương giữa người với người, tình yêu quê hương, luôn hướng về cội nguồn. Từ tâm niệm ấy, họa sĩ Hoàng Định cùng các con của mình đã tạo nên “HOME”, lưu giữ ký ức và tình cảm gia đình trong tâm thức mỗi người.

Họa sĩ tâm sự, tính cách mạnh mẽ, khoáng đạt của cha, sự tần tảo và chắt chiu của mẹ là mạch nguồn cảm hứng cho ông từ những nét vẽ đầu tiên. Còn bốn người con của ông: Hoàng Minh Thủy, Hoàng Chúc Anh, Hoàng Nguyễn Khánh Linh và Hoàng Khánh Nguyên, cũng lấy gia đình làm nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tạo. Nếu như với Hoàng Chúc Anh, “HOME” là tuổi thơ ngập tràn sắc mầu của hoa lá mẹ trồng và những tia nắng mộng mơ chiếu qua bể cá của cha thì gia đình trong tranh Hoàng Nguyễn Khánh Linh gói gọn vào cảnh vật gắn liền với người cha của mình. Là em út trong gia đình, những tác phẩm của Hoàng Khánh Nguyên đều mang sự tươi mới của tuổi trẻ qua những hình vẽ và các hoa văn. Khác với các em, chị cả Hoàng Minh Thủy dù không được học bài bản về hội họa nhưng hành trình trưởng thành của chị luôn ngập tràn màu sắc, hình khối và cảm xúc về cuộc sống. Và chị tái hiện hành trình đó qua những bức tranh của mình tại triển lãm. Hòa đồng với nhau, năm cha con cùng hướng về gia đình, hướng về cội nguồn và tạo nên “HOME”.

Thế giới mộng và thực

Xuyên suốt quá trình sáng tạo tác phẩm trong “HOME”, họa sĩ Hoàng Định luôn chú trọng việc sử dụng những tín hiệu thị giác để khơi dậy tác động trực giác của cảm xúc trong thế giới tự nhiên. Ông muốn đạt được sự sáng tạo của tiềm thức như giấc mơ, ảo giác, tạo hình ngẫu nhiên, đem cái “mơ màng vô thức” đặt vào cái “hình thức hữu hình”, dẫn đến sự cảm nhận về một hình thức trừu tượng siêu thực.

Khi vẽ về nhịp sống của xã hội đương thời, với mỗi bức tranh, họa sĩ Hoàng Định đều muốn mang một câu chuyện và đưa đến cho người xem cảm nhận riêng về phần nào đó trong cuộc đời họ đã từng trải qua. Như trong bức tranh “Phố lên đèn”, sự biến dạng của hình ảnh được thể hiện qua các nét vẽ tạo nên những ảo ảnh kỳ lạ và mơ màng. Người xem cảm nhận những ánh đèn của phố, nhìn nhận bức tranh như trong mơ. Họa sĩ không diễn tả một cách trần trụi mà nhặt, cắt ghép lại và tạo nên hình ảnh riêng của mình. Ông muốn mọi người tự cảm nhận, tự xem và nhớ mãi điều mà người ta liên tưởng đến vì mỗi người có một cuộc đời riêng.

Có thể nói, “HOME” không chỉ là tác phẩm của họa sĩ Hoàng Định và các con, mà triển lãm này còn kể câu chuyện của những đứa con lớn lên với tuổi thơ đầy ắp yêu thương, nay vẫn da diết khôn nguôi về ngày xưa ấy. Các tác phẩm trong “HOME” như lời nhắn nhủ, động viên qua những nét vẽ bình dị nhất như vẽ bể cá của bố, khoảng sân tuổi thơ, chuyến về quê Đồ Sơn... để trở nên liều thuốc chữa lành tâm hồn. Thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống bình dị, về tình người và tinh thần vươn lên, họa sĩ Hoàng Định cho rằng, mỗi cơ thể là một bệnh viện và nghệ thuật chính là liều thuốc, là kháng thể ẩn hình giúp cân bằng lại cuộc sống và chữa lành những vết thương sâu trong tâm hồn.